📞

Hồi giáo ở Nepal: Bước ra khỏi bóng tối

10:17 | 30/05/2016
Sau nhiều thế kỷ dường như bị lãng quên, những người Hồi giáo ở Nepal đang hy vọng một tương lai tươi sáng hơn.

Nằm ở góc nhà thờ Hồi giáo Jame Masjid ở Thủ đô Kathmandu là ngôi mộ của Begum Hazrat Mahal. Sự lẻ loi của ngôi mộ trái ngược hẳn với quá khứ huy hoàng cách đây gần hai thế kỷ.

Mahal (1820-1879), Nữ hoàng của Awadh - một bang tráng lệ ở vùng biên giới Ấn Độ (nay là một phần của bang Uttar Pradesh), là gương mặt nổi bật trong phong trào nổi dậy chống thực dân Anh năm 1857. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, bà rời khỏi thành phố Lucknow và được nhà lãnh đạo sau này của Nepal Jung Bahadur Rana trao quy chế tị nạn.

Nhà thờ Hồi giáo ở Jame Masjid ở Thủ đô Kathmandu. (Nguồn: Prabhat R Jha/Al Jazeera)

Làm việc ở Jame Masjid trong nhiều năm qua, ông M Hussain cho biết, nhiều người ủng hộ Mahal đã theo bà đến Nepal. Tuy nhiên, trên thực tế, Hồi giáo đã được truyền bá đến Nepal từ trước đó rất lâu.

Không còn… lặng lẽ

Những nhà buôn Kashmir lần đầu tiên dừng chân ở Kathmandu vào thế kỷ XV trên đường đến Lhasa, thủ đô của Tây Tạng lúc bấy giờ. Nhiều người trong số đó đã định cư ở Kantipur (chính là Kathmandu, Bhaktapur và Lalitpur dưới thời vua Ratna Malla). Nhà thờ Kashmir Takiya 500 năm tuổi, nằm cách cung điện ở Kathmandu vài trăm mét là một minh chứng của lịch sử này.

“Những người Hồi giáo đã sống như một cộng đồng thiểu số lặng lẽ trong hàng thế kỷ với sự thiện chí của chính quyền Nepal”, ông Hussain giải thích. Trong những năm gần đây, được truyền cảm hứng từ cuộc nổi dậy kéo dài một thập niên (1996-2006) của những người theo chủ nghĩa Mao (Maoism), những người Hồi giáo đã tăng cường sự hiện diện của mình và ngày càng có tiếng nói hơn trong xã hội.

Những người Hồi giáo cầu nguyện ở nhà thờ Kashmiri Takiya ở Kathmandu. (Nguồn: Reuters)

Theo ông Hussain, họ đã quan tâm đến việc đòi hỏi các quyền lợi chính trị và văn hóa cho mình. Lần đầu tiên, các lễ hội Hồi giáo được công bố là ngày nghỉ lễ của công chúng vào năm 2008 - năm chính thức chấm dứt chế độ quân chủ lập hiến kéo dài 239 năm và chính phủ do những người theo chủ nghĩa Mao lên nắm quyền…

Lễ hội của người Hồi giáo mừng sinh nhật nhà tiên tri Muhammad đã được tổ chức rầm rộ ở huyện Banka, giáp biên giới Ấn Độ. Những lá cờ màu xanh lá cây với câu thơ Quranic tô điểm cho các ngôi nhà Hồi giáo là sự phản chiếu các quyền tôn giáo và văn hóa mới được công nhận của các nhóm bản địa và dân tộc thiểu số của Nepal.

Quan tâm về giáo dục

Cách Kathmandu 500km, Banke nằm ở vùng đồng bằng phía Nam (khu vực Madhes), quê hương của 95% người Hồi giáo ở Nepal. Không giống như người Hồi giáo ở thung lũng Kathmandu, cộng đồng ở đây phần lớn là người nghèo và chịu thiệt thòi hơn cả là những phụ nữ Hồi giáo.

Chỉ có 26% phụ nữ Hồi giáo ở quốc gia Himalaya biết chữ (con số trung bình cả nước là 55%) trong khi chỉ khoảng 12% phụ nữ hoàn thành bậc trung học.

