Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) từ ngày 11/9-13/10, trong bối cảnh dịch bệnh, xung đột và thiên tai liên tiếp tại nhiều khu vực, đe dọa xóa bỏ những thành tựu xóa đói giảm nghèo mà thế giới đã đạt được trong hơn nửa lộ trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần đoàn kết, hành động nhanh chóng và quyết liệt, giúp mọi người dân được thụ hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk phát biểu khai mạc Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: AFP) |
Những thách thức lớn
Tại các phiên họp và thảo luận đầu tiên của Khóa họp 54, HĐNQ đã thừa nhận chưa bao giờ nhân quyền thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức đan xen như hiện nay. Từ chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh đến những căng thẳng địa chính trị đều đang gây ra những chướng ngại lớn đối với các nỗ lực mang lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho người dân.
Ngay mở đầu Báo cáo cập nhật tình hình nhân quyền toàn cầu trình bày tại phiên khai mạc Khóa họp, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk đã khẳng định người dân khắp mọi nơi đều có quyền có một mức sống thoả đáng, bao gồm thực phẩm, được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, triển vọng kinh tế, môi trường sạch sẽ, lành mạnh và bền vững cũng như hệ thống tư pháp và an ninh bảo vệ các quyền của họ. Nhưng hết lần này đến lần khác, họ bị tước đoạt những quyền này.
Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đề ra cách đây 8 năm, “Xóa nghèo” và “Không còn nạn đói” là hai mục tiêu quan trọng đầu tiên. Thế nhưng, khi thời hạn đạt các mục tiêu này là năm 2030 đang đến gần, vẫn đang có tới 800 triệu người ở trong tình trạng thiếu ăn. Báo cáo toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) dự báo gần 600 triệu người sẽ bị suy dinh dưỡng mãn tính vào cuối thập kỷ này.
Những khu vực “báo động đỏ” về nghèo đói là châu Phi và Caribe - nơi đa số người dân phải vật lộn để có cái ăn hàng ngày. Đây cũng là hai trong số các khu vực gánh chịu những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu với thiên tai nghiêm trọng bất thường ảnh hưởng đến mùa màng. Thời gian qua, an ninh lương thực toàn cầu cũng ở trong tình trạng bấp bênh do xung đột và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Trên khắp Trung Đông và Bắc Phi, người dân đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước chưa từng thấy. Ước tính 83% dân số trong khu vực thiếu nước sạch. Đến năm 2030, lượng nước sẵn có bình quân đầu người sẽ giảm xuống dưới ngưỡng khan hiếm tuyệt đối. Cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự quản trị yếu kém và thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các chính phủ là nguyên nhân của tình trạng này.
Năm 2022-2023 tiếp tục chứng kiến nhiều bất ổn về an ninh, chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới. Tại những điểm nóng an ninh dai dẳng như Afghanistan, Dải Gaza, Pakistan, bạo lực liên tục leo thang không chỉ cướp đi nhiều sinh mạng, trong đó cả trẻ em, mà còn tước đi cơ hội để người dân được học tập, làm việc và phát triển bình đẳng. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, khu vực Tây và Trung Phi đã rung chuyển bởi 7 cuộc đảo chính ở Mali, Chad, Guinea, Sudan, Burkina Faso, Niger và Gabon. Sự xáo trộn chính trị chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và kém phát triển tại các quốc gia này.
Bất ổn và xung đột cũng dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khác – khủng hoảng người di cư. Trong 9 tháng đầu năm nay, hơn 2.300 trường hợp người di cư được báo cáo là đã chết hoặc mất tích ở Địa Trung Hải, trong đó có hơn 600 người bỏ mạng ngoài khơi Hy Lạp hồi tháng 6 vừa qua. Những người may mắn cập bến an toàn thì phải chịu cảnh thiếu đói, sống trong những trại tị nạn mất vệ sinh, không có việc làm. Phụ nữ và trẻ em còn phải đối mặt nhiều nguy cơ hơn như lạm dụng tình dục hay bóc lột lao động. Số phận của những người di cư cũng lênh đênh như những con tàu chở họ, khi các quốc gia đùn đẩy trách nhiệm tiếp nhận tị nạn. Đối với họ, đây không phải là cuộc sống mà chỉ là sự tồn tại khi không có quyền lợi nào được bảo đảm đúng mực.
