Nhỏ Bình thường Lớn

Vaccine Covid-19: Thủ tướng Ấn Độ tiêm liều đầu tiên, EC sắp 'chốt' hộ chiếu vaccine điện tử?

TGVN. Sáng 1/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được tiêm vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mũi đầu tiên tại Viện Nghiên cứu y tế quốc gia AIIMS ở thủ đô New Delhi.
 Sáng 1/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được tiêm vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mũi đầu tiên tại Viện Nghiên cứu y tế quốc gia AIIMS ở thủ đô New Delhi. (Nguồn: TOI)
Sáng 1/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được tiêm vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mũi đầu tiên tại Viện Nghiên cứu y tế quốc gia AIIMS ở thủ đô New Delhi. (Nguồn: TOI)

Theo Viện Nghiên cứu y tế quốc gia AIIMS, vaccine được sử dụng để tiêm cho Thủ tướng Narendra Modi là Covaxin do công ty dược Bharat Biotech phát triển. Covaxin là một trong hai loại vaccine đã được Ấn Độ thông qua để phòng Covid-19 trong nước.

Trên trang Twitter cá nhân, ông Modi viết: "Tôi đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Đáng chú ý là cách các bác sĩ và nhà khoa học của chúng ta đã làm việc trong thời gian rất ngắn để giúp cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19 sớm kết thúc. Tôi kêu gọi tất cả những ai có đủ điều kiện hãy đi tiêm phòng. Cùng nhau, chúng ta hãy giúp Ấn Độ vượt qua đại dịch Covid-19".

Từ ngày 1/3, Ấn Độ cũng chính thức bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 với nhóm đối tượng trên 60 tuổi cùng những người từ 45 đến 59 có mắc các bệnh lý nền.

Trong giai đoạn 2 của chương trình tiêm chủng, chính phủ Ấn Độ cũng mở rộng số điểm tiêm chủng vaccine tới hơn 16.000 bệnh viện công lập và tư nhân trên cả nước nhằm tăng tốc độ tiêm chủng.

Ấn Độ đã phê duyệt giấy phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vaccine ngừa Covid-19 là Covishield do Đại học Oxford/AstraZeneca nghiên cứuvà Covaxin do Bharat Biotech phát triển.

Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người từ nay đến cuối tháng 6/2021. Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng tại quốc gia Nam Á này, đã có 14 triệu người được tiêm mũi đầu, trong đó chủ yếu là nhân viên y tế và các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh.

Cùng ngày 1/3, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm liều vaccine phòng bệnh Covid-19 được phân phối theo cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX do Liên hợp quốc dẫn dắt nhằm hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận vaccine trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Theo kế hoạch, Ghana sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm chủng trên toàn quốc từ ngày 2/3.

Trước đó, ngày 24/2, Ghana là quốc gia đầu tiên tiếp nhận lô vaccine đầu tiên gồm 600.000 liều vaccine AstraZeneca trong COVAX.

Tháng 2/2021, Ghana đã cấp phép sử dụng sử dụng vaccine AstraZeneca được ủy quyền cho Viện Serum của Ấn Độ sản xuất cùng với vaccine Sputnik V của Nga. Quốc gia Tây Phi này cũng đã đề ra mục tiêu đến cuối năm 2021, tiêm chủng cho 20 đến 30 triệu người dân nước này.

Trong khi đó, Bộ Y tế Syria cho biết đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các nhân viên y tế tuyến đầu, nhưng không nêu cụ thể nguồn gốc vaccine sử dụng.

Giới chức y tế nước này cho biết Syria đã ký hợp đồng với Nga và Trung Quốc về vaccine, nhưng chưa có thỏa thuận song phương nào được công bố.

Tại Indonesia, chính quyền đảo Bali đã khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, trong đó ưu tiên lực lượng nhân viên y tế khi địa phương này chuẩn bị mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài.

Mục tiêu của chương trình là tiêm chủng cho khoảng 5.000 y, bác sĩ làm việc tại các bệnh viện và những người cung cấp dịch vụ đi chung xe.

Tháng 1/2021, Indonesia đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân nước này. Nước này có kế hoạch tiêm chủng cho hơn 180 triệu dân trong tổng số gần 270 triệu dân.

Vaccine Covid-19: Thủ tướng Ấn Độ tiêm liều đầu tiên,
Ủy ban châu Âu dự kiến công bố đề xuất cụ thể về việc cho ra đời hộ chiếu vaccine điện tử trên toàn EU. (Nguồn: EU News)

Liên quan đến "hộ chiếu vaccine", trong tháng 3 này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố đề xuất cụ thể về việc cho ra đời hộ chiếu vaccine điện tử trên toàn Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã công bố thông tin trên trong cuộc họp trực tuyến ngày 1/3 với các nghị sĩ đảng bảo thủ của Đức.

Ý tưởng về việc sử dụng "hộ chiếu vaccine", theo đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được tự do đi lại, đang gây chia rẽ cộng đồng quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi một số quốc gia ủng hộ ý tưởng này, coi đây là lối thoát cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn, một số quốc gia khác lại bày tỏ nghi ngại bởi đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới được chủng ngừa.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến nay vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng "hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng hộ chiếu vaccine bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.

Cũng trong ngày 1/3, tại cuộc họp với bà Veronika Skvortsova - người đứng đầu Cơ quan Y - Sinh Liên bang Nga (FMBA), Tổng thống Vladimir Putin khẳng định các loại vaccine phòng Covid-19 của Nga hiệu quả đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Bà Skvortsova trích dẫn các dữ liệu nghiên cứu xác nhận rằng các loại vaccine đều hiệu quả đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết Nga sẽ đáp ứng tất cả những yêu cầu từ nước ngoài về việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19.

TIN LIÊN QUAN
Nam Phi giữa 'ngã ba đường' trong ngoại giao vaccine Covid-19
Vaccine Covid-19 Sputnik-Light chính thức nộp đơn đăng ký tại Nga
Philippines tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc
Hoàng tử Anh cảnh báo thận trọng với thông tin sai về vaccine trên mạng
Covid-19: Philippines gia hạn biện pháp hạn chế tại thủ đô, Campuchia tăng cường giám sát y tế

(tổng hợp)