Các vấn đề được thảo luận sôi nổi tại HĐBA trong tháng qua bao trùm khu vực Trung Đông - châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Tháng 10 năm nay, tình hình ở một số quốc gia, khu vực diễn biến phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chính, song xu hướng cọ sát, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn tiếp diễn trên thế giới và tại nhiều khu vực, thể hiện rõ nét qua căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga tại HĐBA.
Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu (BĐKH), khủng bố, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia vẫn nổi lên cấp bách.
Dưới sự chủ trì của Kenya (Chủ tịch HĐBA tháng 10), HĐBA đã tiến hành 32 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên về các vấn đề nổi lên ở tất cả các khu vực và về các chủ đề trong nhiều lĩnh vực khác nhau; thông qua 14 văn kiện, trong đó có 4 Nghị quyết, 3 Tuyên bố Chủ tịch và 7 Tuyên bố Báo chí.
Hội đồng Bảo an thông qua các Nghị quyết về Abyei và Somalia, thảo luận về tình hình Syria. |
Nhiều “nút thắt” chưa được gỡ
Nổi bật ở khu vực Trung Đông - châu Phi là xung đột leo thang giữa chính phủ Ethiopia và “Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray” (TPLF) khiến tình hình nhân đạo, thương vong dân thường tại Ethiopia ngày càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, tình hình Sudan bất ngờ có diễn biến phức tạp với vụ đảo chính quân sự ngày 25/10, xóa bỏ nhiều nỗ lực của LHQ, HĐBA và các Phái bộ của LHQ tại Sudan trong việc hỗ trợ nước này xây dựng thể chế, năng lực và quản trị dân sự thời gian qua.
Vấn đề Tây Sahara tiếp tục bế tắc do Morocco và Mặt trận Polisario không tái khởi động đàm phán; Thỏa thuận ngừng bắn năm 1991 lần đầu tiên bị vi phạm, việc gia hạn Phái bộ trưng cầu dân ý của LHQ tại Tây Sahara (MINURSO) tiếp tục không đạt được đồng thuận của HĐBA.
Tình hình an ninh tại Mali vẫn gặp khó khăn trước thách thức từ các nhóm vũ trang, khủng bố, trong khi Phái bộ LHQ tại Mali hoạt động trong môi trường phức tạp và thiếu hụt nguồn lực. Về vấn đề Yemen, nhiều thành viên HĐBA lên án lực lượng Houthi tiến hành tấn công vào lãnh thổ Saudi Arabia.
Ở khu vực châu Âu, Estonia tiếp tục tổ chức họp theo thể thức Arria (hình thức họp không chính thức của HĐBA) về tình hình Belarus. Cuộc họp định kỳ về vấn đề Kosovo diễn ra căng thẳng hơn với các phát ngôn nặng nề chỉ trích lẫn nhau của đại diện Serbia và Kosovo, bế tắc kéo dài trong đàm phán giữa hai bên.
Tại châu Mỹ, bất ổn chính trị, an ninh, khủng hoảng kinh tế, xã hội tại Haiti tiếp tục diễn biến trầm trọng, khiến cộng đồng quốc tế, nhiều nước khu vực ngày càng lo ngại. HĐBA tổ chức ba cuộc họp về Haiti trong tháng; đáng chú ý, việc thương lượng Nghị quyết gia hạn Phái bộ LHQ tại Haiti (BINUH) gây nhiều chia rẽ, căng thẳng do bất đồng giữa các nước thành viên HĐBA về việc gia hạn và hiệu quả hoạt động của BINUH.
Về vấn đề Colombia, các nước ghi nhận những tiến triển trong việc thực hiện Thỏa thuận Hòa bình dù còn quan ngại về các hành vi bạo lực nhằm vào dân thường và các cựu binh.
Thời gian qua, vấn đề Triều Tiên ở châu Á diễn biến phức tạp trước các vụ phóng tên lửa liên tiếp của nước này. HĐBA tiến hành hai lần họp song không ra được văn kiện.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến về Hợp tác giữa LHQ và Liên minh châu Phi với chủ đề “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong một môi trường xung đột đang thay đổi”, ngày 28/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đồng thuận đoàn kết “vì hòa bình”
Liên quan tới các vấn đề chủ đề, trong tháng 10, HĐBA đã có nhiều phiên thảo luận trên các chủ đề đa dạng và được đồng thuận cao.
Thảo luận mở của HĐBA về chủ đề “Sự đa dạng, xây dựng quốc gia và tìm kiếm hòa bình” ngày 12/10 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hòa bình lâu dài thông qua đối thoại và ngăn ngừa xung đột, trong đó cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
Vai trò quan trọng của hợp tác giữa LHQ và Liên minh châu Phi (AU) trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế được HĐBA khẳng định tại Phiên thảo luận Cấp cao ngày 28/10 về chủ đề “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong một môi trường xung đột đang thay đổi”.
Kết thúc phiên họp, HĐBA LHQ thông qua Tuyên bố Chủ tịch hoan nghênh các nỗ lực của AU trong thúc đẩy giải quyết xung đột, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và hội nhập ở châu Phi; ủng hộ thúc đẩy hợp tác LHQ - AU, trong đó có việc triển khai Khuôn khổ hợp tác chung LHQ - AU.
Nhiều nước kêu gọi cần có cam kết quốc gia tự nguyện mang tính tham vọng hơn tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); một số nước bày tỏ quan ngại về hậu quả phức tạp của vấn đề nước biển dâng, nhất là về mặt phát triển.
