Ngày 3/12/2018, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết A/RES/73/25 tuyên bố ngày 24/1 là Ngày Quốc tế Giáo dục nhằm tôn vinh vai trò của giáo dục đối với hòa bình và phát triển.
Giáo dục là quyền cơ bản của con người. Nếu không có nền giáo dục chất lượng tốt và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, các quốc gia sẽ không thể thành công trong việc đạt được bình đẳng giới và phá vỡ sự đói nghèo đang khiến hàng triệu trẻ em, thanh niên và người lớn bị bỏ lại phía sau.
Theo Liên hợp quốc, hiện nay, toàn thế giới có khoảng 258 triệu trẻ em và thanh thiếu niên vẫn chưa đến trường; 617 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không thể đọc và làm toán cơ bản; chưa đầy 40% trẻ em gái ở châu Phi cận Sahara mới hoàn thành chương trình trung học cơ sở và khoảng 4 triệu trẻ em và thanh thiếu niên tị nạn phải nghỉ học. Quyền giáo dục của họ đang bị vi phạm nghiêm trọng buộc các nước và cộng đồng quốc tế phải hành động.
Năm nay, Ngày Quốc tế Giáo dục được phát động với chủ đề “Khôi phục và Tái sinh Giáo dục hậu Covid-19”.
Thông điệp từ Tổ chức UNESCO tại Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Giáo dục 24/1 Ngày 24/1 năm nay đánh dấu lần thứ ba cộng đồng quốc tế hưởng ứng Ngày Quốc tế Giáo dục, theo tuyên bố của ĐHĐ LHQ vào tháng 12/2018. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta và gây ra một cuộc khủng hoảng giáo dục chưa từng có tiền lệ, ảnh hưởng đến gần 1,6 tỷ người học tại hơn 190 quốc gia và tất cả các lục địa. Ngày Quốc tế Giáo dục năm nay là một cơ hội tốt để cùng nhìn nhận lại về giáo dục và vai trò của giáo dục với tầm nhìn hướng tới một thế giới hậu Covid-19, mà ở đó nhân loại và Trái đất có thể chung sống trong sự hòa hợp và bình yên. Đồng thời, đây cũng là dịp tái khẳng định giáo dục là một quyền cơ bản của tất cả mọi người mà chúng ta cần cùng nhau bảo vệ. Tại Việt Nam, giáo dục luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong các mục tiêu phát triển đất nước, đồng thời cũng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các hộ gia đình bất kể điều kiện kinh tế của họ. Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực duy trì 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, tích hợp các nội dung liên quan đến phát triển bền vững và công dân toàn cầu trong dạy và học. Những nỗ lực này đều rất quan trọng và phù hợp để tiếp tục phát huy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong giáo dục như cơ hội tiếp cận giáo dục ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện để nhiều trẻ em có thể đến trường hơn, hay kết quả ấn tượng của học sinh Việt Nam tại các kỳ đánh giá quốc tế trên diện rộng,... Những xu thế lớn trên thế giới, ví dụ như suy thoái môi trường và gia tăng biến đổi khí hậu, việc di chuyển của con người ngày càng phức tạp, tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ, có thể tạo ra nhiều thách thức với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hơn nữa chất lượng và tính phù hợp của giáo dục bên cạnh việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục. Đặc biệt, trong thập kỷ cuối cùng để triển khai thành công Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, giáo dục sẽ đóng vai trò trọng yếu cho sự phát triển một cách hài hòa trên cả 3 phương diện kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường của Việt Nam. Về kinh tế, cạnh tranh kinh tế trên thị trường quốc tế ngày càng trở nên khắc nghiệt và có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa các nước do các nước phát triển hơn có lợi thế so sánh về chất lượng lực lượng lao động và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Nâng cao chất lượng và năng suất của lực lượng lao động là nền tảng quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam và thu hẹp khoảng cách thu nhập hiện có. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và nâng cao trình độ của lực lượng lao động để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, trong quá trình này, chúng ta không thể quên việc đảm bảo cơ hội học tập bao trùm và bình đẳng cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, các cộng đồng dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người di cư,... Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, công nghệ không phải là một "liều thuốc chữa bách bệnh" cho mọi vấn đề còn tồn tại trong giáo dục. Nếu chỉ đơn thuần cung cấp thiết bị thông minh có kết nối internet cho mọi người thì sẽ không mang lại những thay đổi tích cực trong việc học của họ. Nhưng việc hoạch định chính sách một cách kỹ lưỡng để đảm bảo việc học diễn ra và được cải thiện thông qua các công cụ đó thì có thể. Về văn hóa - xã hội, Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú, với 54 dân tộc cùng chung sống. Để văn hóa đóng góp một cách sâu rộng hơn vào sự phát triển của đất nước và sự gắn kết trong xã hội, giáo dục phải được coi là chìa khóa trong việc nâng cao nhận thức và sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa. Thúc đẩy nội dung đa dạng văn hóa và tính đa ngôn ngữ trong giáo dục có thể tăng cường sự thấu hiểu liên văn hóa của người dân Việt Nam và gián tiếp tăng khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm cho các cộng đồng dân tộc thiểu số. Liên quan đến sự hiểu biết về các quốc gia khác trên thế giới, các chương trình ngoại ngữ trong trường học có thể đã trang bị cho người học những thông tin cơ bản về các nền văn hóa khác ngoài Việt Nam. Do vậy, đã đến thời điểm để tiến thêm một bước nhằm nâng cao hơn nữa những phẩm chất công dân toàn cầu của người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, hướng tới nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự thấu cảm của họ đối với sự đa dạng và khác biệt trong một thế giới ngày càng kết nối mà chúng ta đang sống. Về môi trường, mặc dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú từ rừng và biển, Việt Nam thường xuyên phải chịu tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan và các vấn đề khác liên quan tới môi trường. Giáo dục có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, trở thành những tác nhân của sự thay đổi, những người chắp cánh cho những sáng kiến đổi mới mang tới tác động tích cực nhằm vượt qua những thách thức về môi trường mà Việt Nam và cả hành tinh đang phải đối mặt. Giáo dục cần gắn kết nội dung phát triển bền vững một cách tổng thể trong nội dung học tập, phương pháp sư phạm và môi trường giáo dục. Là một quốc gia giàu bản sắc văn hóa, Việt Nam còn có một kho tàng tri thức và thực hành truyền thống của tất cả các dân tộc về lối sống xanh, kinh tế xanh và hành động vì khí hậu. Những tri thức và thực hành này cần phải được bảo tồn, chia sẻ và biết đến rộng rãi thông qua giáo dục. Nhân Ngày Quốc tế Giáo dục, UNESCO, với vai trò là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc kêu gọi mọi cá nhân cùng tham gia trao đổi và chia sẻ ý kiến về việc tri thức, giáo dục và học tập cần được hình dung lại như thế nào trong một thế giới ngày càng phức tạp, không chắc chắn và bấp bênh. Nhờ vậy, chúng ta sẽ huy động được trí tuệ của cả tập thể nhằm gây dựng nền giáo dục bao trùm, bình đẳng và chất lượng, từ đó hiện thực hóa một tương lai mà chúng ta cùng mong muốn: Nhân loại và Trái đất cùng nhau chung sống trong sự hòa hợp và bình yên. Tất cả chúng ta đều có thể đóng góp cho phát triển giáo dục. Chúng ta hãy cùng nhau hành động để phát huy sức mạnh của giáo dục! |