Những năm gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành học đường như phụ huynh, học sinh đánh, mắng thầy cô dẫn đến mất sự tôn nghiêm trong môi trường giáo dục. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Clip học sinh đánh cô giáo ngay trên bục giảng đã được xác minh sự việc là hoàn toàn có thật xảy ra tại một Trung tâm giáo dục thường xuyên tại Hà Nội. Câu chuyện được kể lại, học sinh tên T.M.S sử dụng tai nghe trong giờ học. Dù được giáo viên nhắc nhở nhiều lần nhưng em vẫn không nghe.
Cô giáo đã tịch thu tai nghe và nói: “Cô thu để đây, cuối giờ sẽ trả lại” nhưng S. không đồng ý và văng tục, xông thẳng lên bục giảng lớn tiếng chửi thề cùng câu nói "trả tao"! Và nhanh như cắt, đưa tay giáng mạnh lên mặt cô giáo một cái tát đầy lực và dứt khoát.
Cú tát thẳng tay của S. vào mặt cô giáo đang đứng trên bục giảng đã làm cả lớp ồ lên vì ngỡ ngàng. Hình ảnh cô giáo đứng chết lặng trong bất lực, phần do cô giáo quá bất ngờ trước phản ứng không thể tin nổi của em học sinh, phần vì cô cũng chẳng thể làm gì lúc đó.
Sự việc xảy ra vào những ngày cuối năm học 2019-2020 và năm học này, em học sinh ấy vẫn tiếp tục đi học bình thường. Nếu quả thật, học sinh này mắc bệnh trầm cảm, tinh thần căng thẳng, dễ bị kích động… còn có thể tha thứ được.
Nhưng nếu là một học sinh bình thường mà có hành động vô lễ với thầy cô như thế thì không thể chấp nhận được. Tuy thế, theo quy định mức kỷ luật cao nhất cũng chỉ là tạm đình chỉ học có thời hạn (khoảng 2 tuần).
Kỷ luật “ngọt ngào” không có tính răn đe
Những năm gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành học đường như phụ huynh, học sinh đánh, mắng thầy cô dẫn đến mất sự tôn nghiêm trong môi trường giáo dục.
Môi trường học đường thiếu đi sự tôn nghiêm sẽ dễ dàng dẫn đến việc thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò thì sao có thể thực hiện tốt vai trò giáo dục?
Từ bao giờ bạo lực học đường xảy ra như "chuyện thường ngày ở huyện"? Trong rất nhiều nguyên nhân, một phần cũng xuất phát từ những quy định mang tính nhân văn như thầy cô không được trách phạt học trò, không được nhắc nhở trước lớp, không có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Phần nữa, do nhiều gia đình quá nuông chiều con, bất hợp tác với nhà trường. Học sinh luôn trở thành trung tâm, thành “thượng đế” mà thầy cô chỉ đóng vai trò phục vụ.
Thế nên, thầy cô lỡ phạt roi học sinh trong lúc dạy bị quy kết là bạo hành trẻ em, mức kỷ luật cao nhất là đuổi khỏi ngành dù mục đích phạt roi của giáo viên cũng chỉ là muốn tốt cho học trò.
Nhưng, học sinh đánh giáo viên ngay trên bục giảng không chỉ vi phạm về đạo đức còn vi phạm pháp luật nhưng luôn được bảo vệ theo kiểu “cần dùng tình thương để cảm hóa”.
Trên trang cá nhân của mình, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, hành vi hỗn hào này khó có thể điều chỉnh được bằng giáo dục đạo đức thông thường mà phải để pháp luật trừng trị.
Trong thực tế giảng dạy của chúng tôi, một số đồng nghiệp cũng cho biết, có những học sinh không thể giáo dục bằng sự tỉ tê tâm sự, bằng những lời nhắc nhở thông thường, thậm chí bằng sự cảm hóa yêu thương của người thầy.
Những học sinh thế này thì phụ huynh thường rất bênh con. Khi được thầy cô phản ánh những hành xử không đúng mực, có phụ huynh lên tiếng kiểu không có lửa làm sao có khói? Thầy cô phải thế nào nó mới phản ứng mạnh như vậy chứ “con tôi vốn dĩ rất ngoan hiền”.
Bất lực với những học trò hư, giáo viên chỉ còn cách im lặng. Và, khi không có kỷ luật nghiêm khắc, bạo hành học đường cũng khó chấm dứt. Đau lòng hơn, một số học sinh khác lại noi theo gương xấu của bạn bè.
Để bảo vệ mình, không ít thầy cô sẽ... “mackeno”
Bao nhiêu năm trong nghề, chúng tôi không ít lần được nghe đồng nghiệp kể, được chứng kiến tận mắt cảnh phụ huynh vào trường đánh giáo viên, cảnh học sinh cầm cây, cầm gậy phang thầy cô, cảnh học trò chửi thầy cô bằng những ngôn từ thậm tệ.
Một số phụ huynh sau khi hành hung giáo viên còn viết đơn thưa gửi khắp nơi. Thế là giáo viên khi ấy trở thành “tội đồ” của nhà trường vì nguy cơ trường học sẽ bị cát các danh hiệu thi đua.
Chẳng có lãnh đạo nào đứng ra bênh vực dù trong lòng họ đều biết thầy cô bị oan. Cách lãnh đạo nhà trường thường làm là khuyên giáo viên “một điều nhịn là chín điều lành” để hạ mình xin lỗi cho yên chuyện.
Thầy cô bị “vây ráp” giữa phụ huynh và lãnh đạo nhà trường nên trở nên cô độc. Vì thế, họ thường chọn cách làm lơ, im lặng, mặc kệ trước những sai phạm của học trò mà chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng “mackeno” (mặc kệ nó). Thế là trò hư cũng mặc, trò làm sai cũng làm lơ hoặc nhắc nhở qua loa cho xong chuyện để mua sự bình yên cho bản thân.
Ở nhà được cha mẹ cưng chiều, đến trường được thầy cô “ưu ái”, những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn không được chỉ dạy đến nơi đến chốn dễ sinh ra kiêu căng tự mãn và chẳng coi ai ra gì. Phải chăng đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều bi kịch xảy ra trong xã hội hiện nay?