📞

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20: Mỹ-Trung vẫn nóng, châu Phi ‘lên sóng’

Lưu Huỳnh 14:47 | 30/06/2021
Mỹ-Trung tranh giành vai trò dẫn dắt cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu và châu Phi là hai nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 vừa qua.

Ngày 29/6, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm các nền kinh tế lớn (G20) diễn ra tại Matera, phía Nam Italy. Đây là lần đầu tiên các quan chức ngoại giao của nhóm gặp trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 toàn cầu nổ ra và cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người. Ngoại trưởng Trung Quốc, Brazil và Australia góp mặt trực tuyến, còn Nga và Hàn Quốc cử cấp Thứ trưởng tham dự.

So với Thượng đỉnh các nền kinh tế lớn thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hai tuần trước, cuộc họp cấp Bộ trưởng G20 rõ ràng không thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn có hai điểm nhấn lớn trong các nội dung thảo luận.

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước G20 ngày 29/6 tại Matara, Italy. (Nguồn: Reuters)

Mỹ-Trung so kè

Đầu tiên, đó là tương tác Mỹ-Trung gián tiếp nhưng không kém phần gay gắt. Trước đó, hai bên đã thảo luận về một cuộc gặp trực tiếp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, song nó đã không diễn ra. Tuy nhiên, chẳng vì thế mà tương tác Mỹ-Trung bớt căng thẳng khi cả hai liên tục so kè, nỗ lực thể hiện vị thế dẫn dắt của quốc gia mình.

Tiếp nối thông điệp từ Thượng đỉnh G7 và NATO hai tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nỗ lực khẳng định cam kết về “nước Mỹ trở lại”. Ông kêu gọi G20 củng cố cơ chế đa phương nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy chống biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta cần đem lại kết quả, cho quốc gia, người dân và thế giới của chúng ta”.

Ông đề cập tới hành động của Mỹ như hỗ trợ 2 tỷ USD cho Chương trình COVAX Facility, cam kết của Tổng thống Joe Biden về cung cấp bổ sung 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech, cũng như tạm hoãn bản quyền vaccine Covid-19 và giới hạn xuất khẩu nguyên liệu cần thiết cho một số quốc gia.

Chính sách vaccine Covid-19 của Mỹ, sự hiện diện tích cực của Ngoại trưởng Antony Blinken tại G20 và các cuộc gặp song phương trước đó với quan chức Đức, Pháp và Italy, cho thấy nỗ lực thể hiện vị thế dẫn dắt của Washington trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến, Ngoại trưởng Vương Nghị có bài phát biểu mạnh mẽ, mong muốn chứng minh ảnh hưởng và vai trò ngày một lớn của cường quốc châu Á với thế giới. Đề cập về hợp tác chống dịch toàn cầu, ông nhấn mạnh Trung Quốc đã cung cấp 450 triệu liều vaccine Covid-19 tới hơn 100 quốc gia.

Thú vị hơn, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định các bên cần theo đuổi “chủ nghĩa đa phương thực sự” thay vì dùng nó “làm vỏ bọc cho các hành động đơn phương”. Đồng thời, Trung Quốc “kêu gọi các quốc gia dừng hạn chế xuất khẩu hay tích trữ đầu cơ vaccine Covid-19”. Dù không nêu tên, song xét mối quan hệ Mỹ-Trung và sự xuất hiện của các vấn đề này trong phát biểu trước đó của ông Blinken, đối tượng được nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh ám chỉ là Washington.

Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định các bên cần theo đuổi “chủ nghĩa đa phương thực sự” thay vì dùng nó “làm vỏ bọc cho các hành động đơn phương”.

Châu Phi ‘lên sóng’

Một điểm nhấn mới và quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 lần này là châu Phi. Trong bối cảnh tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19 chưa thực sự thuyên giảm, hầu hết lượng vaccine Covid-19 được sản xuất và phân bố cho các nước giàu hơn. Điều này khiến việc kiểm soát, hạn chế sự bùng phát của dịch Covid-19 ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt tại châu Phi, gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại G20, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nhận định: “Tôi cho rằng G20 có nghĩa vụ hỗ trợ châu Phi vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiến tới thời kỳ phát triển ổn định, bền vững hơn”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Cộng hòa Dân chủ Congo Christophe Lutundula, khách mời của G20 lần này, nhấn mạnh đại dịch Covid-19 sẽ không sớm chấm dứt tại châu Phi. Ông kêu gọi nhóm hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt giúp đỡ các nước phát triển tự sản xuất vaccine Covid-19, đồng thời triển khai cơ quan chuyên trách thúc đẩy hợp tác nghiên cứu. Chỉ khi ấy, các quốc gia châu Phi mới có thể “chống lại cú sốc từ Covid-19 và hồi sinh nền kinh tế, vì lợi ích của cộng đồng quốc tế”.

Chủ đề châu Phi nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện trong Thượng đỉnh G20 tại Italy vào tháng 10 tới. Dù vậy, sự quan tâm của nước chủ nhà dành cho vấn đề này không phải là ngẫu nhiên.

Chỉ riêng nửa đầu năm 2021, Italy đã tiếp nhận tới hơn 10 nghìn người người tị nạn châu Phi, dù con số này đã giảm nhiều so với những năm trước vì dịch Covid-19. Với hệ thống y tế kiệt sức sau đợt chống dịch vừa qua cùng lượng vaccine Covid-19 có hạn, dòng người nhập cư lớn có thể khiến Italy quá tải.

Trong bối cảnh đó, giải quyết bài toán về kiểm soát dịch Covid-19, ổn định chính trị, phát triển kinh tế hậu đại dịch tại châu Phi có thể là cách thức giúp Rome hạn chế dòng người nhập cư một cách bền vững, giảm áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và tốc độ hồi phục của nền kinh tế.