Đó là cảm nhận của bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam, khi tham dự chương trình đối thoại “Chính sách đối ngoại nữ quyền”, do Học viện Ngoại giao phối hợp với UN Women, cùng Đại sứ quán các nước Pháp, Mexico, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Canada tại Việt Nam tổ chức vào ngày 7/10.
Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đối thoại cùng 5 quốc gia nêu trên, vốn đã áp dụng “Chính sách đối ngoại nữ quyền”, UN Women và Học viện Ngoại giao đã mở ra không gian suy ngẫm, trao đổi và truyền cảm hứng cho sinh viên ngoại giao và những cá nhân ủng hộ nữ quyền.
Đáng chú ý, đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức tại tòa nhà M - tòa nhà lớn nhất thuộc "Dự án đầu tư xây dựng khu giảng đường mới và chỉnh trang khuôn viên".
Theo cảm nhận của bà Elisa Fernadez, tòa nhà có không gian mở, với nhiều cửa sổ có ánh sáng tự nhiên, mang lại ấn tượng về một không gian giáo dục cởi mở, minh bạch.
Bà đánh giá: “Không gian này sẽ giúp sinh viên “tư duy đột phá” (think out of the box) khi thảo luận về mọi vấn đề, trong đó bao gồm bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao”.
Bà Phạm Lan Dung nhận định dự án chỉnh trang khuôn viên Học viện là một “điểm sáng” trong đầu tư công của Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Dự án đầu tư xây dựng khu giảng đường mới và chỉnh trang khuôn viên của Học viện Ngoại giao đã hoàn thành chỉ trong 12 tháng, đúng tiến độ để tổ chức thành công sự kiện ý nghĩa này.
Bà Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định: “Đây chính là một điểm sáng trong công tác đầu tư công của Bộ Ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hiện nay”.
Ngoài phòng Khánh tiết tổ chức sự kiện này, Học viện Ngoại giao cũng có một phòng tương tự có tên “Hội thảo Geneva”, với nội thất do Đại sứ quán Thụy Sỹ trang trí hoàn toàn.
Trong điều kiện mới, Quyền Giám đốc Học viện cho rằng tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức, giải phóng tư duy, tâm lý 20 bạn sinh viên đại diện trực tiếp và gần 500 em tham dự trực tuyến về bình đẳng giới và nữ quyền - yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Bà chia sẻ: “Yếu tố chủ chốt làm nên thành công của sự kiện và uy tín của Học viện Ngoại giao là chất lượng nội dung, nguồn nhân lực, và tầm cỡ của các đối tác”.
“Tuy nhiên, cơ sở vật chất cũng là yếu tố góp phần thể hiện sự chuyên nghiệp và đẳng cấp của Học viện”.
Toàn cảnh buổi đối thoại về Chính sách đối ngoại nữ quyền ngày 7/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng). |
Qua sự kiện, Đại diện UN Women tại Việt Nam, bà Elisa Fernadez tin rằng không chỉ UN Women mà các Đại sứ, khách mời của hôm nay sẵn sàng tiếp tục phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức các hoạt động ý nghĩa tại khuôn viên Học viện, trong bối cảnh Việt Nam có nhiều triển vọng trong thúc đẩy chương trình nghị sự về bình đẳng giới.
Học viện Ngoại giao triển khai "Dự án đầu tư xây dựng khu giảng đường mới và chỉnh trang khuôn viên" từ đầu tháng 9/2020, theo quyết định phê duyệt dự án số 3447/QĐ-BNG ngày 30/10/2019 và quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công số 907/QĐ-BNG ngày 12/5/2020 của Bộ Ngoại giao.
Không chỉ tăng diện tích sử dụng, Học viện Ngoại giao còn tăng số phòng làm việc, phòng học; xây thêm hội trường, phòng hội thảo, khu thể chất; cải tạo thư viện, ký túc xá; trang bị phòng đa phương tiện, phòng học riêng dành cho sinh viên chất lượng cao, sinh viên liên kết…
Dự án có tổng trị giá 200 tỷ đồng, nhằm nâng cao chất lượng môi trường làm việc của giảng viên và cán bộ nhân viên Học viện, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sinh viên, học viên, và nghiên cứu sinh.
Thư viện mới của Học viện Ngoại giao. (Nguồn: Facebook Nguyễn Đồng Anh) |
Bạn Trinh Nhi, sinh viên năm 3 Học viện Ngoại giao có mặt tại sự kiện chia sẻ rằng cơ sở vật chất mới đã tạo thuận lợi cho sinh viên tiếp cận khách mời và nội dung chương trình tốt hơn, qua cả 2 kênh trực tiếp và trực tuyến.
Nhiều sinh viên tham dự sự kiện cũng vinh dự và háo hức, khi được trực tiếp tham gia đối thoại với các cán bộ ngoại giao, trong đó có nhiều nữ lãnh đạo, truyền cảm hứng về bình đẳng giới và nữ quyền trong ngành ngoại giao.
Tòa nhà M Học viện Ngoại giao có 1 tầng hầm và 7 tầng nổi, gồm 3 phân khu chính là khu làm việc, khu học tập và khu hội thảo. (Nguồn: Facebook Nguyễn Đồng Anh) |
| Nâng cao vai trò của phụ nữ trong chính sách đối ngoại Đối thoại “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong chính sách đối ngoại” cung cấp không gian để suy ngẫm, trao đổi và truyền ... |
| Học viện Ngoại giao, từ vườn ươm nhỏ đến cánh đồng lớn Học viện Ngoại giao là cơ sở hàng đầu ở Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng cán bộ và ... |