Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/2, với kỳ vọng hai bên sẽ đạt được một nghị quyết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đã kết thúc sớm hơn dự kiến, mặc dù cả hai bên đều tuyên bố "sẽ tiếp tục đối thoại". Nói cách khác, kế hoạch cho một ra đời một Tuyên bố chung đã không thực hiện được vào phút chót.
Còn khoảng cách là điều dễ hiểu
Với kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore (tháng 6/2018), hy vọng có thể đã bị đặt sai chỗ vì cả hai bên đều không muốn thừa nhận hoặc nói quá lên lập trường đã được công bố của họ.
Khi ông Trump thông báo trở ngại là việc Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ tất cả các các lệnh trừng phạt - điều mà Mỹ không sẵn sàng thực hiện - thì trong một cuộc gặp mặt "đặc biệt hiếm hoi" với các phóng viên vào lúc nửa đêm 28/2, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đã phủ nhận quan điểm của Nhà Trắng cho rằng Bình Nhưỡng chỉ đang tìm kiếm một thỏa thuận hoàn chỉnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội, ngày 28/2 |
Theo ông Ri Yong-ho, Triều Tiên đã đề nghị "tháo dỡ hoàn toàn và vĩnh viễn tất cả các cơ sở sản xuất hạt nhân" tại khu liên hợp chính ở Yongbyon nếu Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt "gây cản trở nền kinh tế dân sự và sinh kế của người dân" đồng thời nhắc lại rằng đề xuất của họ "không bao giờ thay đổi". Ngược lại, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên mà cách đây chưa đầy hai năm gọi ông Trump là "một người Mỹ loạn trí" đã đưa ra một thông điệp hòa giải hơn bằng cách nói rằng cuộc gặp thượng đỉnh đã có hiệu quả.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đánh giá Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong un đã "nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán hữu ích để thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương". Khi sự việc trôi qua, cả hai bên đã sử dụng ngôn ngữ để có thể truyền đạt đến thế giới theo hướng có lợi cho họ. Giống như ông Ri Yong-ho, ông Trump cũng hy vọng sẽ gặp lại ông Kim Jong-un sớm mà không đưa ra bất kỳ chi tiết nào.
Nhìn rộng hơn, Thượng đỉnh Singapore, nơi đánh dấu một giai đoạn lịch sử, cũng chỉ dẫn đến một cam kết mơ hồ đối với việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Mặc dù cả Mỹ và Triều Tiên tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh là một thành công song tiến độ thực hiện đã bị đình trệ với việc cả hai bên không đồng nhất quan điểm về khái niệm phi hạt nhân hóa.
Mặc dù Tổng thống Trump thường xuyên nói về viễn cảnh tương lai kinh tế tươi sáng hơn cho một Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và Triều Tiên có tiềm năng tuyệt vời như thể thúc đẩy niềm tự hào của người dân Triều Tiên, nhưng điều này không đủ để khiến ông Kim Jong-un thay đổi quan điểm. Sự thật là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai cho thấy những hạn chế của cơ chế này do không đủ lực lượng và thời gian để thực hiện một thỏa thuận.
Trong khi ông Kim Jong-un ở lại Hà Nội để thực hiện chuyến thăm hữu nghị Việt Nam, ông Trump đã lên đường về nước ngay sau cuộc họp báo diễn ra cùng ngày. Từ trên chiếc Air Force One, ông Trump đã điện đàm với lãnh đạo của hai đồng minh khu vực là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để thảo luận về kết quả cuộc gặp với ông Kim Jong-un.
Quan điểm của Tokyo và Bắc Kinh
Mặc dù Tokyo xem xét sự thúc đẩy về ngoại giao với Bình Nhưỡng do Mỹ dẫn dắt với sự nghi ngờ và tìm cách duy trì lợi ích của họ trong các cuộc thảo luận bằng cách phối hợp với đồng minh Washington, Thủ tướng Nhật Abe đã ủng hộ ông Trump vì quyết định "không thỏa hiệp dễ dàng".
