📞

Hội nghị thượng đỉnh G7: Một số 'gạch đầu dòng'

Thế Việt 09:49 | 11/06/2021
Còn vài tiếng nữa, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ diễn ra tại khách sạn Carbis Bay, hạt Cornwall, Tây Nam nước Anh và kéo dài đến ngày 13/6. Đây là hội nghị quốc tế lớn đầu tiên diễn ra trực tiếp kể từ khi diễn ra đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019.
Còn vài tiếng nữa, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại khách sạn Carbis Bay, hạt Cornwall, Tây Nam nước Anh và kéo dài đến ngày 13/6. (Nguồn: Reuters)

Các nhà lãnh đạo của 7 quốc gia thành viên đã lên đường đến Cornwall để tham dự Hội nghị quan trọng này.

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh mở rộng, bao gồm 7 quốc gia G7 và các lãnh đạo của Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và Australia sẽ diễn ra vào ngày 12-13/6. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến do đại dịch Covid-19.

Tổng thống Mỹ đã tới Anh hôm 10/6 và có cuộc hội đàm trước Hội nghị với Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng đã đặt chân xuống Anh vào tối 10/6. Phát biểu trước khi lên đường tới Anh, Thủ tướng Suga nói: "Tôi mong muốn có các cuộc thảo luận thẳng thắn với lãnh đạo các nước G7, các nước có chung các giá trị toàn cầu".

Theo Kyodo, Hội nghị lần này sẽ thảo luận về cách thức đối phó với những thách thức toàn cầu như hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cùng sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự là một trong số những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, trong bối cảnh có những quan ngại về việc Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo G7 có kế hoạch công bố một sáng kiến mới cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển như một lựa chọn khác bên cạnh chương trình Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Tuyên bố chung sau Hội nghị sẽ đề cập Đài Loan như một hòn đảo tự trị dân chủ đang phải đối mặt với những áp lực quân sự ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, chương trình nghị sự của Hội nghị cũng sẽ đề cập Nga, Triều Tiên và vụ việc Belarus buộc hạ cánh một máy bay dân sự và bắt giữ một nhà báo đối lập.

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ kêu gọi G7 và Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng Covid-19 toàn cầu trước cuối năm 2022.

Trước đó, Thủ tướng Johnson tiết lộ, các nhà lãnh đạo G7 sẽ nhất trí mở rộng sản xuất toàn cầu vaccine ngừa Covid-19 để cung cấp ít nhất một tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.

(theo Kyodo)