Ukraine đang đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sỹ vào giữa tháng 6. (Nguồn: Reuters) |
Trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày, Tổng thống Zelensky cho biết, các chủ đề chính của Kiev tại Hội nghị thượng đỉnh là an ninh lương thực và an ninh hạt nhân, cũng như các vấn đề nhân đạo, bao gồm cả việc trao đổi tù bình.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Trước hết, chương trình nghị sự của Hội nghị là gây áp lực chính trị đối với Nga và sự tham gia của nhiều quốc gia, chiếm đa số trên thế giới”.
Theo nhà lãnh đạo, kết quả của sự kiện là các giải pháp kỹ thuật, nhiệm vụ và kế hoạch sẽ xuất hiện, sau đó sẽ được “chuyển giao và trình bày tại các nền tảng khác nhau của Nga".
Hội nghị hòa bình quốc tế về Ukraine sẽ được tổ chức tại Thụy Sỹ trong các ngày 15-16/6. Bern đã mời khoảng 160 đoàn quốc tế tham dự nhưng không mời Nga, và cho đến nay, hơn 60 quốc gia đã xác nhận tham dự sự kiện này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Moscow sẽ không tham gia hội nghị này.
Liên quan Hội nghị trên, trong bài trả lời phỏng vấn được hãng thông tấn PTI phát hành ngày 20/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, nước này sẽ tham gia tất cả các Hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự về hòa bình, an ninh và phát triển toàn cầu.
Theo đó, ông xác nhận sự tham gia của Ấn Độ vào hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sắp tới ở Italy và Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu Ukraine ở Thụy Sỹ.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo vẫn chưa xác nhận việc ông có tham dự Hội nghị thượng đỉnh này hay không. Theo ông, “mức độ tham gia sẽ phụ thuộc vào thời gian, hậu cần và các cam kết song song”.
Thủ tướng Modi nhấn mạnh rằng, việc Ấn Độ được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu Ukraine là công nhận vai trò quan trọng và đóng góp của nước này đối với các vấn đề quốc tế. Ấn Độ sẽ "lan tỏa tiếng nói của Nam bán cầu" tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, nhằm định hình diễn ngôn toàn cầu.