Ông Abdul Rahman, cựu Chủ tịch của Jame Masjid ở Nepalgunj (Banke), giải thích nguyên nhân một phần là sự không tương thích về nhận thức giữa một số giá trị Hồi giáo và hệ thống trường công lập. "Phụ nữ Hồi giáo theo truyền thống purdah (đeo khăn trùm đầu hay che mặt) bị xem như thể là người ngoài hành tinh. Đó là một sự tra tấn tinh thần", ông nói.

Theo ông Abdul, Chính phủ nên đưa ra một "gói đặc biệt (học bổng hoặc hỗ trợ tài chính) cho người Hồi giáo học tập hoặc cho chúng tôi tự do giáo dục con em mình theo những giá trị Hồi giáo".

Học sinh tại Aisha Banaat Madrasa ở Nepalgunj, nơi có dân số Hồi giáo đông nhất trong các thành phố Nepal. (Nguồn: Prabhat R Jha/Al Jazeera)

Theo thống kê dân số Nepal năm 2011, có chưa đầy 5.000 sinh viên Hồi giáo tốt nghiệp Đại học và sau Đại học. Các chính phủ dân chủ sau cách mạng đã thừa nhận các mối quan tâm của cộng đồng Hồi giáo và xác định madrasa (trường học Hồi giáo) như một công cụ hữu ích cho việc cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục của người Hồi giáo.

Ủy ban Madrasa được thành lập vào năm 2007 và lần đầu tiên, các khóa học cũng đã được triển khai bằng tiếng Urdu – ngôn ngữ của nhiều người Hồi giáo Nepal. Chính quyền hứa hẹn hỗ trợ tài chính để các madrasa được đăng ký với điều kiện là dạy các môn khoa học, toán học, tiếng Anh và tiếng Nepal.

Ngôn ngữ của các nhóm dân tộc khác như Magars và Tamangs cũng đã được công nhận. Điều này hoàn toàn trái ngược với chế độ quân chủ - vốn chỉ thúc đẩy tiếng Nepal.

Tuy nhiên, gần một thập kỷ sau khi chính sách này được công bố, hơn một nửa trong số 2.000 madrasa ở Nepal vẫn chưa được đăng ký và những trường này thường xuyên phàn nàn về sự hỗ trợ không thỏa đáng từ phía chính quyền.

Tương lai tươi sáng hơn

Các nhà lãnh đạo cộng đồng tin rằng, những người Hồi giáo chiếm 5% trong tổng dân số gần 30 triệu của Nepal là một nhóm riêng biệt.

"Những người Hồi giáo sống ở Madhes vẫn có văn hóa khác biệt với các nhóm khác", ông Athar Hussain Faruqi, một nhà lãnh đạo địa phương của Đảng Cộng sản thống nhất Nepal (Maoist) nói. Theo ông, bản sắc khác biệt dựa trên cơ sở văn hóa, ngôn ngữ và hoạt động kinh tế.

Theo Hiến pháp mới có hiệu lực vào năm 2015, lần đầu tiên người Hồi giáo được vào danh sách các nhóm bị thiệt thòi. Hiến pháp cũng bảo đảm một hạn ngạch công việc cho những người Hồi giáo, hiện chiếm chưa đến 1% công việc dân sự.

Một cặp vợ chồng Hồi giáo trên đường phố Nepalgunj. (Nguồn: Prabhat R Jha/Al Jazeera)

Nhiều người Hồi giáo đang cảm thấy lạc quan về tương lai của mình và cộng đồng. Nepalgunj, nơi có dân số Hồi giáo đông nhất trong các thành phố Nepal, tự hào có một đài phát thanh cộng đồng Hồi giáo, trường học và các tổ chức từ thiện đều do cộng đồng quản lý.

Bản thân ông Faruqi cũng lạc quan về triển vọng của người Hồi giáo ở Nepal. "Eid (lễ hiến sinh của người Hồi giáo) đã được tuyên bố là ngày nghỉ lễ, Ủy ban Hồi giáo và ủy ban madrasa đã được thành lập”, ông nói. Đảng của ông, một phần trong chính phủ liên minh cầm quyền, sẽ tiếp tục đấu tranh vì các quyền lợi tốt đẹp hơn cho những người Hồi giáo Nepal.

(theo Al Jazeera)