Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại buổi thuyết trình. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Buổi thuyết trình diễn ra dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, với hai đầu cầu chính là Hà Nội và Oslo (Na Uy). Tại đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy có uy tín trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Đại diện Bộ Ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã tham dự và có bài phát biểu chào mừng.
Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngoại giao bày tỏ niềm vinh dự của Học viện Ngoại giao khi được Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy lựa chọn làm cơ quan phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đồng tổ chức buổi thuyết trình.
Bà cho rằng đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và Na Uy cũng như sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương. Buổi thuyết trình cũng phản ánh cam kết mạnh mẽ của hai nước đối với chủ nghĩa đa phương nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi.
TS. Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngoại giao phát biểu tại buổi thuyết trình. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Trong phát biểu chào mừng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng, các công cụ đa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ông cũng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến quan hệ Việt Nam - Na Uy phát triển tích cực và toàn diện, hướng tới kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021.
Bề dày lịch sử quan hệ, những lợi ích và mối quan tâm chung, và việc hai nước cùng cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Na Uy thúc đẩy hợp tác không chỉ trên kênh song phương mà cả trên các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc khi Na Uy sẽ trở thành Ủy viên không thường trực Bội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2021-2022.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu hoan nghênh và bày tỏ mong muốn Na Uy tiếp tục thúc đẩy hợp tác với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.
Đáng chú ý, trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Quốc hội Na Uy đã được trao quy chế quan sát viên tại Tổ chức Liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Ông Hiệu cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược theo lĩnh vực giữa Na Uy và ASEAN cũng như hợp tác giữa Na Uy với từng thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Mở đầu bài thuyết trình, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Søreide nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều căng thẳng địa chính trị, rối loạn và tình huống khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc, cụ thể là Hiến chương Liên hợp quốc, là nền tảng quan trọng cho các nỗ lực chung nhằm vượt qua sự bất định của tình hình, dựa trên các nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế, quyền và nhân phẩm con người.
Bà cảm ơn Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an hồi tháng 1/2020 đã chủ trì cuộc thảo luận mở về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Bà cũng đánh giá cao việc Việt Nam lựa chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Theo bà, cam kết của Việt Nam đối với ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố đoàn kết nội khối và vai trò của ASEAN trên toàn cầu.
Ngoại trưởng Søreide khẳng định Na Uy và Việt Nam cùng tin tưởng mạnh mẽ vào chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế dựa trên luật lệ. Các nguyên tắc lâu đời của chủ nghĩa đa phương đang bị thách thức bởi chủ nghĩa đơn phương, các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu và sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Các thách thức càng trở nên trầm trọng hơn khi thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế xã hội nghiêm trọng chưa từng thấy do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, chỉ có đoàn kết và hợp tác quốc tế mới đem lại sự hồi phục và phát triển. Bà nhấn mạnh rằng Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn sự tùy thuộc lẫn nhau trong thế giới ngày nay, yêu cầu phải tăng cường hợp tác đa phương do đó càng trở nên cấp thiết.
Toàn cảnh buổi thuyết trình tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Năm 2019, Na Uy công bố Sách Trắng về chủ nghĩa đa phương, trong đó đề ra những định hướng đối ngoại đa phương dựa trên cách tiếp cận thực tế và mang tính xây dựng. Theo đó, Na Uy chủ trương bảo vệ và mở rộng khả năng lựa chọn trong chính sách đối ngoại ưu tiên những vấn đề và giá trị mang tính cốt lõi đối với Na Uy, thúc đẩy cải cách tập trung vào các thể chế quốc tế có tầm quan trọng thiết yếu đối với an ninh và phát triển của Na Uy, đặc biệt là Liên hợp quốc, WTO, NATO và quan hệ với Liên minh châu Âu, và hợp tác chặt chẽ hơn với các nước ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ, trong đó có Việt Nam.
Bà Søreide cho biết trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2021-2022, các trọng tâm của Na Uy sẽ bao gồm ngoại giao kiến tạo hòa bình, tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng nền hòa bình bền vững, bảo vệ người dân trong xung đột, và ứng phó với các nguy cơ an ninh liên quan đến khí hậu. Bà cho rằng để có thể xử lý hiệu quả các thách thức trong thời gian tới, Liên hợp quốc cần phát triển quan hệ đối tác với các thể chế khu vực như ASEAN và EU.
Bài thuyết trình của Ngoại trưởng Na Uy kết thúc với lời khẳng định mạnh mẽ về giá trị của tinh thần đa phương mà các quốc gia cần củng cố để có thể phục hồi và phát triển trong thế giới đầy thách thức hiện nay và sắp tới. Các đại biểu đã có cơ hội trao đổi với diễn giả về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Na Uy, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc hai nước cùng cam kết và quyết tâm thúc đẩy hợp tác, góp phần làm sống lại tinh thần đa phương và củng cố hệ thống đa phương vì lợi ích của hai nước, hai khu vực, và toàn cầu.