📞

Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 21: Vì sự phát triển xanh và bền vững của địa phương

Bảo Chi 18:51 | 18/12/2023
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, vào ngày 18/12, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của địa phương” đã được tổ chức tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của địa phương”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị, cùng sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu từ các Ban, Bộ ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ và các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.

Phiên đối ngoại vào buổi chiều có sự tham gia của hơn 450 đại biểu, bao gồm các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam, tổ chức phi chính phủ nước ngoài và đại biểu các địa phương.

Tiên phong vì sự phát triển bền vững của địa phương

Phát biểu khai mạc toàn thể Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hội nghị lần này là dịp để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả hai năm triển khai vừa qua và hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời nghiêm túc quán triệt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại và hội nhập quốc tế mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay; từ đó, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế- xã hội của các địa phương trong những năm tới.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các địa phương và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại địa phương trong những những thành tựu đối ngoại đạt được thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các Ban, Bộ ngành Trung ương, giúp công tác đối ngoại địa phương được triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ hơn, nhiều mặt đã được đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc toàn thể Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hội nghị thảo luận kỹ lưỡng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp triển khai công tác đối ngoại địa phương trong những năm tới; đồng thời, gợi mở một số số vấn đề sau:

Thứ nhất, tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bỉ thư và Chính phủ ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII.

Thứ hai, phát huy tốt thế và lực mới cùa đất nước để tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại địa phương một cách đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo, trong đó ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản; xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu.

Thứ ba, phát triển đối ngoại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó then chốt là nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương.

Hội nghị được nghe 3 phát biểu chính gồm “Báo cáo trung tâm về công tác đối ngoại địa phương giai đoạn 2021-2023 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn tới”; “Công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại tại địa phương từ Đại hội Đảng lần thứ XIII”, “Vai trò của đối ngoại nhân dân trong công tác đối ngoại địa phương thích ứng với tình hình mới”. Các phát biểu cho thấy Bộ Ngoại giao đã và đang phát huy tốt vai trò tiên phong, đồng hành, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ hiệu quả các địa phương trong hoạt động đối ngoại.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham quan khu triển lãm các hoạt động đối ngoại. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hội nghị tiếp tục được nghe 12 trao đổi của đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương và các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hai phiên thảo luận. Tại phiên thảo luận 1 với chủ đề “Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong tình hình mới”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng và Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn chia sẻ các bài học thành công trong việc xúc tiến đầu tư nước ngoài, xây dựng hồ sơ di sản văn hoá được UNESCO công nhận và thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Các chia sẻ của lãnh đạo các địa phương đánh giá cao sự chủ động, tích cực, vai trò “tiên phong”, “đồng hành” của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc định hướng, tham mưu, tư vấn cho địa phương trong các mặt của công tác đối ngoại, nhất là kiến tạo cơ hội thúc đẩy các động lực tăng trưởng, hỗ trợ các địa phương hội nhập kinh tế quốc tế, và điều phối trong việc hoàn thiện và vận động hồ sơ đề cử danh hiệu của UNESCO.

Tại phiên thảo luận 2, các đại biểu trao đổi về các giải pháp “đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương”.

Hội nghị ngoại vụ thu hút sự tham dự của đông đảo các đại biểu từ các Ban, Bộ ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ và các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho rằng việc sẵn sàng trong hạ tầng và nhân lực, việc chủ động kết nối, tìm kiếm đối tác là then chốt trong thu hút FDI vào địa phương. Nam Định đánh giá cao vài trò của đối ngoại địa phương trên cơ sở tranh thủ tối đa các yếu tố thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho tỉnh trong thu hút đầu tư công nghệ, tri thức, du lịch, các nguồn lực khác phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Hội nghị cũng được nghe các trao đổi tương tác của Thủ trưởng/Lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ Ngoại giao gồm Vụ Tổng hợp Kinh tế, Cục Ngoại vụ, Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO, Cục Lãnh sự, Đại sứ Việt Nam tại các nước Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương, ngoại giao văn hoá, người Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động quảng bá, xúc tiến địa phương tại nước ngoài, kết nghĩa địa phương…

Các chia sẻ của Bộ Ngoai giao cho thấy sự sẵn sàng đồng hành để hỗ trợ đúng và trúng các nhu cầu của địa phương. Hội nghị cũng thẳng thắn trao đổi một số biện pháp, kiến nghị để các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của địa phương ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.

Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao

Phát biểu khai mạc tại phiên đối ngoại vào buổi chiều, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, Hội nghị là cơ hội để các địa phương trực tiếp kết nối, trao đổi với các Đại sứ, mở ra các cơ hội hợp tác trong thời gian tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc phiên Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng đánh giá trong bối cảnh chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược, các nước đưa ra nhiều sáng kiến mới trong định hình các chuỗi cung ứng và sản xuất xanh, đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư cho các nước đang phát triển để thích ứng với các tiêu chuẩn này.

Việt Nam và các địa phương của Việt Nam đang có nhiều thế mạnh trong đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Hội nghị có nhiệm vụ trong tâm là đánh giá các xu thế đầu tư trên thế giới, phân tích các cơ hội và thách thức đặt ra đối với các địa phương của Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; tham mưu các biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm hỗ trợ thiết lập các nền tảng cho đầu tư bền vững tại Việt Nam như hợp tác nâng cấp, kết nối hạ tầng chiến lược, xây dựng các trung tâm công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn lao động chất lượng cao, nhân lực quản lý đáp ứng yêu cầu của các dự án công nghệ cao, bán dẫn, hydrogen xanh….

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng trao đổi với đại biểu bên lề Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Không chỉ vậy, đây cũng là dịp để các đại biểu tham dự Hội nghị đề xuất các giải pháp cụ thể để tận dụng các cơ hội và chuyển hoá các thách thức tăng cường kết nối, xây dựng các mô hình hợp tác đầu tư bền vững và chất lượng; nghiên cứu triển khai các dự án thí điểm làm hình mẫu cho hợp tác đầu tư xanh.

Sau phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) trình bày tham luận “Xu thế đẩy mạnh tài chính xanh: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”. Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nêu rõ một số cơ hội ở Việt Nam như tiếp cận nguồn vốn, giúp thúc đẩy kinh tế phát triển. Liên quan FDI, Việt Nam phải gia tăng tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.

Ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trình bày tham luận về ““Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh: từ kinh nghiệm đến thực tiễn”, trong đó nhấn mạnh mong muốn tiếp tục ủng hộ bền vững và củng cố mối quan hệ châu Âu-Việt Nam thông qua các cơ chế hợp tác kinh tế xanh, bảo đảm sự tăng trưởng của Việt Nam bền vững và toàn diện.

Phiên trao đổi thảo luận về xu hướng quốc tế và bài học kinh nghiệm cho địa phương Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao có sự tham gia trao đổi của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young-sam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) Greg Testerman và Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) Marko Walde.

Trao đổi thảo luận xu hướng quốc tế và bài học kinh nghiệm cho địa phương Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên cạnh phiên trao đổi, Phiên kết nối các Đại sứ với các địa phương được tổ chức để các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trực tiếp nắm bắt các đề xuất, kiến nghị, đặt hàng của địa phương.

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 thông qua định hướng hành động công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương giai đoạn tới.

Thứ nhất, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn diện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đại hội XIII của Đảng.

Thứ hai, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương gắn với việc triển khai hiệu quả đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường thu hút nguồn lực phục vụ phát triển bền vững tại địa phương.

Thứ ba, đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, hiệu quả, thực chất theo các trọng tâm ưu tiên trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15.

Thứ tư, không ngừng đổi mới, sáng tạo về phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại địa phương.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ năm, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác đối ngoại địa phương, các chương trình/nội dung cần sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan, danh mục các dự án/lĩnh vực kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài, các nội dung quảng bá địa phương... với cách làm sáng tạo, chuyên nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Thứ sáu, tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng công tác đối ngoại địa phương trên các tất cả lĩnh vực khác của đối ngoại.

Thứ bảy, tăng cường đầu tư cho công tác đối ngoại địa phương tương xứng với thế và lực của đất nước, của địa phương, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ đối ngoại và hội nhập quốc tế tại địa phương, trong đó nghiên cứu đẩy mạnh việc biệt phái và điều chuyển cán bộ ngoại giao có kinh nghiệm, phẩm chất, năng lực về công tác tại địa phương để hỗ trợ, tư vấn công tác đối ngoại.