📞

Hội nghị thượng đỉnh G20: Thúc đẩy đa phương, xây dựng tương lai bền vững

PHƯƠNG HẰNG 09:00 | 24/11/2020
TGVN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và gửi gắm nhiều thông điệp quan trọng tại hai phiên thảo luận với các chủ đề: Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm; Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 trực tuyến ngày 21-22/11.

Chủ đề của G20 năm 2020 là “Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ XXI vì mọi người dân”, với ba trọng tâm chính gồm: Trao quyền cho người dân; Bảo vệ hành tinh; Định hình các lĩnh vực mới. Đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến chương trình nghị sự của G20 trong năm 2020. Nước Chủ tịch Saudi Arabia đã có điều chỉnh về chương trình nghị sự để thích ứng với tình hình mới, các hội nghị của G20 thời gian qua được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Năm nay, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị G20 tại Saudi Arabia với tư cách Chủ tịch ASEAN. Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị G20 đã khẳng định sự ủng hộ, tích cực hợp tác của Việt Nam và ASEAN đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch Covid-19, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam là thành viên chủ động và đóng góp có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề chung toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và đưa ra nhiều thông điệp tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 trực tuyến diễn ra ngày 21-22/11.

Đoàn kết đẩy lùi đại dịch

Vấn đề Covid-19 được các nhà lãnh đạo ưu tiên tập trung thảo luận tại hội nghị đầu tiên với chủ đề “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm”.

Tại phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo khẳng định lại các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đặc biệt về Covid-19 ngày 26/3, triển khai mọi biện pháp và nguồn lực cần thiết để bảo vệ mạng sống và sinh kế của người dân, phục hồi tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm; nhất trí bảo đảm vaccine và thuốc đặc trị Covid-19 được tiếp cận bình đẳng và với chi phí phù hợp; hoan nghênh các ngân hàng phát triển đa phương đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước ứng phó dịch Covid-19; cam kết tiếp tục triển khai Sáng kiến hoãn, giảm nợ cho các nước đang phát triển (DSSI) trong năm 2021.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của hệ thống thương mại đa phương trong thúc đẩy thương mại toàn cầu và phục hồi kinh tế, khẳng định ủng hộ chính trị thúc đẩy các cải cách cần thiết của WTO; tăng cường khả năng chống chịu của các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Lãnh đạo nhiều nước cũng đề cập vai trò quan trọng của kinh tế số trong ứng phó dịch Covid-19 và duy trì các hoạt động kinh tế; khẳng định vai trò quan trọng của kết nối và dòng dữ liệu tự do đi đôi với bảo đảm tin cậy trong phát triển kinh tế số.

Mang tới G20 tinh thần của ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng”, tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc hợp tác đa phương, phối hợp chính sách toàn cầu, đoàn kết hành động để đẩy lùi dịch Covid-19. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19 của các nước G20, nhất là thúc đẩy phối hợp chính sách vĩ mô trong phục hồi kinh tế.

Để vượt qua đại dịch và phục hồi bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh cần chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, triển khai đồng bộ và hài hòa phục hồi kinh tế đi đôi với bảo đảm phòng chống dịch.

Về hợp tác y tế, Thủ tướng nhấn mạnh cần có cách tiếp cận bình đẳng và chi phí phù hợp với vaccine và thuốc đặc trị Covid-19, theo đó đề nghị các nước G20 xây dựng thỏa thuận sản xuất vaccine với các đối tác trên toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ cùng với bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vaccine ở quy mô lớn.

Về kinh tế, Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của việc tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế…; ủng hộ hội nhập, tham gia thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm với WTO là trung tâm; đề nghị G20 tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hình thành các khung khổ, thỏa thuận, quy tắc toàn cầu trong quản trị nền kinh tế số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến.

Thực tâm hợp tác, chia sẻ trách nhiệm

Dịch Covid-19 đã khiến các nỗ lực giải quyết tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý suy thoái môi trường, phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết. Đây chính là động lực để các nhà lãnh đạo cùng ngồi lại trong phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có sức chống chịu”.

Các nước tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Hiệp định, trong đó các nước phát triển huy động 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển triển khai Hiệp định.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ xây dựng “nền kinh tế cacbon tuần hoàn”, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, ổn định, an toàn, bền vững với chi phí hợp lý; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giảm suy thoái đất, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh lương thực và quản lý bền vững nguồn nước.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò quan trọng của G20 trong thúc đẩy thực hiện đúng thời hạn Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; tăng cường hơn nữa trao quyền năng cho phụ nữ và thanh niên, bao gồm việc nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy phát triển tài chính bao trùm, thu hẹp khoảng cách số.

Cùng với mong muốn “không để một quốc gia hay người dân nào bị bỏ lại phía sau”, tại phiên thảo luận này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục kêu gọi các quốc gia đoàn kết, xây dựng lòng tin, thực tâm hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung hướng tới phát triển bền vững, bao trùm.

Thủ tướng kêu gọi G20 cùng với sự hợp tác của Liên hợp quốc, WB, IMF, WTO… cần tích cực kiến tạo những nền tảng phát triển mới như chuyển đổi nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… để vượt qua thách thức và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Thủ tướng đề nghị các nước G20 hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận thị trường và các nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nhất là chống suy giảm chất lượng đất, bảo tồn san hô, giảm rác thải nhựa và quản lý bền vững nguồn nước...

Về phía Việt Nam, Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận Paris, nỗ lực giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và có thể giảm tới 27% khi có thêm các nguồn hỗ trợ quốc tế.

“Hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và bao trùm. Điều này chỉ có được khi quan hệ quốc tế được duy trì thông qua hệ thống đa phương dựa trên luật lệ, các quốc gia cùng tôn trọng, hiểu biết, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để G20, Liên hợp quốc và các thể chế đa phương phát huy vai trò trong xử lý các vấn đề toàn cầu trong bối cảnh mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.