📞

Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 làm sáng vai trò 'đầu tàu' ASEAN 2020

14:00 | 23/06/2020
TGVN. Trả lời phỏng vấn TG&VN, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã chia sẻ những đánh giá về tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sắp tới cũng như điểm lại những nỗ lực đáng ghi nhận của nước Chủ tịch ASEAN 2020 thời gian qua.        
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 lần này có ý nghĩa và vai trò hết sức to lớn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ông nhận định như thế nào về vai trò của Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 trong bối cảnh mới hiện nay, khi mà có rất nhiều vấn đề phức tạp xảy ra như sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 hay vấn đề Biển Đông?

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 có vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn, với cả trước mắt và tương lai lâu dài của ASEAN.

Thứ nhất, Hội nghị đương nhiên sẽ phải xử lý vấn đề cấp bách nhất của ASEAN hiện nay, đó là dịch Covid-19 và câu chuyện hậu đại dịch sẽ diễn biến như thế nào. Dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 cho đến nay, tác động nhiều chiều đến thế giới và khu vực. Hội nghị cấp cao ASEAN 36 sẽ vừa phải nhìn lại những thỏa thuận đã có của ASEAN, về phòng chống đại dịch như phối hợp về thông tin, kiểm soát dịch, hỗ trợ nhau về dịch vụ thiết yếu, thuốc men và trang thiết bị y tế. Mặt khác, Hội nghị chắc chắn cũng sẽ phải bàn những câu chuyện chuẩn bị cho hậu đại dịch, đó là phối hợp trong việc rút ra khỏi dịch và phục hồi sau dịch, bao gồm cả về phục hồi kinh tế, các chuỗi cung ứng, cũng như giao thông vận tải, du lịch và các dịch vụ khác.

Thứ hai, Hội nghị Cấp cao sẽ phải tập trung vào những ưu tiên lâu dài của ASEAN, nhất là 5 ưu tiên đề ra cho năm 2020, trong đó có về xây dựng Cộng đồng ASEAN, liên kết khu vực, ứng phó với các thách thức, mở rộng quan hệ với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả hoạt động của ASEAN… Tuy nhiên, các lãnh đạo ASEAN sẽ phải “soi” việc triển khai các ưu tiên đó trong một bối cảnh rất khác trước, giải quyết những vấn đề nảy sinh và định ra hướng đi sắp tới cho ASEAN khi môi trường khu vực và quốc tế đã có những biến đổi sâu sắc sau đại dịch.

Thứ ba, Hội nghị Cấp cao 36 được tổ chức, tiếp tục thể hiện sự chủ động và trách nhiệm của Việt Nam, kịp thời điều chỉnh, thông qua áp dụng trực tuyến, để ASEAN không chỉ vẫn duy trì được các hoạt động, trong bối cảnh các bước đều phải đóng cửa vì dịch bệnh, mà còn tiếp tục phối hợp với các đối tác và phát huy vai trò của mình ở khu vực.

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã có những tác động rất lớn đối với cả ASEAN, bản thân Việt Nam cũng phải tập trung chống dịch như các nước khác. Nhưng Việt Nam đã rất trách nhiệm, chủ động, sáng tạo mới duy trì và tiếp tục phát huy vai trò của ASEAN được như vậy trong suốt thời gian vừa qua. Hội nghị cấp cao ASEAN 36 lần này họp với nhiều nội dung quan trọng, thể hiện đúng tinh thần chủ đề năm 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng”, trong điều kiện và hoàn cảnh mới.

Cuối cùng, vấn đề Biển Đông cũng sẽ được đề cập và bàn tới trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao 36 lần này. Biển Đông là câu chuyện gắn liền với hoà bình, an ninh và phát triển của khu vực, cả Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương, cũng như thế giới nói chung. Hòa bình, ổn định, an ninh, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, là vấn đề mà lâu nay ASEAN rất coi trọng, từ trước đến nay luôn nằm trong nghị sự của ASEAN.

Vừa qua, tại Biển Đông vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp như việc Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và các nước. Điều này là vi phạm luật pháp quốc tế, công ước Luật Biển, ảnh hưởng đến ổn định và xây dựng lòng tin ở khu vực. Đó là câu chuyện hệ trọng với cả ASEAN, khu vực và thế giới. Như vậy, ASEAN vẫn cần phải có tiếng nói nhấn mạnh các nguyên tắc đã có đối với vấn đề Biển Đông, một mặt yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình, mặt khác thực hiện xây dựng lòng tin, vì hòa bình, ổn định tại vùng biển quan trọng này.