Về vấn đề Phụ nữ, hòa bình và an ninh, tại cuộc thảo luận mở về “Đầu tư vào phụ nữ trong gìn giữ và xây dựng hòa bình” ngày 21/10, các nước cho rằng cần tiếp tục xóa bỏ các rào cản đối với phụ nữ trong việc tham gia các tiến trình gìn giữ hòa bình.
Đáng chú ý, Nghị quyết về “Bảo vệ giáo dục/trường học trong xung đột vũ trang” do Na Uy và Niger giới thiệu đã được 99 nước đồng bảo trợ, trở thành một trong những Nghị quyết được ủng hộ rộng rãi nhất tại HĐBA.
| Việt Nam luôn sát cánh cùng các nước châu Phi vượt qua khó khăn, mở rộng hợp tác hiệu quả |
Thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và tổ chức khu vực
Trong tháng qua, Việt Nam tiếp tục tham gia HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; duy trì quan hệ hợp tác tích cực với các nước trong và ngoài HĐBA, nhất là các nước Ủy viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc); trao đổi thường xuyên với các nước ASEAN, các nước Không liên kết, đang phát triển về các diễn biến, thảo luận cùng quan tâm tại HĐBA.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận mở về Hợp tác giữa LHQ và AU do Tổng thống Kenya chủ trì ngày 28/10, trong đó nhấn mạnh các quốc gia châu Phi cần nâng cao tính tự cường để giải quyết các vấn đề nội tại; thúc đẩy quan hệ hữu nghị, mở rộng hợp tác, hội nhập, củng cố chủ nghĩa đa phương, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác giữa các tổ chức khu vực, trong đó ủng hộ thúc đẩy trao đổi, hợp tác toàn diện giữa ASEAN và AU; tăng cường an ninh lương thực góp phần ổn định kinh tế xã hội, xây dựng nền tảng hòa bình bền vững. LHQ và AU cần thúc đẩy toàn diện và hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược giữa HĐBA LHQ và Hội đồng Hòa bình và An ninh AU.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự cuộc họp trên đã thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Lãnh đạo Cấp cao ta đối với nước Chủ tịch HĐBA tháng 10 và cá nhân Tổng thống Kenya, đáp lại việc bạn đã tham dự Phiên thảo luận mở do Chủ tịch nước ta chủ trì vào tháng Tư.
Trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Tuyên bố Chủ tịch, Việt Nam khéo léo lồng ghép nội dung về khuyến khích tăng cường hợp tác giữa LHQ và tổ chức khu vực trong thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, trên cơ sở Tuyên bố Chủ tịch S/PRST/2021/9 do Việt Nam chủ trì soạn thảo và được thông qua tại phiên Thảo luận mở Cấp cao của HĐBA LHQ về “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 19/4.
Để thể hiện vai trò chủ động, tích cực và duy trì ưu tiên của Việt Nam tại HĐBA đối với vấn đề BĐKH, Việt Nam đã chủ trì tổ chức Phiên họp theo thể thức Arria về chủ đề “nước biển dâng và tác động đối với hòa bình, an ninh quốc tế”, ngày 18/10. Phiên họp giúp làm nổi bật những tác động to lớn, nghiêm trọng của nước biển dâng; qua đó tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên HĐBA, thể hiện sự chia sẻ của Việt Nam đối với nhiều nước đang phát triển ven biển, các nước đảo nhỏ, được đông đảo các nước tại nhiều khu vực hưởng ứng và đánh giá cao, trong đó có 20 nước tham gia đồng tổ chức sự kiện. |
Xử lý thỏa đáng các vấn đề phức tạp
Đối với một số vấn đề phức tạp, Việt Nam tiếp tục xử lý khéo léo, thỏa đáng, bảo đảm lập trường nguyên tắc và lợi ích.
Về tình hình nhân đạo tại Tigray (Ethiopia), Việt Nam tiếp tục quan ngại về tình hình nhân đạo tại đây, ghi nhận các nỗ lực của chính phủ Ethiopia, nhấn mạnh vai trò của các cơ quan LHQ và các đối tác quốc tế trong hỗ trợ các hoạt động nhân đạo tại Ethiopia.
Đối với vấn đề Tây Sahara, Việt Nam bỏ phiếu thuận Nghị quyết nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với vai trò của Phái bộ MINURSO, ủng hộ việc bổ nhiệm Đặc phái viên và Đại diện Đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Tây Sahara, nhắc lại lập trường ủng hộ giải quyết vấn đề Tây Sahara thông qua đàm phán hòa bình giữa các bên liên quan và nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm một giải pháp công bằng, lâu dài và chấp nhận được với các bên, trong đó bảo đảm quyền tự quyết của người dân Tây Sahara, phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương LHQ.
Đối với các vấn đề Israel-Palestine, Cao nguyên Golan, Sudan, CH Trung Phi, Yemen, Mali, Lebanon, Haiti, Kosovo…, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tăng cường đối thoại, bày tỏ sự quan ngại về tình hình an ninh, bạo lực, tội phạm, đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo sự an toàn của người dân. Về các biện pháp trừng phạt đối với CH Trung Phi, Việt Nam khẳng định đây chỉ là các biện pháp tạm thời nhằm hỗ trợ tiến trình hòa bình tại CH Trung Phi, cần được thường xuyên rà soát và dỡ bỏ khi đủ điều kiện.
| Hội đồng Bảo an thảo luận về thu hẹp khoảng cách trong vấn đề bảo vệ góa phụ trong và hậu xung đột Ngày 15/11, tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp theo thể thức Arria về chủ đề “Thu hẹp ... |
| Hội đồng Bảo an thông qua Tuyên bố báo chí về tình hình Sudan Ngày 28/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua Tuyên bố báo chí về những diễn biến gần đây tại ... |