📞

Học gì từ "tinh thần Singapore"?

14:31 | 26/07/2017
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói câu nổi tiếng: “Chúng ta phải sống trong một thế giới như nó vốn có, không phải thế giới mà chúng ta muốn có”. Thủ Tướng Lý Hiển Long cũng nhắc nhở về những vấn đề lợi ích quốc gia đang bị đe dọa và Singapore phải chuẩn bị sẵn sàng để “đứng lên và đấu tranh”.

“Đứng lên và đấu tranh”

Chia sẻ tại Bộ Ngoại giao Singapore mới đây, Ngoại trưởng Vivian Balakrishman đã nhấn mạnh, một số người cho rằng Singapore phải chịu đựng số phận của một đất nước nhỏ bé, chính vì thế người dân Singapore càng cần phải đứng lên và đấu tranh vì lợi ích quốc gia của mình. Các nhà lãnh đạo Singapore đã nhận thức rõ điều này, vì vậy họ đã xây dựng một vài nguyên tắc chính sách đối ngoại chủ đạo nhằm nâng cao vị thế của Singapore trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan chia sẻ tại Bộ Ngoại giao, ngày 17/7. (Nguồn: The Today)

Theo Bộ trưởng Balakrishman, gần đây có những cuộc tranh luận sôi nổi về chính sách đối ngoại của Singapore. Liệu Singapore có đi quá xa mà quên đi vị trí của mình là một nước nhỏ hay không? Hay trong bối cảnh địa chính trị đang diễn biến khôn lường, Singapore có nên điều chỉnh chính sách đối ngoại không? Và những nguyên tắc cố hữu liệu có làm giảm khả năng Singapore thích nghi với hoàn cảnh mới hay không?

Trong những năm qua, các nhà ngoại giao của Singapore làm việc rất chăm chỉ trên khắp thế giới để tìm ra “mục tiêu chung” với các quốc gia nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình. Vị trí của Singapore ngày nay đã được cải thiện đáng kể so với khoảng hơn 50 năm về trước. Tuy nhiên, những khó khăn của một nước nhỏ như đảo quốc sư tử này sẽ còn tồn tại trong thời gian dài và không thể bị phớt lờ hoặc lãng quên.

Trong bối cảnh địa chính trị có nhiều biến đổi và khó đoán định. Singapore cần đảm bảo chính sách đối ngoại của mình phản ánh được những thực tế chiến lược đang thay đổi, trong khi vẫn duy trì vẫn duy trì được lợi ích cốt lõi của quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách Singapore cần linh hoạt trong việc dự đoán khó khăn nhưng đồng thời phải biết nắm bắt cơ hội trong quan hệ quốc tế. 

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng có câu nói nổi tiếng: “Chúng ta phải sống trong một thế giới như nó vốn có, không phải thế giới mà chúng ta muốn có”. Thủ Tướng Lý Hiển Long cũng đã nhắc nhở về những vấn đề lợi ích quốc gia đang đe dọa đất nước và Singapore phải chuẩn bị sẵn sàng để “đứng lên và đấu tranh”.

Thể hiện tiếng nói mạnh mẽ

Với xuất phát điểm chỉ là một làng chài nhỏ bé nằm ở phía Nam Malaysia, ngày nay, Singapore đã trở thành một trong những quốc gia hiện đại và phát triển bậc nhất. Nhân dịp này, Bộ trưởng Vivian Balakrishman đã chia sẻ những nguyên tắc chính sách được các lãnh đạo Singapore áp dụng để góp phần làm nên những điều kỳ diệu ấy.

Thứ nhất, Singapore phải là một nền kinh tế thành công và năng động, là một dân tộc ổn định và thống nhất- ổn định về chính trị và thống nhất trong một xã hội đa sắc tộc gắn kết. Trên thực tế, có rất nhiều phái đoàn của các nước nhỏ trở nên “vô hình” trong các cuộc họp quốc tế. Tuy nhiên, quốc đảo nhỏ bé Singapore lại thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế không phải tài hùng biện hay chỉ số EQ cao mà bởi Singapore là một đất nước thành công và có được một thế đứng rất vững chắc trên thế giới.

Thứ hai, Singapore không được trở thành một "quốc gia chư hầu", nghĩa là không thể bị mua chuộc cũng không thể bị đe dọa. Vì vậy, Singapore luôn nỗ lực hết mình để duy trì Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) vững mạnh. Nỗ lực không chỉ thể hiện ở công nghệ quân sự mà SAF sở hữu, mà còn thể hiện trong tinh thần của mỗi người lính chuyên nghiệp, hay những người lính đang thực hiện nghĩa vụ trong các đơn vị quân đội Singapore với mong muốn bảo vệ những gì họ có và đấu tranh cho những gì họ yêu mến, tin tưởng.

Thứ ba, Singapore muốn làm bạn với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng là lý do quốc đảo này là thành viên sáng lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và vẫn luôn ủng hộ mạnh mẽ sự thống nhất cũng như vai trò trung tâm của ASEAN. Bên cạnh đó, Singapore cũng tăng cường quan hệ với các siêu cường, cả về kinh tế và chính trị.

Singapore luôn nỗ lực thể hiện tiếng nói mạnh mẽ ở khu vực và trên thế giới. (Nguồn: Asia Nikkei)

Thứ tư, Singapore phải thúc đẩy một trật tự quốc tế mà trong đó các nước tôn trọng và tuân thủ luật pháp và các quy tắc quốc tế. Trong một hệ thống “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”, các nước nhỏ có rất ít cơ hội bảo vệ mình. Đó là lý do Singapore luôn có mặt tại các diễn đàn chủ chốt và tham gia những vấn đề quan tại Liên hợp quốc, WTO... Singapore phải hỗ trợ một cộng đồng toàn cầu dựa trên quy tắc, thúc đẩy các quy tắc của luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Chúng phản ánh những lợi ích cốt lõi của Singapore và ảnh hưởng đến vị thế của Singapore trên trường quốc tế.

Thứ năm, Singapore phải là một đối tác vững chắc và đáng tin cậy. Quan điểm của Singapore luôn được cân nhắc kĩ lưỡng và thể hiện một tầm nhìn dài hạn. Các quốc gia lớn hơn cố gắng lôi kéo Singapore, tuy nhiên quốc đảo này luôn trở thành một bên trung gian trung thực, làm việc công bằng và cởi mở với tất cả các bên. Chính nhờ đó, Singapore được coi trọng trong các vấn đề quốc tế, tại ASEAN và tại Liên hợp quốc. Năm 1992, Singapore đã giúp thành lập Diễn đàn các quốc gia nhỏ (Foss). Đảo quốc sư tử cũng đóng vai trò xây dựng trong Liên minh các quốc đảo nhỏ để đảm bảo tiếng nói của các nước nhỏ sẽ được lắng nghe và đóng vai trò là cầu nối giữa các thành viên trong G20 và trong Liên hợp quốc.

(theo The Today)