📞

Hoằng dương Đạo Mẫu có định hướng

16:50 | 05/05/2014
“Hội thảo khoa học tín ngưỡng thờ Mẫu Nam Bộ, một lần nữa đã giúp các nhà quản lý, các nhà khoa học và nhân dân Nam Bộ nhận thức rõ hơn bản sắc và giá trị của Đạo mẫu. Qua Hội thảo đã khẳng định tính thống nhất trong đa dạng của Đạo Mẫu”. Đó là kết quả mà GS.TS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh sau Hội thảo liên hoàn.
Thanh Đồng Đoan Trang lên đồng tại miếu Thiên Hậu tại Đồng Nai (Ảnh: Nguyễn Văn Kự)

Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang và Đồng Nai, lần đầu tiên một hội thảo khoa học liên hoàn tín ngưỡng thờ Mẫu Nam Bộ do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh An Giang, Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai đồng tổ chức dưới sự hỗ trợ của Ban Tôn giáo Chính phủ và Hội Di sản Việt Nam và một số cơ quan ban chức năng khác.

Bản sắc và giá trị

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia, Phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á cho biết: Tục thờ Mẫu ở Nam Bộ rất đậm đặc, có thể nói còn đậm đặc hơn cả Bắc Bộ. Họ thờ khắp mọi nơi: ở cộng đồng, làng và thờ cả tại gia và có dấu ấn từng địa phương. Bên cạnh đó, sắc màu của tục thờ Mẫu Nam Bộ có sự tiếp biến văn hóa người Hoa như tục thờ Mẫu Thiên Hậu, người Khmer như hình tượng Bà Đen – Linh sơn Thánh mẫu …thể hiện tính đa dạng cao và sức sống mãnh liệt.

Nét đặc sắc trong nghi lễ Bắc Bộ có nghi lễ Chầu Văn với đặc trưng là “Thánh nhập” vào con người. Ở Nam Bộ nét đặc sắc này được thể hiện nghi lễ Bóng Rỗi với nét đặc trưng là múa hát để dâng cho Thánh. Dù là hai nghi lễ khác nhau nhưng đều hướng tới cái chung là phục vụ Mẫu.

Hội thảo đã chỉ ra: Bên cạnh vấn đề tín ngưỡng thờ Mẫu còn có vấn đề về văn hóa thờ Mẫu vì vậy cần có sự kết hợp giữa các nhà quản lý và các nhà văn hóa. Đặc biệt, cái gì có giá trị thì bảo tồn phát huy, cái nào biến tướng thì loại bỏ. Các nhà khoa học đã xác định được Nhà nước và các nhà khoa học không thể loại bỏ hết những cái biết tướng, mà phải dựa vào cộng đồng tín hữu, sàng lọc và đào thải. “Nhà nước phải tin vào cộng đồng tín hữu và trao cho họ trách nhiệm của văn hóa tín ngưỡng”. GSTS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh trong buổi thảo luận.

Chuẩn mực và định hướng

Với 71 tham luận khoa học của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam- Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, tỉnh An Giang, Đồng Nai và Hội Di sản Việt Nam… đã làm nổi bật tín ngưỡng nữ thần - Mẫu Nam Bộ mang giá trị tinh thần truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, Hội thảo lần này kết hợp với Liên hoan nghi lễ Chầu văn và múa Bóng Rỗi- Một “cặp đôi” hội thảo và trình diễn: Hội thảo đã giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, người dân hiểu sâu sắc hơn về Đạo Mẫu nói chung và Nam Bộ nói riêng; Trình diễn tạo “hình mẫu” có định hướng.

GSTS Ngô Đức Thịnh bộc bạch: Các tín hữu được quyền thực hành nghi lễ của mình. Nghi lễ đó được định hướng theo “hình mẫu” nên làm, cái nào không nên trình diễn và cái nào không được trình diễn. Các tín hữu thực hành và quen dần, họ sẽ trở lại cái chính thống của Đạo Mẫu. Đối với Đạo Mẫu, vấn đề không phải làm sống lại mà là làm theo đúng hướng.

Tham dự Hội thảo, Ông Nguyễn Anh Chức, Vụ trưởng Vụ Các tôn giáo khác, Ban tôn giáo Chính phủ phát biểu chỉ đạo: Chúng ta cần tiếp tục thống nhất nhìn nhận đánh giá về những giá trị tốt đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu và công tác đối với thờ Mẫu trên cả phương diện văn hóa, yêu cầu thực tế, giá trị tiêu biểu và công tác quản lý nhà nước.

Chúng ta cần nghi nhận và khẳng định giá trị tốt đẹp của thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Bên cạnh việc tiếp thu tôn giáo du nhập từ nước ngoài thì chúng ta nên chú trọng đến tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của dân tộc.

Trong thời kỳ hội nhập văn hóa thế giới hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo và về văn hóa cần hoàn thiện hồ sơ để tục thờ Mẫu của người Việt sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Công tác quản lý thờ Mẫu trách nhiệm không chỉ riêng của cơ quan quản lý về văn hóa hay về tôn giáo mà là trách nhiệm của các ngành, các cấp và xã hội..

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật giữa tôn giáo nói chung và tục thờ Mẫu nói riêng, đưa pháp luật vào đời sống làm cho người dân hiểu được giá trị tích cực của thờ Mẫu và mặt trái của nó. Từ đó, có ý thức đấu tranh tẩy chay cái xấu, phát huy cái tốt, không để diễn ra hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng nói chung và các hoạt động thờ Mẫu nói riêng gây hậu quả xấu trong xã hội cả về vật chất và tinh thần.

Trong các cuộc hội thảo, các Thanh đồng Hoàng Gia Bổn (Hải Phòng), Nguyễn Thị Bích Loan (Hà Nội)… đại diện cho các thanh đồng đã bày tỏ niềm vui, tự hào khi được tham gia Hội thảo, thấy được sự quan tâm của Nhà nước, của các nhà khoa học và tự hào về sự hoằng dương đạo Mẫu từ Bắc đến Nam. Bên cạnh có đề xuất: các chính sách của các cơ quan Nhà nước cần được cụ thể hơn nữa, thông tin rộng tới cơ sở để cộng đồng tín hữu trên cả nước, để họ được thực hiện hoạt động tín ngưỡng của mình thuận lợi hơn. Các thanh đồng cũng xin hứa sẽ tham gia tốt các hoạt động xã hội khác đối với các khu vực địa phương mình đang hoạt động và sinh sống./.

Minh Hòa (từ Đồng Nai)