Số phận của những người di cư cũng lênh đênh như những con tàu chở họ, khi các quốc gia đùn đẩy trách nhiệm tiếp nhận tị nạn. (Nguồn: Lapresse) |
Sẽ thật thiếu sót khi cho rằng vi phạm nhân quyền chỉ xảy ra ở những khu vực kém phát triển. Báo cáo chỉ ra rằng Mỹ và nhiều nước châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng nhà ở khi nhiều cá nhân và gia đình có thu nhập thấp không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà. Điều này giải thích cho thực tế số người vô gia cư đang ngày một tăng lên. Theo số liệu mới nhất, châu Âu có gần 1 triệu người sống trên đường phố, chủ yếu là người trẻ, cao hơn gần 30% so với năm 2021. Tình trạng này kéo theo những hệ lụy vi phạm quyền con người khác như thất nghiệp, tệ nạn xã hội và bị lạm dụng.
Nhân quyền toàn cầu còn bị xói mòn bởi tình trạng bất bình đẳng ngày càng rõ rệt. Ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, khoảng cách giàu - nghèo gia tăng không chỉ phá hủy lòng tin, mà còn làm suy yếu các nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Cần bảo đảm rằng tất cả các thể chế quốc tế và các cuộc thảo luận đa phương đều phản ánh nhu cầu của tất cả các bên tham gia, chứ không phải chỉ lợi ích của các nước lớn.
Những con số và thông tin cập nhật tại các phiên họp của HĐNQ đã vẽ ra một bức tranh nhân quyền thế giới không có nhiều gam màu tươi sáng. Những thách thức đang cản trở việc bảo đảm quyền con người là hệ quả của nhiều yếu tố đan xen. Chính vì vậy, thế giới cần có chung một ý chí và gạt bỏ những bất đồng để thực hiện mục tiêu chung là đặt lợi ích của con người lên trên những tham vọng về chính trị và kinh tế. Như Cao ủy Nhân quyền Volker Turk đã nhấn mạnh, “không có thách thức nào mà các quốc gia phải đối mặt có thể được giải quyết một cách riêng lẻ”. Việc cung cấp đủ thực phẩm, nước sạch và nhà ở cho người dân phải được thực hiện song song với mục tiêu giáo dục và bảo đảm cho họ một môi trường chính trị, an ninh ổn định để sinh sống và những cơ hội công bằng để phát triển.
Một số nội dung thảo luận nổi bật
Trong một thế giới đầy chia rẽ và xung đột, các căng thẳng và mâu thuẫn càng bị khoét sâu bởi các lệnh trừng phạt đơn phương. HĐNQ đã dành riêng một phiên đối thoại về vấn đề này, cảnh báo rằng việc lạm dụng trừng phạt đơn phương đã ngăn cản các quốc gia thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền phát triển, bảo đảm cuộc sống, sức khỏe và quyền bình đẳng cho người dân.
Báo cáo viên đặc biệt về các tác động tiêu cực của các biện pháp cưỡng ép và trừng phạt đơn phương đối với việc thụ hưởng quyền con người - bà Alena Douhan cho rằng thế giới đang đối mặt với ngày càng nhiều hình thức trừng phạt đơn phương, cả sơ cấp và thứ cấp, được áp dụng bởi cả các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Điều này đã cản trở hàng triệu người tiếp cận các nhu cầu thiết yếu cơ bản, chăm sóc sức khỏe và viện trợ nhân đạo, trong đó tình hình nhân đạo tại Syria là một ví dụ điển hình.
Bà Douhan cảnh báo các biện pháp cưỡng ép và trừng phạt đơn phương là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người, nhấn mạnh quyền được đáp ứng cao nhất về sức khoẻ thể chất và tinh thần. HĐNQ lưu ý các lệnh trừng phạt là cần thiết trong một số trường hợp, song các biện pháp trừng phạt đơn phương không nên cản trở khả năng thụ hưởng những quyền con người ở các quốc gia bị trừng phạt.
