Hội An là một thị xã của tỉnh Quảng Nam. Vào thế kỷ XVII Hội An là đô thị - thương cảng sầm uất và thịnh vượng. Bấy giờ, Hội An không chỉ là thương cảng quan trọng của Việt Nam mà còn là một trung tâm buôn bán lớn ở Đông Nam Á, một trong những bến đỗ chủ yếu trong hành trình thương mại của các thương thuyền vùng Viễn Đông.
Hội An đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá Thế giới trong kỳ họp lần thứ 23 diễn ra từ ngày 29/11-5/12/1999. Trong ảnh là khu chợ với hai mái vòm dài nằm lọt giữa nghìn ngôi nhà mái ngói cổ kính. Đến thế kỷ XXI, Hội An là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới còn lưu giữ di sản văn hoá đa sắc tộc rất hài hoà mà nổi trội là những kiến trúc nhà, phố, đền, chùa... .
Hội An được đánh giá cao về giá trị sử học, xã hội học, khảo cổ học, tâm lý học, lưu lại đời sau bức tranh kinh tế-xã hội một thời rất phồn thịnh. Hội An là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay vẫn giữ được gần như nguyên trạng với 1.360 di tích, bao gồm 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu cổ. Trong ảnh, khách du lịch đi bộ tham quan những tuyến phố cổ.
Chùa Cầu được xây dựng vào đầu thế kỷ 17, là ngôi chùa nằm trên một chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ ở khu phố cổ Hội An. Chùa Cầu được làm bằng gỗ dài khoảng 18m, mang kiểu kiến trúc đậm nét Việt, với mái ngói âm dương phủ kín. Điểm riêng biệt của ngôi chùa này là không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người.
Kiểu nhà phố là một đặc điểm kiến trúc độc đáo khác của Hội An. Đa số nhà phố ở đây được xây 2 tầng nằm sát cạnh nhau, nhà hình ống dài 40 đến 60 mét, khung gỗ, mái ngói âm dương và có tường bao quanh.
Phố cổ Hội An có hệ thống đường sá nhỏ gọn, đan xen như bàn cờ.
Tham quan phố cổ Hội An, du khách có thể đi bộ hoặc trải nghiệm phương tiện xích lô.
Hơn hai năm qua, cùng chịu chung những khó khăn của ngành du lịch thế giới trong đại dịch Covid-19, Hội An vắng khách. Tuy nhiên, TP. Hội An đã tranh thủ thời gian này để tôn tạo cảnh quan khu phố cổ sạch đẹp, sẵn sàng mở cửa trở lại các hoạt động buôn bán, kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.
Theo kế hoạch, từ 1/2/2022 trở đi, TP. Hội An dự kiến khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn. Ngoài khách nội địa trên cả nước, Hội An sẽ đón khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm, theo chương trình trọn gói của các doanh nghiệp lữ hành được Trung ương và tỉnh Quảng Nam cấp phép.
Rừng dừa Bảy Mẫu hay còn gọi là rừng dừa Cẩm Thanh là điểm đến hoàn toàn mới mẻ ở Hội An. Ít ai ngờ giữa một phố hội vốn nổi tiếng với những kiến trúc cổ xưa, khoác lên mình lớp áo cổ kính, yên bình ấy lại sở hữu riêng một khu rừng dừa độc đáo giống hệt miền Tây sông nước. Không chỉ còn 7 mẫu như tên gọi, rừng dừa thực tế rộng hơn 100 ha, nằm trong kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 của địa phương.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.