Nhỏ Bình thường Lớn

Hoạt động từ thiện: Cuộc phiêu lưu từ lòng tốt, xu hướng mới trong và sau Covid-19

TGVN. Suốt một thập kỷ qua đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc trong hoạt động từ thiện phát triển trên toàn thế giới. Và ở Việt Nam, câu chuyện ấy càng sống động hơn khi diễn ra dịch Covid-19 và thiên tai lũ lụt miền Trung thời gian qua...

Khi nói về từ thiện phát triển, giáo sư Amir Pasic tại Trường Lilly Family School of Philanthropy Đại học Indiana (Mỹ) từng nhấn mạnh rằng đó là chìa khóa cho cuộc sống, bởi trao tặng thời gian, tiền bạc và vận động cho những lĩnh vực xã hội giúp đem lại nhiều điều hữu ích.

Thật vậy, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến thời kỳ của từ thiện phát triển với một lớp các nhà tỷ phú mới xuất hiện, các quỹ cộng đồng tăng vọt, các cá nhân tích cực đứng lên dùng uy tín quyên góp cộng đồng, sự ra đời của các doanh nghiệp xã hội...

Hoạt động từ thiện: Cuộc phiêu lưu từ lòng tốt, xu hướng mới trong và sau Covid-19
Các người đẹp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp đi ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung.

Xu hướng mới trong và sau Covid-19

Trong năm 2020, thế giới đã đối mặt với những xáo trộn, thay đổi và cả khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Tiếp cận trong bối cảnh mới này, các ý tưởng và chiến lược mới về hoạt động từ thiện phát triển đã bùng nổ mạnh mẽ.

Bởi vậy, nhằm tạo ra một không gian mở để các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, quỹ và các cá nhân quan tâm cùng nhau chia sẻ kiến thức, cơ hội và thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện các hoạt động từ thiện phát triển, mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã phối hợp cùng với Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF), Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) và Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC Vietnam) tổ chức một cuộc hội thảo về hoạt động này.

Chia sẻ tại đây, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho rằng dòng chảy của từ thiện phát triển cùng các hoạt động nhân đạo đang mạnh mẽ cuộn trào, làm thay đổi các quan niệm, các cách tiếp cận và phương pháp từ thiện. Từ thiện cá nhân không chỉ còn là việc “cho đi” từ cảm xúc cảm động nhất thời, Covid-19 đã kích hoạt trách nhiệm của cộng đồng và sự đoàn kết, sự an toàn hay sự phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng.

“Đừng coi từ thiện phát triển là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn, đợi lớn mới thực hiện mà hãy thực hiện từ thiện phát triển để lớn. Đại dịch Covid-19 và các thiên tai dịch họa 2020 này cũng là khi các cá nhân và tổ chức xã hội nhìn nhận lại công việc từ thiện phát triển để đáp ứng những nhu cầu biến đổi của cộng đồng, các hoạt động chuyển mình từ tự phát, sang nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch, có trách nhiệm giải trình”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

Giám đốc hoạt động, Trung tâm CFC Việt Nam Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng: “Đại dịch Covid-19 và một chuỗi những thiên tai gần đây khiến chúng ta giật mình về những kỹ năng, khả năng ứng phó, đặc biệt là của nhóm những người yếu thế, những người mà khả năng tiếp cận còn giới hạn. Về dài hạn, những hoạt động từ thiện phát triển cần được đẩy mạnh để nâng cao khả năng ứng phó cho nhóm yếu thế song song với những hoạt động từ thiện nhân đạo khẩn cấp”.

Từ góc nhìn một doanh nghiệp đã có nhiều năm hoạt động từ thiện và các dự án xã hội, bà Nguyễn Thị Ý, Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại, Công ty Coca Cola Việt Nam khẳng định: “Bản thân doanh nghiệp hay tổ chức khi vận hành đều hướng tới sự trường tồn, vì vậy việc hướng tới phát triển bền vững lâu dài luôn là ưu tiên hàng đầu. Hoạt động từ thiện phát triển, từ thiện nhân đạo không loại trừ nhau mà luôn bổ sung cho nhau”.

Cuộc phiêu lưu từ lòng tốt

Khi nhìn lại đợt thiên tai bão lũ tại miền Trung vừa qua, bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hoà Bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự ấn tượng với các con số huy động được từ cộng đồng để cứu trợ đồng bào. Tuy nhiên, bà cũng muốn những cuộc phiêu lưu của lòng tốt ấy cần tiến đến hành trình sâu và xa hơn.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng chỉ lòng tốt thôi thì không thể đi xa, phải cố gắng vươn tới sự chuyên nghiệp và hợp tác, có trách nhiệm: “Nếu chỉ dừng lại ở từ thiện nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp về lương thực, áo quần thôi thì chúng ta khó là một xã hội phát triển. Bên cạnh từ thiện nhân đạo, cứu trợ thì dần dần phải có từ thiện phát triển – hình thức từ thiện mang tính chủ động, có tầm nhìn, đích đến rõ ràng, hướng tới sự bền vững bằng minh bạch giải trình và chuyên nghiệp”.

