Nhỏ Bình thường Lớn

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội: Câu chuyện chưa kể của lễ tân Ngoại giao

Với các cán bộ và nhân viên Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao), việc thu xếp hậu cần cho một sự kiện tầm cỡ quốc tế không phải là điều gì "ghê gớm". Tuy nhiên, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 lại mang đến cho họ những trải nghiệm hoàn toàn mới.
TIN LIÊN QUAN
hoi nghi thuong dinh my trieu tai ha noi cau chuyen chua ke cua le tan ngoai giao Lễ tân ngoại giao: Sai 1 li sẽ đi… 10 dặm
hoi nghi thuong dinh my trieu tai ha noi cau chuyen chua ke cua le tan ngoai giao Bắt tay không đơn thuần là... bắt tay

Hà Nội, những ngày đầu tháng Ba, khi thế giới đã ít bàn hơn về Hội nghị Thượng đỉnh – Mỹ Triều lần 2 thì những người làm lễ tân cho Hội nghị này vẫn chưa xong việc. Trước mắt họ vẫn còn rất nhiều việc cần giải quyết hậu sự kiện là tâm điểm của thế giới trong suốt hai tuần cuối tháng Hai. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước Mai Phước Dũng -“người đàn ông bị săn lùng” của báo giới vẫn ưu ái dành cho TG&VN những chia sẻ thú vị...

Một cái Tết đầy thấp thỏm

Từ đầu tháng 2/2019, truyền thông quốc tế bắt đầu xuất hiện nhiều đồn đoán về địa điểm cho Thượng đỉnh lần 2 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Những nguồn tin giấu tên liên tục “làm rò rỉ” cho thấy Việt Nam nhiều khả năng sẽ là nơi diễn ra sự kiện này.

hoi nghi thuong dinh my trieu tai ha noi cau chuyen chua ke cua le tan ngoai giao
Ông Mai Phước Dũng (ngoài cùng bên trái) tại sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ngày 5/2, (mùng 2 Tết), trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Trump đã thông báo Việt Nam là nơi diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh, song chưa nói rõ địa điểm cụ thể. Nhớ lại những diễn biến liên quan đến sự kiện, Cục trưởng Dũng tự sự: “Trước Tết Kỷ Hợi, đã xuất hiện nhiều cơ sở cho thấy Mỹ và Triều Tiên có thể chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức cuộc gặp, tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể sẵn sàng trở thành nước chủ nhà cho sự kiện này về mặt tinh thần chứ chưa thể triển khai bất cứ công tác chuẩn bị nào, cho đến khi có đề nghị chính thức từ cả hai phía”.

Ông chia sẻ: “Có thể nói, Tết Kỷ Hợi là cái Tết đầy thấp thỏm, không chỉ đối với dân làm lễ tân Nhà nước, mà cả với cánh báo chí nói chung. Đặc biệt là khi hai đối tác chính của sự kiện đều đã quá nổi tiếng với những quyết định “khó lường” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên”.

Bốn ngày sau, nguyên thủ Mỹ chính thức đăng lên Twitter: "Đặc phái viên của tôi vừa rời Triều Tiên sau một cuộc họp rất hiệu quả và đã thống nhất về thời gian và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh lần hai với ông Kim Jong-un. Cuộc gặp sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 27 và 28/2”. Có thể nói, đó chính là lúc cuộc chạy đua với thời gian để đảm bảo công tác lễ tân – hậu cần cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều chính thức bắt đầu.

Từ những manh mối ít ỏi...

Trong công tác Lễ tân ngoại giao, việc hiểu đối tác và nắm được những sở trường, sở đoản... của đối tác đóng vai trò quan trọng quyết định cho thành công của nhiệm vụ. “Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chúng tôi đã từng triển khai việc tiếp đón ông ấy trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Vì vậy, để chuẩn bị đón tiếp ông tại Hà Nội lần này, chúng tôi không gặp khó khăn nào đáng kể. Tuy nhiên, đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chúng tôi gần như không có thông tin nào đáng kể về cá nhân ông ấy. Chính vì vậy, tôi đã được tham dự đoàn tháp tùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh thăm chính thức Triều Tiên, từ ngày 12-14/2. Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu tất cả thói quen, sở thích của ông ấy để công tác lễ tân, hậu cần trong thời gian ông ở thăm Hà Nội được chu đáo” – Cục trưởng Mai Phước Dũng cho biết.

Thế nhưng, mọi chuyện không như ông Dũng hình dung. Hay nói cách khác, mọi hình dung của ông về những công việc phải làm đều khác xa thực tế. “Dù tất cả mọi thứ đã diễn ra đúng như kịch bản chính thức của nước chủ nhà. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì phát sinh những vấn đề mà chúng tôi chưa từng trải qua. Điều này rất thú vị và là kinh nghiệm tốt cho chúng tôi trong triển khai việc tổ chức các sự kiện quốc tế sau này” – ông Dũng chia sẻ.

Đoàn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đến Bình Nhưỡng từ ngày 12/2 sẽ lên máy bay trở về Hà Nội vào trưa 14/2. Tuy nhiên, trong suốt chuyến thăm, trong khi trưởng đoàn Phạm Bình Minh làm việc với phía bạn về quan hệ song phương, ông Mai Phước Dũng không tìm được bất kỳ thông tin nào cho mục đích chuyến đi của riêng mình. Đến trước khi đoàn rời Bình Nhưỡng, phía bạn mới thông báo khẳng định việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ tại Hà Nội. “Trên đường về, đoàn qua Bắc Kinh. Tại đây, thật may, một nguồn tin riêng đã cho tôi biết về một số sở thích của ông Kim Jong-un. Những thông tin này vô cùng hữu ích cho chúng tôi để chuẩn bị việc đón tiếp được chu đáo”.