Có ý kiến cho rằng nước Chủ tịch ASEAN 2020 đã rất linh hoạt trong việc duy trì và đảm bảo các thông lệ họp của ASEAN.

Như trên đã nêu, Việt Nam đã bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN vào tháng 1, đúng khi dịch bệnh bùng phát, lan rộng ra cả thế giới. Khu vực Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng nặng, các quốc gia đều phải đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội, mọi giao dịch thông thường đều bị ngừng trệ. Đây là điều chưa từng có với khu vực và thế giới.

Nhìn lại, phải thấy rằng Việt Nam đã rất trách nhiệm, chủ động, kịp thời và sáng tạo để bảo đảm các hoạt động của ASEAN. Đây là bốn chữ mà cả khu vực và quốc tế đã đánh giá về Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN, trước một bối cảnh khó khăn như vậy.

Đại dịch lan đến khu vực vào tháng 1 thì ngay trong tháng 2, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ra tuyên bố của Chủ tịch ASEAN, tiếp đó là một loạt hội nghị và tham vấn, chủ yếu bằng hình thức trực tuyến để phối hợp trong và ngoài khu vực về phòng chống dịch bệnh. Có thể nêu ở đây những Hội nghị quan trọng như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ở Đà Nẵng, Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng điều phối, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN+3 ở Vientiane, Lào, hàng loạt cuộc tham vấn trực tuyến trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhất là Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 để tăng cường hợp tác phòng chống dịch bệnh. Đã có rất nhiều những cuộc tham vấn ở cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, các cuộc trao đổi với các quốc gia đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU được tổ chức.

Hội nghị Cấp cao đăc biệt ASEAN+3 thu hút chú ý của truyền thông quốc tế.

Việt Nam đã kịp thời chuyển sang hình thức họp trực tuyến để có thể bảo đảm duy trì kênh chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các quốc gia ASEAN được diễn ra một cách trôi chảy trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như vậy. Có lẽ đây là lần đầu tiên ASEAN họp trực tuyến thường xuyên và nhiều đến như vậy. Điều này không chỉ giúp ASEAN duy trì thông tin, phối hợp, mà còn đưa ra nhiều quyết sách quan trọng với khu vực, cả về hợp tác nói chung và về phòng chống dịch nói riêng.

Về phần mình, Việt Nam không chỉ xử lý tốt việc phòng chống dịch trong nước, mà còn là “tấm gương”, như các nước đánh giá, về tinh thần hợp tác quốc tế và giúp đỡ lẫn nhau, trong những lúc khẩn cấp và khó khăn nhất.

Một trong những sáng kiến của Việt Nam là lần đầu tiên đưa ra Phiên thảo luận về bình đẳng giới vào khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực đưa ra sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch 2020 trong một năm đầy thách thức?

Xuyên suốt quá trình chuẩn bị đảm nhận vai trò tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 36, Việt Nam đã có cơ chế tham vấn sâu rộng từ rất sớm và đã thống nhất chung về các ưu tiên cũng như trọng tâm của ASEAN cho năm 2020. Đó là một lộ trình bao quát toàn diện câu chuyện cộng đồng, hợp tác với đối tác và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Dịp này, Cấp cao ASEAN bàn về vai trò phụ nữ và bình đẳng giới là một bộ phận của nghị sự chung đó, là một động lực trong xây dựng cộng đồng ASEAN, trên tất cả các trụ cột của cộng đồng về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội, cũng như trong hợp tác quốc tế.

Vào thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức phiên thảo luận về bình đẳng giới cho thấy Việt Nam vừa xử lý vấn đề cấp bách, vừa có thể duy trì được các chương trình, hoạt động đã đề ra cho năm 2020.

Chắc chắn, sắp tới và từ nay đến cuối năm, Việt Nam đã và sẽ vẫn tiếp tục triển khai những sáng kiến quan trọng và lâu dài về các ưu tiên trong xây dựng cộng đồng ASEAN, như về thời đại số, công nghệ 4.0, kinh tế thương mại, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực trong đó có vấn đề Biển Đông.

Như vậy, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, dù dịch bệnh khắc nghiệt, Việt Nam không chỉ gói gọn mục tiêu trong phòng chống dịch Covid-19, mà thể hiện được một vai trò tổng thể của mình trong điều phối cũng như thúc đẩy nghị sự, hoạt động chung của ASEAN, góp phần phát triển cộng đồng ASEAN vững mạnh, phát huy vị thế ở khu vực và quốc tế.