Châu Phi có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nguồn nhân lực lao động và truyền thống văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và nội chiến, xung đột sắc tộc, đảo chính… khiến nhiều quốc gia của châu lục rơi vào tình trạng bất ổn về an ninh, lương thực, giáo dục, y tế, môi trường…
Cả hai mặt là những lý do thu hút cộng đồng quốc tế chú ý và can dự vào châu Phi. Liên hợp quốc hỗ trợ nhân đạo, đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực. Châu Phi trở thành địa bàn quen thuộc của Mỹ và nhiều nước phương Tây. Nga, Trung Quốc cũng gia tăng hiện diện và ảnh hưởng ở đây. Năm 2019 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ nhất ở Sochi, Nga. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến công du đến 10 quốc gia châu Phi.
Bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, nhất là xung đột ở Ukraine và đối đầu giữa Nga với phương Tây, tác động mạnh mẽ đến khung khổ quan hệ Nga-châu Phi, đòi hỏi cả hai bên phải điều chỉnh quan điểm và hành động trước các vấn đề quốc tế và song phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi tại Saint Petersburg ngày 28/7. (Nguồn: Reuters) |
Tình hình đó thu hút sự quan tâm, không chỉ của người trong cuộc mà cả cộng đồng quốc tế đối với Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai, từ ngày 27-29/7 tại Saint Petersburg, Nga. Diễn biến, tuyên bố chung, những văn kiện được ký kết và các cuộc gặp gỡ song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh đã truyền đi những thông điệp đáng chú ý, với các góc nhìn khác nhau.
Thứ nhất, hợp tác kinh tế là một trọng tâm nổi bật, với nhiều kết quả quan trọng. Song song với Hội nghị Thượng đỉnh là Diễn đàn kinh tế và nhân đạo Nga-châu Phi. Các bên tập trung thảo luận và ký kết các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế. Nga cam kết cung cấp lương thực, phân bón, các nguồn năng lượng và dự án thúc đẩy phát triển quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ lương thực nhân đạo cho 6 quốc gia châu Phi khó khăn nhất. Những cam kết đó không chỉ giúp giải quyết khó khăn về kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo đảm chủ quyền của các quốc gia châu Phi.
Để bảo đảm cho hoạt động kinh tế, thương mại, hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, hai bên thống nhất sử dụng đồng tiền quốc gia; thiết lập các hành lang logistics và các trung tâm trung chuyển nông sản, hàng hóa. Đây là cơ sở, nền tảng cho quan hệ kinh tế hai chiều lâu dài giữa Nga và châu Phi.
Tuyên bố chung hoan nghênh cam kết về kinh tế của Nga, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, cả trước mắt và lâu dài của châu Phi. Đó là điều nổi bật, dễ nhận thấy và có ý nghĩa không chỉ với châu Phi. Nhưng Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi không chỉ có vấn đề kinh tế.
Thứ hai, hợp tác toàn diện, đa dạng hóa các mối quan hệ. Trong 74 điểm cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên, tuyên bố chung định dạng cơ chế “đối tác đối thoại” về chính trị, kinh tế và khoa học công nghệ. Hai bên thống nhất quan điểm về nhiều vấn đề lớn về an ninh của thế giới và khu vực như ngăn chặn chạy đua vũ trang trên vũ trụ, hợp tác bảo đảm an ninh thông tin quốc tế và tăng cường hợp tác chống khủng bố.
Các nhà lãnh đạo châu Phi hoan nghênh sự hỗ trợ, ủng hộ, hợp tác toàn diện của Nga. Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Azali Assoumani tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải, thuyết phục Kiev giải quyết xung đột với Moscow. Nga ủng hộ châu Phi trở thành một trung tâm quyền lực mới, mở rộng vai trò trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ chế quốc tế quan trọng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi. (Nguồn: AP) |
Thứ ba, định dạng củng cố quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác lâu dài. Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai quyết định nhiều vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài cho khung khổ quan hệ Nga-châu Phi, trước những biến động phức tạp của thế giới và khu vực.
Đó là, tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 năm/lần và tổ chức hội nghị nghị viện quốc tế thường niên; thông qua Kế hoạch hành động chung của Diễn đàn đối tác Nga-châu Phi giai đoạn 2023-2026. Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa Liên minh Á-Âu và khu vực thương mại tự do châu Phi được hình thành trong khuôn khổ của Liên minh châu Phi. Sự kết nối tạo điều kiện cho châu Phi phát triển, tăng cường quan hệ đa phương với các cơ chế mà Nga là một trong những nhân tố quan trọng.