Một vấn đề trọng tâm khác được nêu tại HĐNQ khóa 54 là thúc đẩy và thực hiện quyền phát triển theo Mục tiêu phát triển bền vững số 16, trong bối cảnh thế giới đang từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19. Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ tập trung vào 3 lĩnh vực: tiếp cận vaccine và thuốc chữa Covid-19 cũng như sở hữu trí tuệ; hỗ trợ tài chính và giảm nợ; vai trò và trách nhiệm của các tổ chức tài chính quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả quyền được phát triển.
Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh sự bất bình đẳng về tiêm chủng ở nhiều khu vực trong đại dịch. Trong khi một số nước dư thừa vaccine khi người dân đã được tiêm ít nhất một mũi nhắc lại, thì ở nhiều nước châu Phi, đa số người dân chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Sự chênh lệnh này không chỉ trả giá bằng mạng sống, mà còn làm xói mòn lòng tin vào chủ nghĩa đa phương và các cơ chế hợp tác quốc tế.
Liên quan đến nội dung này, Việt Nam tích cực đóng góp các sáng kiến để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe và đảm bảo mọi người dân có cơ hội công bằng trong việc chăm sóc y tế. Với tư cách là một thành viên của HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã đưa ra hai sáng kiến trong khuôn khổ Khóa họp 54 của HĐNQ, liên quan đến quyền con người được tiêm chủng.
Tuy nhiên ở một số khu vực kém phát triển, người dân không có cơ hội được tiêm chủng đầy đủ, không chỉ vaccine Covid-19 mà còn các vaccine phòng nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm khác. Bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine nổi lên từ đại dịch Covid-19 vừa qua đã nêu bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy quyền tiêm chủng công bằng. Việt Nam cùng các đại diện của Brazil, WHO và GAVI (Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng) kêu gọi HĐNQ và các đối tác thúc đẩy hợp tác đa phương, bảo đảm phân phối vaccine và tiêm chủng an toàn, công bằng cho mọi người dân trên toàn cầu, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và đoàn Việt Nam cùng Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch HĐNQ năm 2023 và một số Đại sứ các nước tại phiên bế mạc Khóa họp 54 HĐNQ. |
Trong Phiên thảo luận chung về các quyền con người tại Khóa họp 54 HĐNQ ngày 20/9, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã phát biểu về quyền được tiêm chủng, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine cũng như mối liên hệ giữa tiêm chủng và quyền sức khỏe của con người.
Trong khóa họp cuối cùng của năm 2023 này, HĐNQ cũng thảo luận nhiều vấn đề khác như tình trạng phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người châu Phi và người gốc Phi, các hình thức nô lệ hiện đại, quyền của người cao tuổi, hận thù tôn giáo cấu thành kích động phân biệt đối xử, thù địch hoặc bạo lực… Không chỉ ở các khu vực nghèo đói, vi phạm nhân quyền có thể xảy ra ở bất cứ đâu và dưới nhiều hình thức. Bên cạnh các tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, việc các nước lơi là các cam kết đối với Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững là một phần nguyên nhân dẫn đến sự thụt lùi của nhân quyền toàn cầu. Có thể phải mất nhiều năm những vấn đề nhân quyền hiện nay mới cải thiện được. Song nếu thế giới không đoàn kết và khẩn trương đẩy mạnh các nỗ lực bảo đảm quyền con người, nguy cơ những thành tựu nhân quyền bị xóa bỏ sẽ ngày càng lớn.
Trong khi thế giới đang đối mặt nhiều chia rẽ, các nỗ lực đa phương với vai trò trung tâm của HĐNQ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo tất cả người dân được tiếp cận vaccine công bằng, chất lượng cao, giá cả hợp lý và kịp thời. Phát biểu của Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai về quyền được tiêm chủng nhận được sự ủng hộ và đồng bảo trợ chính thức của nhiều nước, cho thấy tính chính đáng và cấp bách của sáng kiến mà Việt Nam đưa ra về thúc đẩy quyền tiêm chủng, trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm. |