Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam năm 2018, với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - Chủ động, Đổi mới, Thiết thực và Hiệu quả” diễn ra ngày 4/12, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam năm 2018. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Sự kiện thu hút sự tham dự của khoảng 400 đại biểu trong nước và quốc tế là lãnh đạo, chuyên gia thuộc các Bộ, ngành, địa phương và Đại sứ, tham tán thương mại của 16 quốc gia có quan hệ FTA với Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.
Tình trạng bình thường mới
Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã có bước tiến trong chuẩn bị thực thi các FTA thế hệ mới, trong đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào tháng 3/2018 và đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 11/2018, để chính thức có hiệu lực thực thi vào ngày 14/1/2019.
Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất tách Hiệp định bảo hộ đầu tư ra khỏi FTA vào tháng 6/2018 để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định này…
Trong khi đó, trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU… đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, có nguy cơ tác động sâu sắc đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
Trong tình hình đó, theo nhận định của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Việt Nam hiện nay đang ngày càng gắn kết sâu rộng hơn với thế giới, là nền kinh tế có độ mở cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á, là một mắt xích trong các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực quan trọng, đồng thời là thành viên của nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu lớn. Do đó, những biến động trong tình hình kinh tế và chính trị thế giới hiện nay sẽ có tác động lớn và ngay lập tức đối với tiến trình hội nhập của đất nước. Trong các diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và tác động đa chiều của truyền thông hiện nay, chúng ta cần có cái nhìn tỉnh táo, cân bằng để nắm rõ các hiện tượng và bản chất của các sự kiện, từ đó có các đối sách phù hợp cho tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định, những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới nêu trên đặt ra những cơ hội không nhỏ cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và liên kết quốc tế của chúng ta ngày càng sâu rộng. Tuy vậy, Thứ trưởng Thanh Sơn không cho rằng, thách thức, khó khăn sẽ ít đi, trái lại đang và sẽ tiếp tục ngày càng gia tăng, trở thành tình trạng bình thường mới, tác động đến tất cả các nước, nhất là các quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam, song chúng ta đang có những vận hội mới không hề nhỏ để tiếp tục hội nhập, phát triển đất nước.
7 kiến nghị để tận dụng tốt vận hội
Để tận dụng được những vận hội đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu bật 7 kiến nghị.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tham luận tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam năm 2018. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ nhất, xử lý tốt mối quan hệ giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia. Việc thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng đang tạo sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Vấn đề lớn đặt ra là làm sao thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới để tăng cường được nội lực, nâng cao được năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều “gen Việt” trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ, có năng lực thích nghi và điều chỉnh linh hoạt trước những biến động kinh tế thế giới và khu vực. Việc đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh là tiền đề và là giải pháp quyết định để nâng cao nội lực nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của hội nhập quốc tế.
Thứ hai, cuộc CMCN 4.0 là cơ hội rất lớn để chúng ta đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định vị đất nước ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Đây chính là những nhân tố thuận lợi để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 nhằm tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập và phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn sau 2020. Do vậy, vấn đề đặt ra cho chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay và những năm tới là tìm động lực mới cho phát triển gắn với CMCN 4.0 và lợi thế của đất nước như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, các ngành dịch vụ được phát triển từ CMCN 4.0 (thương mại điện tử, chuỗi cung ứng và vận tải thông minh, công nghệ tài chính…), y tế, du lịch chất lượng cao… Phát triển những lĩnh vực này không chỉ tạo nhiều việc làm mới, mà còn tạo nhu cầu và thị trường cho đổi mới, sáng tạo công nghệ.
Thứ ba, chúng ta cần kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa để góp phần xây dựng một trật tự quốc tế, khu vực hòa bình, ổn định, dựa trên luật pháp quốc tế, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và đang ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Đây là những nội dung phức tạp, đòi hỏi các Bộ, ngành cần phối hợp, nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ.
Thứ tư, Việt Nam cần chủ động có biện pháp thích ứng với những tác động đa chiều của cọ xát thương mại Mỹ - Trung; chú trọng mở rộng các hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, đi đôi với nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động từ bên ngoài.
Toàn cảnh Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam năm 2018. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ năm, hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, trong đó doanh nhân, doanh nghiệp là lực lượng đi đầu. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần nỗ lực hoàn thiện, thực hiện quyết liệt, hiệu quả và thực chất các cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ tốt cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế. Ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác Ngoại giao kinh tế lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ sáu, việc xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ hội nhập theo hướng chuyên nghiệp, bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, kỹ năng thời đại số trở nên rất cấp bách và cần thiết. Mọi sự hợp tác, hỗ trợ của các bạn bè quốc tế trong lĩnh vực nâng cao năng lực đều được hoan nghênh.
Cuối cùng, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, liên ngành hiệu lực và hiệu quả có ý nghĩa then chốt trong việc giúp chúng ta tranh thủ được những cơ hội và hóa giải được các thách thức mà tình hình đang đặt ra đối với tiến trình hội nhập của đất nước. Bên cạnh đó, công tác nâng cao nhận thức và năng lực của các doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội từ hội nhập là một trong những yêu cầu cấp bách.