📞

Hóa trang trong phim: Đẹp chưa đúng chỗ

11:02 | 16/04/2009
Hóa trang là một khâu quan trọng để tạo nên hình tượng nhân vật. Để lột tả một tính cách, diễn viên không chỉ cần đến diễn xuất hình thể, ngôn ngữ mà còn phải thông qua bộ mặt nhân vật để đào sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật.
Trong phim "Lập trình trái tim"

Nói cách khác, diễn viên chỉ diễn tả phần hồn, phần xác thuộc về nghệ thuật hóa trang. Tuy nhiên, nhìn lại hóa trang trong phim truyền hình VN hiện nay có thể thấy chỉ nghiêng về việc làm đẹp là chính.

Trong phim Người đàn bà thứ hai đang phát sóng, cứ mỗi khi máy lia cận cảnh nhân vật Linh đang ngủ, khán giả vẫn thấy gương mặt cô được trang điểm với môi hồng, mắt xanh. Tương tự, nhân vật Mai dù đang đắp mặt nạ nhưng vẫn lộ rõ lớp mặt bụi phấn. Trong phim KTX, nhân vật Trang vừa sinh con xong, còn nằm trong bệnh viện nhưng mặt mũi vẫn tô điểm kỹ càng. Phim Mùi ngò gai, vai nữ chính Vy bán phở nhưng mái tóc xịt keo cứng ngắc.

Sợ xấu, sợ tiều tụy khi lên hình nên dù đi ngủ cũng trang điểm, nằm trên giường bệnh cũng tô son trát phấn như sắp đi dự dạ hội, đó là tình trạng phổ biến trong phim truyền hình VN, khi nguồn diễn viên chủ yếu hiện nay là những người đẹp, người mẫu. Một điểm chung nữa thường thấy trong khâu hóa trang trên phim truyền hình là phong cách trang điểm không làm nổi bật được tính cách, hoàn cảnh nhân vật.

Nhìn gương mặt chính diện hay phản diện, nhà giàu hay nghèo, người xem khó mà phân biệt được. Không cần làm đẹp nhưng lên hình vẫn lung linh, còn ngược lại có những trường hợp nhân vật cần xấu thì lại được hóa trang quá tay, xấu đến mức không cần thiết, gây phản cảm cho người xem.

Trong bộ phim Lập trình cho trái tim (phát trên VTV3 lúc 21 giờ) dù bị lôi cuốn vào  câu chuyện của cô nàng lọ lem Vũ Vũ nhưng người xem cũng không tránh khỏi cảm giác khó chịu trước cách hóa trang màu da đen sạm cho cô. Mặc dù loại kem nền làm đen da ấy được đoàn phim mua ở nước ngoài để bảo đảm bền màu và tránh tổn hại làn da diễn viên nhưng do kỹ thuật hóa trang không khéo nên da mặt Vũ Vũ trông rất thiếu tự nhiên.

Huyền Diệu trong phim Cô gái xấu xí bị cố tình làm xấu đến mức nhìn thô kệch, kinh dị

Buồn cười hơn là suốt 3 tập đầu, gương mặt của cô đen như than, ấy vậy mà sang tập 4, sau khi cô đi làm tóc về, nước da Vũ Vũ tự nhiên sáng trắng hẳn lên như thể vừa được tẩy trắng.

Trước Vũ Vũ - một hình tượng cô gái xấu xí khác - Huyền Diệu trong phim Cô gái xấu xí cũng khiến khán giả khó chịu với cách hóa trang của nhân vật. Đầu bù, tóc rối, ăn mặc thì áo trong dài hơn áo ngoài, kèm thêm hàm răng giả làm biến dạng gương mặt, Huyền Diệu bị cố tình làm xấu đến mức nhìn thô kệch, kinh dị. Đùng một cái, dần đến những tập cuối, nhân vật đẹp lên một cách bất ngờ mà có lẽ chỉ có phẫu thuật thẩm mỹ toàn diện mới được như vậy...

Phim truyền hình đang phát triển không dựa trên một nền tảng vững chắc nên tất cả nhân lực của các khâu sản xuất hiện nay đều quá tải trước tốc độ phát triển ồ ạt về số lượng, trong đó khâu hóa trang sở dĩ dễ nhìn thấy nhất bởi nó hiện rõ trên khuôn mặt diễn viên. Xem một bộ phim khán giả không chỉ muốn thấy nhân vật được hóa trang đúng, đủ, đẹp mà còn phải thể hiện được cái thần của nhân vật, nhưng điều đó xem ra là đòi hỏi quá sức trong điều kiện hiện nay.

Nhìn lại hóa trang trong phim truyền hình VN hiện nay có thể thấy chỉ nghiêng về việc làm đẹp là chính (ảnh minh họa - Hoa hậu Cao Thùy Dương đang được hóa trang chuẩn bị cho cảnh quay trong phim Chuyện tình đảo Ngọc. Ảnh: H.Vân)

Lý giải điều này, đạo diễn Tường Phương cho biết: “Kể từ sau năm 1975, các trường sân khấu điện ảnh không còn đào tạo về chuyên ngành hóa trang nên đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp được đào tạo bài bản chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, thêm vào đó nhiều người trong số họ đã lớn tuổi, không còn theo nghề nữa. Mỗi lần làm phim, tìm được một người hóa trang ưng ý, tay nghề cao rất khó”.

Một lý do khác khiến hóa trang chuyên nghiệp không được coi trọng là do cách làm phim hiện nay chỉ chạy theo số lượng là chính (trung bình 2 ngày/tập).

Đạo diễn Hồng Ngân tâm sự: “Làm phim ở VN bị nhiều áp lực lắm, đạo diễn vừa làm vừa chạy đua với thời gian nên nhiều cảnh diễn viên cần trang điểm nhạt lại thì do phải quay nhanh nên bỏ qua luôn. Cũng có trường hợp người hóa trang đã chỉnh trang rồi nhưng diễn viên vẫn lén trang điểm lại do sợ xấu, đạo diễn chủ quan không để ý, đến khi quay rồi mới phát hiện, lúc đó bực quá không muốn quay lại hoặc sợ trễ tiến độ đành cho qua luôn”.

Theo Người Lao Động