Bắt nguồn từ Massachusetts, phương pháp học toán kiểu Nga đã phát triển nhanh chóng thành một chuỗi “trường chuyên toán của người Nga”, với 40 chi nhánh rộng khắp cả nước. Ước tính, khoảng 22.000 học viên đang theo học chương trình này.
Có cầu ắt sẽ có cung
Liv Davidson (10 tuổi) là một trong số những học viên đang theo học tại trường Toán Nga ở Massachusets kể từ khi học xong mẫu giáo. Cô bé cảm thấy rất hứng thú khi học toán ở đây và nhận thấy được bổ trợ rất nhiều kiến thức vào việc học toán tại trường phổ thông. Liv cảm thấy học toán tại các trường kiểu Nga khó hơn rất nhiều vì em được dạy toán ở cấp độ cao và phức tạp hơn. Tuy nhiên, điều đó lại giúp Liv cũng như nhiều học sinh khác học toán dễ dàng hơn tại trường chính khóa.
Inessa Rifkin, đồng sáng lập ra trường cách đây hơn 20 năm cho biết, khoảng 1/5 học sinh tiểu học tại Massachusetts đang theo học các lớp toán kiểu Nga tại trường của bà. Inessa cho rằng, mình đang kế thừa và phát triển thành tựu giáo dục toán học nổi bật của nước Nga Xô-viết. Sự phát triển đó đều dựa trên nhu cầu học toán của học sinh tại Mỹ.
Học sinh trường dạy toán theo phương pháp của Nga tại Newton. (Ảnh: Jesse Costa) |
Lisa Watanabe, một phụ huynh có con gái đang theo học tại trường toán Nga Massachusetts đã đọc một bài báo nói đến việc trong tương lai, môn toán sẽ trở thành một trong những kỹ năng quan trọng đối với trẻ em, bên cạnh môn tin học. Cô tin rằng, nếu con gái mình học tốt môn toán, cơ hội đến với cô bé càng rộng mở.
Học sinh đến các lớp học Toán kiểu Nga 1 buổi/tuần, với mức học phí khoảng 2.000 USD/năm. Đối với nhiều người, việc học toán theo cách của người Nga có đôi chút ngao ngán vì đặt nặng lí thuyết và quá nhiều bài tập. Rifkin cho biết, chương trình học tại trường Toán học Nga dựa trên nền tảng chú trọng đến suy luận và hiểu cặn kẽ lí thuyết từ rất sớm, khác với phương pháp ghi nhớ và luyện tập nhiều lần như thông thường. Nghĩa là họ sẽ dạy học sinh những kiến thức toán học trừu tượng càng sớm càng tốt, bao gồm cả đại số, hình học và số học. Từ đó, họ yêu cầu học sinh tự hiểu và rút ra những quy tắc riêng cho bản thân thay vì giáo viên sẽ “mớm từng chút một” kiến thức.
Sự phát triển việc giảng dạy toán học Nga ở Mỹ trở thành một xu thế mới. Nó phát triển nhanh đến nỗi nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng con em họ sẽ gặp nhiều bất lợi hơn so với những học sinh đồng lứa nếu chúng không được học toán kiểu Nga. Giáo sư Jon Star, người nghiên cứu về giáo dục toán học tại Đại học Harvard nhận định rằng, nhiều phụ huynh muốn con cái họ đi học tại các trường toán Nga vì họ cảm thấy không hài lòng về chương trình học tại trường chính khóa, hoặc chỉ đơn giản con em họ đam mê Toán học và muốn tìm hiểu sâu hơn. Ngoài ra, việc e ngại con mình sẽ bị tụt hậu nếu không học phụ đạo cũng là nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ đăng kí các lớp học này.
Phát triển từ thời Chiến tranh lạnh
Việc học và dạy toán Nga trên đất Mỹ bắt nguồn từ thời kì Chiến tranh Lạnh. Để củng cố và phát triển ngành khoa học nước nhà, Liên Xô (cũ) đã thành lập nhiều trường đào tạo toán học và vật lí chuyên biệt, đồng thời tuyển những học sinh ưu tú nhất về toán học để đào tạo từ nhỏ.