...đến “cuộc chiến” 10 ngày

Nói công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội là một “cuộc chiến” đối với những người làm lễ tân – hậu cần quả không ngoa. Nếu như công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tiến hành trong suốt 3 năm rưỡi, thì 10 ngày là toàn bộ quỹ thời gian của Việt Nam khi chính thức trở thành nước chủ nhà cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.

Trầm ngâm trước câu hỏi: “Lần đầu lo đón tiếp hai nhà lãnh đạo quốc tế trong một sự kiện mà cả thế giới trông vào, ông có “run” không?”. Ông trả lời: “Run thì không, bởi đây không phải lần đầu Việt Nam đăng cai một sự kiện quốc tế lớn. Chúng tôi đã làm tốt công tác lễ tân – hậu cần cho các sự kiện như APEC 2017, WEF ASEAN 2018... Nhưng, ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, có một số tình tiết chưa từng có trong kịch bản”.

Câu chuyện của Cục trưởng Mai Phước Dũng về những điều mà ông nói rằng “chưa từng có” trong cuộc đời làm lễ tân ngoại giao của mình chiếm quá nửa thời lượng cuộc trò chuyện của chúng tôi. Từ chuyện các khách sạn lớn tại Hà Nội đều báo đã kín khách đặt trong thời gian dự kiến diễn ra Hội nghị, hay địa điểm chính tổ chức Hội nghị... đến công tác chuẩn bị đón đoàn tàu bọc thép của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). “Việc lo đủ phòng khách sạn theo đúng số lượng và yêu cầu của hai phía khiến chúng tôi đôn đáo suốt 1 tuần lễ (từ 16-22/2) mới tạm ổn. Có những lúc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải “vào cuộc”, trực tiếp “thương thảo” với các khách sạn lớn để họ thu xếp lại với các khách hàng đã và đang lưu lại trong khách sạn của mình, dành đủ số phòng theo yêu cầu của hai đoàn Mỹ và Triều Tiên” – Cục trưởng Mai Phước Dũng chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo bí mật đến phút chót cho một số hoạt động của hai nhà lãnh đạo trong bối cảnh gần 3.000 nhà báo quốc tế “đổ bộ” vào Việt Nam cũng khiến các đầu mối triển khai hậu cần luôn trong tình trạng “báo động” vì sợ lọt thông tin ra ngoài, ảnh hưởng đến việc triển khai cũng như an ninh của sự kiện.

Phần thưởng lớn nhất là niềm tin

Nhìn lại quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều của Việt Nam, từ việc lo nơi ăn chốn ở cho hai đoàn chỉ trong một tuần lễ, đến khánh thành Trung tâm Báo chí Quốc tế (IMC) rất quy mô và hiện đại chỉ trong 5 ngày thi công, hay thu xếp chuyến thăm một loạt các mô hình sản xuất của Việt Nam cho Đoàn cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên trong thời gian diễn ra sự kiện..., ông Mai Phước Dũng nhận định: “Đó là một kỳ tích!”.

“Ban đầu, khi đoàn tiền trạm của Triều Tiên đến Hà Nội làm việc với chúng tôi, tôi có thể cảm nhận được phía bạn khá e dè – theo cách của các bạn từ trước đến nay. Có thể ban đầu phía bạn không tin chúng ta làm được, đặc biệt là việc bảo đảm an toàn cho sự kiện... Tuy nhiên, chúng ta đã làm rất tốt, trên cả kỳ vọng của cả phía Mỹ và Triều Tiên. Các cơ quan hữu quan và các địa phương đã phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, ăn ý. Đặc biệt là sự nhiệt tình của Lãnh đạo Hà Nội và sự chu đáo, nhạy bén của các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương đã góp phần làm nên thành công chung của nước chủ nhà” - người đứng đầu Cục Lễ tân Nhà nước khẳng định.

Chia tay Cục trưởng Mai Phước Dũng khi trên bàn ông vẫn bộn bề các công văn, tờ trình về các vấn đề hậu cần sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Với cái giọng sang sảng và tinh thần phấn khởi “như cày xong thửa ruộng”, ông nói: “Phần thưởng lớn nhất cho vai trò chủ nhà của Việt Nam trong sự kiện Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này chính là niềm tin của không chỉ hai đối tác Mỹ - Triều, mà còn của cả thế giới, đối với Việt Nam - trong vai trò là Đối tác vì Hòa Bình. Trong một thế giới đầy bất trắc, Việt Nam đã khẳng định, dải đất hình chữ S không chỉ là một điểm đến an toàn mà còn đủ năng lực và trình độ tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, cũng như đang nỗ lực đóng góp cho hòa bình thế giới”.

hoi nghi thuong dinh my trieu tai ha noi cau chuyen chua ke cua le tan ngoai giao Truyền hình Triều Tiên phát sóng phim tài liệu về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

​Truyền thông Triều Tiên đã phát sóng một bộ phim tài liệu về Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un ...

hoi nghi thuong dinh my trieu tai ha noi cau chuyen chua ke cua le tan ngoai giao Tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Vai trò và vị thế Việt Nam đã khác

“Tổ chức thành công Hội nghị đã góp phần thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam, tạo đà để Việt Nam ...

hoi nghi thuong dinh my trieu tai ha noi cau chuyen chua ke cua le tan ngoai giao Nhà Trắng khẳng định thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

Ngày 3/3, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton lên tiếng khẳng định thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ...

Khánh Nguyễn (ghi)