📞

Hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới

Linh Chi 18:26 | 05/10/2021
Hội nhập kinh tế quốc tế là bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới và là một trong những chủ trương lớn của Đảng. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện đã trở thành động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định vị thế của Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. (Nguồn: Vietnamplus)

Về lĩnh vực kinh tế, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ, Việt Nam cần giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối chiến lược phát triển kinh tế của đất nước; phát triển kinh tế Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia.

Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Dấu ấn Việt Nam trên "đại lộ" hội nhập

Thực tế cho thấy, suốt chặng đường 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã chủ động và tích vực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực như gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995; là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế Á-Âu (ASEM) năm 1998; trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đã đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Độ mở của nền kinh tế của Việt Nam được đánh giá là cao trên thế giới với tỷ trọng xuất, nhập khẩu trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) là hơn 200%.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong quốc gia có mức hội nhập kinh tế ở mức rất cao, khi tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, nổi bật như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mới đây là FTA giữa Việt Nam, Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).

Để tham gia mạng lưới FTA rộng lớn như vậy, Việt Nam đã căn bản hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu, chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Thực tế hơn 35 năm đổi mới cũng thể hiện, việc mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng cũng tạo áp lực để Việt Nam cải cách thành công.

Song song với đó, mở cửa, hội nhập quốc tế cũng góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được. Điều này cũng đã khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như ghi dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong suốt thời gian qua.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái nhận định, đến nay, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại-đầu tư song phương cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.

Với hàng loạt các FTA đang thực thi và đàm phán, Việt Nam đã trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cũng đánh giá, việc khai thác các FTA của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững thành công. Đó chính là nguồn lực lớn để kinh tế Việt Nam tiếp đà trong những giai đoạn tiếp theo.

"Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của đại dịch, Việt Nam vẫn đứng trước thách thức nặng nề khi độ mở của nền kinh tế rất cao, tới 200%. Nhưng các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia sẽ mở ra những cánh cửa mới, góp phần đưa Việt Nam trở thành một 'mắt xích' quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu và chuỗi giá trị toàn cầu", ông Trần Thanh Hải nhận định.

Bên cạnh tham gia vào các FTA, trong quá trình hội nhập kinh tế ASEAN, Việt Nam cũng đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng khi hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN trong các năm 1998, 2010 và mới đây là năm 2020. Năm 1998, chỉ 3 năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của khối, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6.

Kế hoạch hành động Hà Nội được đưa ra tại Hội nghị đã giúp duy trì sự hợp tác và tăng cường vị thế của hiệp hội trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Và trong năm 2010, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, đặc biệt trong việc thúc đẩy tiến trình thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Định hướng hội nhập kinh tế giai đoạn mới

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm Đổi mới và 25 năm hội nhập quốc tế kể từ khi chúng ta tham gia ASEAN, với vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được khẳng định, đất nước ta bước sang giai đoạn tham gia liên kết kinh tế quốc tế với một tâm thế hoàn toàn mới.

Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến sâu sắc, phức tạp; cơ hội và thách thức đan xen. Để tận dụng và phát huy hơn nữa những thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua, nâng tầm sự tham gia, đóng góp và vai trò của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần tập trung vào một số định hướng sau:

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu cho việc thực thi hiệu quả các cam kết trong các FTA và tại các cơ chế hợp tác kinh tế mà chúng ta là thành viên. Việc thực thi cam kết trong môi trường quốc tế biến động, cạnh tranh gay gắt đặt chúng ta trước nhiều vấn đề mới, phức tạp có thể phát sinh như tranh chấp thương mại, đầu tư, công nghệ, các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường…, đòi hỏi chúng ta phải nắm chắc quy định quốc tế và trong nước, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, từ trung ương, đến địa phương để xử lý phù hợp và hiệu quả.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng mạng lưới liên kết, hội nhập kinh tế song phương và đa phương với các đối tác và tổ chức trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của liên kết kinh tế tầm toàn cầu, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ ba, cần nỗ lực và chủ động tham gia quá trình định hình cấu trúc khu vực, xây dựng các khuôn khổ, quy định quản trị kinh tế ở tầm khu vực, liên khu vực và toàn cầu; đóng góp hiệu quả, trách nhiệm vào giải quyết những vấn đề chung, nhất là bảo đảm hệ thống thương mại đa phương tự do, mở và dựa trên luật lệ, cải cách WTO, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm...

Cần chủ động tham gia xây dựng các khuôn khổ, quy định quốc tế về quản trị kinh tế số và chuyển đổi số, trên cơ sở phù hợp với lợi ích của ta. Tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương “tham gia định hình các thể chế đa phương” và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Trong giai đoạn chiến lược mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế đất nước. Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển sẽ tiếp tục là một nhiệm vụ trọng yếu của ngành, trên tinh thần sắc bén và toàn diện trong nhận định và nắm bắt xu thế; chiến lược và tầm nhìn trong tham mưu chính sách; quyết liệt và tiên phong trong tổ chức triển khai.

Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục nỗ lực, tận dụng và phát huy tiềm lực, vai trò và vị thế của đất nước để đóng góp thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách và mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra".