Hội nghị đã thu hút khoảng 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam-Slovenia với mục đích phổ biến, trao đổi thông tin về quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước, các cơ hội hợp tác về đầu tư, kinh doanh tại thị trường mỗi nước, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Đại sứ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia Lê Dũng phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia Lê Dũng nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động thương mại và hàng không quốc tế đang chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19.
Đại sứ Lê Dũng khẳng định Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam-Slovenia để tổ chức các sự kiện tương tự trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội kinh doanh của hai nước trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Về quan hệ song phương, Đại sứ Lê Dũng khẳng định hai nước đã thông qua hoạt động ở nhiều cấp khác nhau, từ các cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề để xây dựng các cơ chế hợp tác về kinh tế - thương mại và đầu tư.
Đặc biệt, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEM 12 tại Brussels năm 2018, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã thống nhất thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực logistics, du lịch, y tế và sản phẩm gia dụng. Đến nay, thương mại hai chiều đã tăng gấp 3 lần trong vòng 6 năm qua từ 125 triệu USD (2014) lên tới 361 triệu USD (2020).
Đại sứ đánh giá việc EVFTA có hiệu lực phần nào đã giúp giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với hợp tác thương mại và đầu tư song phương. Sau khi dịch bệnh chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp Slovenia có thể tận dụng cơ hội để đầu tư tại Việt Nam, tiếp cận thị trường 97 triệu dân của Việt Nam cũng như thông qua Việt Nam để tiếp cận thị trường ASEAN.
Hội nghị giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam-Slovenia. |
Ông Izidor Krivec, Phó Chủ tịch CCIS phụ trách kinh tế đối ngoại, đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nếu dịch Covid-19 chuyển biến tích cực, CCIS sẽ tổ chức đoàn công tác cùng các doanh nghiệp Slovenia sang thăm Việt Nam vào tháng 10/2021 để trao đổi chi tiết về triển vọng và cơ hội hợp tác về các lĩnh vực như: máy móc cơ khí, tự động hóa, logistics, chế biến thực phẩm và dệt may.
Ông Izidor Krivec cho biết CCIS sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện và sử dụng các giải pháp công nghệ tương tự nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sở tại ứng phó với tác động của Covid-19.
Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú nhấn mạnh kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19. Những biện pháp chặt chẽ và kịp thời của Chính phủ cũng như khả năng phục hồi nhanh của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với tác động kinh tế - xã hội của dịch Covid-19.
Theo ông Vũ Bá Phú, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đạt 49,6 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 34,9 tỷ USD, Việt Nam nhập khẩu từ EU đạt 14,7 tỷ USD.
Do đó, thông qua EVFTA các doanh nghiệp Slovenia sẽ gặp thuận lợi trong việc quảng bá và mở rộng kinh doanh các loại máy móc chế biến nông, lâm, thủy sản cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ hội tốt cho doanh nghiệp hai nước xem xét, hợp tác về đầu tư, sản xuất máy móc chế biến nông, lâm, thủy sản tại Việt Nam.
Ông Tomaž Kostanjevec phát biểu tại Hội nghị. |
Ông Tomaž Kostanjevec, Quyền Giám đốc SPIRIT Slovenia (Cơ quan phụ trách về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và cổ phần hóa), chia sẻ thông tin về nền kinh tế và một số lợi thế cạnh tranh của Slovenia. Về điều kiện địa lý, Slovenia là quốc gia ven biển với cảng Koper, một trong những cửa ngõ giao thương của khu vực Đông và Nam Âu. Hàng hóa vận chuyển từ châu Á tới châu Âu thông qua cảng Koper có thể tiết kiệm được 8 ngày so với vận chuyện qua các cảng ở Tây Âu.
Kinh tế Slovenia tập trung phát triển theo hướng bền vững, ưu tiên những ngành công nghiệp thân thiện với môi trường. SPIRIT Slovenia đánh giá hai nước có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như máy móc phục vụ ngành dệt may, điện tử và công nghệ cao; tự động hóa; giải pháp logistics; máy móc nông nghiệp và chế biến thực phẩm; bao bì.
Ông Andrej Boštjančič, Giám đốc công ty công nghệ thông tin SoftNET, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam. SoftNET có văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động từ năm 2014. Ông Andrej Boštjančič đánh giá Việt Nam có thị trường và nền kinh tế phát triển sôi động, nguồn nhân lực trẻ và có trình độ, tình hình chính trị ổn định và môi trường văn hóa thuận lợi.
Chính sách ủng hộ đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam đã tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của công ty nước ngoài tại Việt Nam. Đây là các yếu tố giúp SoftNET quyết định lựa chọn đầu tư tại Việt Nam và đạt được nhiều thành công trong thời gian qua. Doanh nghiệp này đang có kế hoạch mở thêm văn phòng tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Sau phiên họp toàn thể, hơn 30 doanh nghiệp Slovenia và Việt Nam trao đổi trực tiếp trên nền tảng triển lãm trực tuyến. Các doanh nghiệp giới thiệu về sản phẩm và dịch vụ của mình, trao đổi về tình hình thị trường và các cơ hội kinh doanh tiềm năng trong thời gian tới.