Thứ tư, hợp tác hai bên cùng có lợi. Tăng cường quan hệ với Nga, châu Phi không những có điều kiện giải quyết khó khăn về lương thực, phân bón, tài chính, thương mại mà còn mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác như khoa học, công nghệ, y tế, môi trường, an ninh… Quan hệ gắn bó giữa châu Phi với Nga sẽ buộc Mỹ và các đối tác lớn khác phải điều chỉnh quan điểm, dành sự chú ý lớn hơn đối với khu vực. Qua đó, nâng cao vị thế của châu Phi trên trường quốc tế.
Hợp tác, hỗ trợ châu Phi, Nga cũng thu được lợi ích lớn về nhiều mặt. Trước hết là củng cố, mở rộng một thị trường nhiều tiềm năng. “Ngoại giao ngũ cốc” và cam kết ủng hộ, đề cao vai trò của châu Phi trên trường quốc tế, tranh thủ được thiện cảm của lãnh đạo và người dân, giúp Nga thu hút thêm đồng minh, đối tác và gia tăng ảnh hưởng lâu dài ở một địa bàn chiến lược. Tăng thêm sức hút đối với ngọn cờ thiết lập trật tự thế giới mới dựa trên “sự đa cực và bình đẳng” của Nga, thách thức với phương Tây.
Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng về chính trị, ngoại giao, trong điều kiện Nga bị phương Tây trừng phạt, cô lập; Tổng thống Putin đã phải quyết định không trực tiếp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Nam Phi trong tháng 8.
Đây còn là lời đáp trả cáo buộc của phương Tây nói Nga là nhân tố gây mất an ninh lương thực trên thế giới và ở châu Phi. Cùng với tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, mở rộng BRICS và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai…, được các chuyên gia đánh giá là chuỗi các phản ứng của Nga đối với các quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania và một loạt động thái gần đây của Mỹ, Ukraine và các đồng minh.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai không chỉ có màu hồng. (Nguồn: AFP) |
Thứ năm, có các góc nhìn khác nhau về kết quả và ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai. Nhiều đánh giá khách quan, tích cực về tác động của hội nghị, không chỉ với Nga, châu Phi mà còn với thế giới. Nhưng cũng có một số chuyên gia, học giả phương Tây cho rằng, hội nghị không chỉ toàn màu hồng.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai có sự tham dự của 49 đoàn đại biểu trên tổng số 54 quốc gia châu Phi và chỉ có 17 nguyên thủ, giảm nhiều so với lần thứ nhất. Theo chuyên gia, học giả, điều đó cho thấy tác động của phương Tây, tình hình phức tạp của khu vực và sự quan ngại của một số nhà lãnh đạo châu Phi trước tác động từ xung đột ở Ukraine.
Mặc dù không trực tiếp chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ucraine, nhưng các nhà lãnh đạo châu Phi đã thể hiện quan điểm chung, đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ hơn đến Tổng thống Putin. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat nhấn mạnh, “cuộc chiến này phải kết thúc. Và nó chỉ có thể kết thúc trên cơ sở công lý và lý trí”. Đồng thời, thúc giục Tổng thống Putin xúc tiến kế hoạch chấm dứt xung đột và nối lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Trước đó, tháng 6, đại diện lãnh đạo châu Phi cũng đã gặp Tổng thống Nga và đề xuất sáng kiến chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tổng thống Putin ghi nhận sáng kiến của các nhà lãnh đạo châu Phi, nhưng cho rằng khó thực hiện bởi quan điểm và hành động phương Tây và Ukraine. Có những điểm khác nhất định trong cách tiếp cận giải quyết xung đột ở Ukraine và đối đầu giữa Nga với phương Tây.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ nhất cách đây 4 năm cũng đưa ra nhiều cam kết. Nhưng vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, mà hiệu quả thực hiện chưa tương xứng. Kim ngách thương mại năm 2022 giữa Nga và châu Phi mới đạt 18 tỷ USD; đầu tư Nga chỉ chiếm 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài; viện trợ nhân đạo cũng còn hạn chế… Muốn đạt được mục đích của Hội nghị lần này, Nga phải nỗ lực nhiều hơn.
Qua Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai, các chuyên gia, học giả quốc tế cho rằng, Nga đang gia tăng vai trò, ảnh hưởng, nhưng cũng chịu áp lực lớn hơn và châu Phi đang thể hiện ngày càng quyết đoán hơn trong các vấn đề quốc tế. Không chỉ Nga mà phương Tây cũng phải chú ý đến điều đó.