Một vấn đề quan trọng đối với Nhật Bản là số phận của một số công dân nước này bị các đặc vụ Triều Tiên bắt cóc trước đây. Mặc dù Tokyo nói rằng Tổng thống Trump đã nêu ra vấn đề này trong các cuộc thảo luận với Kim Jong-un song không có bằng chứng cụ thể bởi vấn đề phi hạt nhân hóa vẫn là nội dung chính của những bất đồng giữa hai bên.
Ông Abe thường lặp lại mong muốn tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong-un. Mặc dù ông Abe đã nhiều lần đưa ra viễn cảnh về một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un để giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc, song cho đến thời điểm hiện tại, cả Tokyo và Bình Nhưỡng đều chưa có bước đi cụ thể nào để chuẩn bị cho cuộc gặp này.
Seoul đã tỏ ý tiếc về kết quả cuộc gặp, song vẫn hy vọng về những tiến bộ trong tương lai. Ông Trump nhận thức được những nỗ lực của ông Moon Jae-in trong việc dàn xếp các hội nghị thượng đỉnh và do đó bày tỏ hối tiếc vì đã không đạt được thỏa thuận với ông Kim. Như để giữ thể diện, Nhà Xanh (Phủ tổng thống Hàn Quốc) nhấn mạnh rằng hai nước đã tiến bộ hơn ngay cả khi không có thỏa thuận. Seoul hy vọng cuộc gặp tại Hà Nội đã cho hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên hiểu rõ hơn về nhau và vì vậy nhiều khả năng vẫn sẽ có những đột phá trong tương lai.
Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên, đã xem cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội là một bước quan trọng hướng tới phi hạt nhân hóa. Trong khi bày tỏ sự hiểu biết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết việc giải quyết vấn đề này rõ ràng không phải là điều có thể đạt được chỉ sau một đêm. Việc ông Kim Jong-un đã có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ tư (tháng 1 vừa qua) đã cho thấy Bắc Kinh vẫn giữ vai trò chủ chốt trong đường hướng ngoại giao của Bình Nhưỡng.
Bước tiến của lòng tin
Sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore (tháng 6/2018) với việc đưa ra một tuyên bố mơ hồ về phi hạt nhân hóa, Thượng đỉnh Hà Nội có vẻ đã làm các nhà bình luận nhiều kỳ vọng nuối tiếc mặc dù hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã có sự gắn bó nhất định. Nhìn một cách khách quan, việc thể hiện mối quan hệ nồng ấm tại Việt Nam có thể giải thích về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi họp báo trước khi lên đường về nước ngày 28/2 .(ảnh: Nguyễn Hồng) |
Dù không có kết quả nào thì điều này cũng khác xa so với năm 2017 khi Tổng thống Trump chế nhạo ông Kim là "người tên lửa" và đe dọa sẽ "phá hủy hoàn toàn" Triều Tiên nếu tiếp tục các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Mọi sự lạc quan rõ ràng đã bị đặt sai chỗ vì dư luận không mong đợi ông Kim sẽ chấp nhận nếu không có sự nhượng bộ đáng kể từ phía Mỹ. Nếu Tổng thống Trump mong muốn đạt được một thỏa thuận lịch sử theo các điều khoản của riêng mình thì điều đó lại cho thấy sự "non nớt" trong ngoại giao của ông.
Và điều gì sẽ tiếp diễn?
Mặc dù có rất nhiều sự lạc quan, song bức tranh trong tương lai vẫn chưa rõ ràng. Như vậy, những nỗ lực ngoại giao vẫn là lựa chọn tốt nhất có thể vì Triều Tiên đã hứa sẽ không tiếp tục thử nghiệm tên lửa và Mỹ đã tuyên bố đóng băng các cuộc tập trận thường niên quy mô lớn với Hàn Quốc. Với những đề xuất mới của các bên liên quan, cánh cửa tương lai sẽ không bị đóng lại, song đó sẽ một chặng đường dài.