📞

Học giả quốc tế phản ứng trước sự ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông

P.M 17:48 | 28/07/2019
TGVN. Nhiều chuyên gia, học giả quốc tế đều cho rằng, Trung Quốc đang vi phạm UNCLOS năm 1982 mà nước này cũng là thành viên và cộng đồng quốc tế cần lên tiếng về những diễn biến tại Biển Đông.    
Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động phi pháp trên biển Đông. (Nguồn: AFP)

Coi thường luật pháp quốc tế

Nhận định về hoạt động trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia khẳng định, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi tổ chức thăm dò địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không được sự cho phép của nước sở tại.

“Trung Quốc không hề có căn cứ luật pháp cho hành động của họ. Ba năm trước, Tòa Trọng tài quốc tế PCA đã phán quyết trong vụ kiện của Philippines rằng tuyên bố về quyền lịch sử và đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Thậm chí, Trung Quốc còn lớn tiếng nói Việt Nam cần tôn trọng chủ quyền của mình. Nói cách khác, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố chủ quyền một cách vô cớ đối với các đảo và vùng nước trên Biển Đông, phớt lờ các phán quyết của tòa án quốc tế và Công ước Liên hơp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Các hành động của Bắc Kinh cũng đi ngược lại với 'Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc’ được ký vào tháng 10/2011”, ông Carl Thayer nhấn mạnh.

Trao đổi với tờ Tuổi trẻ, Tiến sĩ Zach Abuza, giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ cho rằng, theo UNCLOS năm 1982, Việt Nam được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ), cũng như các quyền trong thềm lục địa. Việc khảo sát của Trung Quốc hay bất kỳ hoạt động khoan thăm dò nào, như Hải Dương 981 năm 2014, cũng là một sự vi phạm rõ ràng tới chủ quyền của Việt Nam.

“Quan điểm của Trung Quốc với luật biển vừa ngụy biện vừa thiếu nhất quán. Trong khi khẳng định rằng mình cam kết với luật pháp quốc tế, Trung Quốc đơn phương tuyên bố yêu sách ‘đường chín đoạn’, vốn không hề dựa trên luật pháp quốc tế”, Tiến sĩ Zach Abuza cho hay.

Phát biểu bên lề Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 9 do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 24/7 tại Washington (Mỹ), nhiều học giả đều thống nhất quan điểm, việc Trung Quốc khảo sát địa chất ở khu vực Biển Đông mà nước này không có chủ quyền và cản trở hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi của các nước khác ở Biển Đông đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Tại Hội thảo, ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge chia sẻ, đây rõ ràng là một sự vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và phán quyết của Tòa án thường trực quốc tế năm 2016 liên quan tới vụ kiện của Philippines. Trung Quốc đã vi phạm cả hai văn bản này nhằm tuyên bố chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực, cũng như tìm cách ngăn cản các nước khác được sử dụng các nguồn tài nguyên này.

Tạp chí The Diplomat dẫn lời học giả Prashanth Parameswaran cho rằng, việc xây dựng lòng tin giữa các nước có tranh chấp trên Biển Đông là điều rất quan trọng và xây dựng lòng tin không chỉ trong vấn đề Biển Đông mà trong nhiều vấn đề khác trong khu vực.

Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại về cách tiếp cận hai mặt hiện nay là vừa xây dựng lòng tin vừa làm xói mòn lòng tin, trong đó một mặt tuyên bố mong muốn tạo dựng môi trường ổn định, nhưng mặt khác lại tiến hành các hành động đơn phương gây mất ổn trong khu vực. Ông nhấn mạnh điều này lặp đi lặp lại trong vấn đề Biển Đông.

Phát huy vai trò của ASEAN

Nhận định về vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, ông Anthony Nelson cho biết, ASEAN cần có tiếng nói rõ ràng về các vấn đề ở Biển Đông, cũng như việc có nên tiếp tục để một số nước thành viên không có tranh chấp ở Biển Đông phủ quyết các hành động quan trọng hay không.

Mặt khác, một nhóm các nước thành viên ASEAN có thể hành động cùng nhau. Ví dụ: Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam có thể hành động chung và điều này sẽ hiệu quả hơn nếu có thể có cả sự hỗ trợ của Indonesia thay vì dựa vào ASEAN.

Theo Giáo sư Kavi Chongkittavorn từ Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), ASEAN muốn có một bộ quy tắc ứng xử tốt ở Biển Đông vì đây không phải là vấn đề chỉ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nếu có một bộ quy tắc ứng xử tốt, các nước khác sẽ muốn hợp tác với ASEAN và Trung Quốc.

“Không cần vội vàng để đạt được một bộ quy tắc ứng xử nếu văn bản này chưa thực sự tốt. Vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ mặc dù các bên đã đạt được dự thảo văn bản đơn nhất về COC”, ông Kavi Chongkittavorn nói.

Tiến sĩ Zach Abuza phân tích, dù thế nào đi nữa, phán quyết của Tòa trọng tài cũng chỉ tác động ít ỏi tới hành vi của Trung Quốc. “Không chịu bỏ yêu sách ‘đường chín đoạn’, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên 6 đảo nhân tạo nữa”, ông Zach Abuza dự báo.

Ông Zach Abuza cũng khẳng định, không gì có thể giúp thách thức việc Trung Quốc đơn phương diễn dịch luật pháp quốc tế tốt hơn một sự khẳng định đa phương từ ASEAN, hành động cùng các đối tác bên ngoài của khối.

Kêu gọi tiếng nói của cộng đồng quốc tế

Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á Gregory Poling cho rằng cộng đồng quốc tế cần lên tiếng về các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông, khi Mỹ lên tiếng thì Trung Quốc sẽ cho rằng chỉ có Mỹ gây rắc rối. Nếu Việt Nam, Malaysia và Philippines có thể thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới về vấn đề này thì đây sẽ là một thành công.

Trả lời VnExpress, Tiến sĩ Umnova Irina Anatolyevna, Trưởng ban nghiên cứu Hiến pháp - pháp luật của Đại học Tư pháp thuộc Toà án tối cao Liên bang Nga cũng đồng tình cho rằng, Việt Nam nên kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới như Nga, các nước châu Âu hay các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, nhằm bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông.

Chuyên gia này nhấn mạnh việc các nước trên thế giới lên tiếng trước hành vi Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam là điều rất quan trọng. “Cộng đồng quốc tế nên đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền của các bên liên quan, thúc đẩy đàm phán và tuân theo luật quốc tế”, bà cho hay.

Bà cũng cho rằng Việt Nam cần kiên trì nêu quan điểm của mình về giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh chủ trương phản đối sử dụng vũ lực.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ngày 25/7, trả lời báo chí liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.

Duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia, ở khu vực và trên thế giới”.

(tổng hợp)