Giáo sư Loren Graham, một nhà sử học hàng đầu về Nga tại Đại học Harvard và MIT nhận thấy rằng, nước Nga có truyền thống học tập và giảng dạy môn toán rất xuất sắc. Moscow đã từng là một trung tâm lớn và mạnh nhất trên thế giới trong lĩnh vực toán học. Sau đó, tuy tình trạng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài rất nhiều nhưng Nga vẫn còn duy trì vị thế của mình trong ngành Toán học thế giới. Khi bức tường Berlin sụp đổ, ước tính gần nửa triệu dân Nga đã nhập cư vào Mỹ, chủ yếu là đến Boston và các khu vực lân cận.
Đối với Rifkin, khi nhắc đến việc nhập cư chẳng có gì khác ngoài giáo dục. Năm 1988, gia đình bà quyết định rời thành phố Minsk, nơi bà đang làm kĩ sư cơ khí. Đến Boston, họ nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống ở đây, kiếm việc làm mới và mua nhà. Cuộc sống thanh bình đang diễn ra cho đến khi bà cảm thấy bất ngờ khi nhận ra rằng đứa con trai học lớp 8 không hề biết tính toán như bà nghĩ. Rifkin thử đem việc này trao đổi với các gia đình gốc Nga khác và nhận thấy con họ cũng đang gặp vấn đề tương tự. Họ cho rằng, vấn đề không phải là do thái độ khi học toán mà là cách học và tiếp nhận nó. Kiến thức hiện tại có thể giúp họ kiếm ra tiền và làm chủ cuộc sống, nhưng còn bọn trẻ, tương lai của chúng sẽ ra sao nếu chúng chẳng hề biết chút gì về tính toán?
Người Nga giỏi toán do gene?
Kể từ khi thành lập trường vào năm 1997, Rifkin đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh khi cho phép con em họ theo học tại trường Toán học Nga. Họ cũng nhận ra nhiều lợi ích cũng như giúp học sinh giải quyết nhiều khó khăn khi học toán tại trường chính.
Slava Gerovitch, nhà nghiên cứu lịch sử toán học tại MIT cho rằng, không có khái niệm “Toán học của người Nga”, tức là không phải do người Nga sở hữu một gene đặc biệt hay bất cứ điều gì tương tự giúp họ giỏi toán, mà là do phương pháp giảng dạy trong hệ thống giáo dục của Nga giúp học sinh học toán dễ dàng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cách người Nga dạy toán chú trọng vào việc hiểu bản chất của vấn đề khi làm toán, chứ không chú trọng vào các bước giải toán.
Giờ toán xếp hình của học sinh mẫu giáo. (Ảnh: Jesse Costa) |
Thách thức trước mắt
Sự phát triển của những lớp toán học Nga nảy sinh nhiều vấn đề thách thức trong hệ thống giáo dục của Mỹ. Ví dụ như khi một giáo viên giới thiệu một chủ đề mới, họ phải đảm bảo khoảng 1/4 lớp nắm được vấn đề đó theo kiểu toán học của Nga.
Ngoài ra, khi học toán kiểu Nga, một số học sinh sẽ có tâm lí tự tin quá mức, thậm chí là xem thường kiến thức được học ở trường chính khóa.
Một khó khăn khác chính là vấn đề học phí. Chúng tạo ra nhũng khoảng cách lớn giữa những gia đình có thể trang trải được khoản tiền 2.000 USD/ năm với các gia đình còn lại.
Số lượng học sinh xuất sắc xuất hiện càng nhiều tại các lớp học toán kiểu Nga đã gia tăng áp lực lên tâm lí của phụ huynh và con trẻ. Họ sẽ hình thành suy nghĩ rằng con cái của người hàng xóm đang theo học lớp toán kiểu Nga, vì vậy con cái của họ cũng cần phải tham gia vào lớp học đó như bạn bè.
Cuối cùng, phương pháp giảng dạy toán học của Nga đã không được các nhà nghiên cứu Mỹ quan tâm nhiều như trước. Theo nhiều chuyên gia, có lẽ bởi vì Nga đã không còn nằm trong danh sách những nước có học sinh giỏi toán quốc tế như Singapore hay Phần Lan.