Cũng theo bà Ninh, những hoạt động thiện nguyện lâu dài của các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp sẽ chủ động trao cho những đối tượng yếu thế trong xã hội những “cần câu”, dạy cho họ cách “câu cá”, khuyến khích họ muốn “đi câu” và tạo một môi trường có nhiều “cá” để người ta “câu”. Bởi vậy, từ thiện phát triển ngoài lòng tốt và sự tử tế, phải tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và tự nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình. Nếu những người nhận hỗ trợ mà năm này qua năm khác vẫn phải nhận hỗ trợ thì hoạt động từ thiện, hỗ trợ đó là chưa thành công.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Năm 2020, trong bối cảnh Covid-19, một dự án ý nghĩa mang tên “Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau trong Covid-19” đã được Viện MSD với sự hỗ trợ của Tổ chức United Way Worldwide, Tổ chức Community Chest of Korean thực hiện và phối hợp với 15 tổ chức xã hội, mái ấm, tổ chức cộng đồng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Dự án này hướng tới cung cấp các gói hỗ trợ thực phẩm, vệ sinh và tuyên truyền giáo dục phòng tránh Covid-19 cho hơn 500 hộ gia đình tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tương đương với khoảng 2.000 đối tượng hỗ trợ gồm trẻ em và gia đình không có giấy tờ tuỳ thân, vô gia cư, người khuyết tật, các gia đình trẻ bại não, người lao động nhập cưu, người nhiễm HIV/AIDS... Không chỉ là dự án từ thiện nhân đạo, dự án kết nối sự tham gia đông đảo của các bên liên quan, dự án hướng tới truyền cảm hứng, xây dựng văn hoá từ thiện phát triển khi công tác từ thiện được thực hiện một cách chuyên nghiệp, tối đa hóa sự tham gia của người dân, đảm bảo minh bạch, giải trình, và có đạo đức.

Trước xu hướng từ thiện phát triển trong thời đại 4.0, Giám đốc Chính sách Tiktok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh nhấn mạnh: “Các nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay đều đang có những chương trình để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách hỗ trợ cho các chương trình từ thiện phát triển và gây quỹ của các cá nhân, tổ chức”.

Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm cũng giải pháp điều phối, tiếp cận và huy động cá nhân và doanh nghiệp cho các hoạt động từ thiện phát triển, bà Nguyễn Võ Trúc Giang - Giám đốc Truyền thông và Phát triển Quỹ Làng Trẻ em SOS Việt Nam đưa ra ý kiến: “Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của tổ chức là một điều kiện cần cho việc gây quỹ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, muốn gây quỹ lâu dài cần chú trọng chất lượng sản phẩm hay hoạt động của tổ chức. Với các hoạt động gây quỹ cho từ thiện phát triển, cần không ngừng đổi mới, sáng tạo để phù hợp với nhu cầu cũng như xu thế của xã hội”.

Như vậy, từ thiện là một hoạt động không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội và bản thân hoạt động từ thiện cũng không bất biến mà vận động thay đổi theo xu thế của xã hội. Nói như bà Tôn Nữ Thị Ninh thì có một “hệ sinh thái từ thiện” đang phát triển rất rộng lớn, có thể xem như một ngôi nhà lớn, một ngôi nhà chung mà trong đó mỗi chúng ta là một chủ thể cần chung tay, chung sức để giúp hệ sinh thái ấy phát triển cao hơn, phức hợp hơn.

Đại sứ Anh: 'Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn này'

Đại sứ Anh: 'Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn này'

TGVN. Đại sứ Anh cho rằng khoản viện trợ 500.000 bảng Anh của Vương quốc Anh sẽ góp phần cùng Việt Nam trong các nỗ ...

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi trao tiền quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi trao tiền quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt

TGVN. Ngày 5/11, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban ...

FAO kêu gọi trao quyền cho phụ nữ nông thôn trong quá trình hồi phục kinh tế tại Mỹ Latinh

FAO kêu gọi trao quyền cho phụ nữ nông thôn trong quá trình hồi phục kinh tế tại Mỹ Latinh

TGVN. Trong số 10 triệu cư dân nông thôn có thu nhập thậm chí không đủ để trang trải các nhu cầu lương thực cơ ...

HÀ ANH