📞

Hội nhập quốc tế: Ngành KH&CN phải tự vươn mình

06:00 | 30/05/2017
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã gõ cửa trước thềm nhà, muốn hay không muốn chúng ta cũng phải đối mặt. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu khoa học phải thể hiện trách nhiệm và năng lực của mỗi cá nhân để Việt Nam ứng dụng, triển khai các thành tựu khoa học công nghệ (KH&CN) tiên tiến trong thế chủ động, tự tin.
PGS. TS Nguyễn Văn Nhã (Ảnh: NVCC)

Nhiều mảng màu trầm lắng

Nhìn ra các nước, bằng việc áp dụng các chính sách ưu đãi trọng dụng cán bộ KH&CN, họ đã có bước phát triển thần kỳ trong tất cả lĩnh vực.

Hàn Quốc, từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20 đã quyết tâm thực hiện chính sách mời các nhà khoa học Hàn Quốc đang làm việc tại nước ngoài về nước làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Trong đó, lương họ nhận được cao gấp ba lần so với các giáo sư trong nước, kèm theo các chế độ đãi ngộ khác về nhà ở, đầu tư cơ sở vật chất. Kết quả chỉ sau 40 năm, Viện KIST đã trở thành 1 trong 10 viện hàng đầu thế giới. Đồng thời, Hàn Quốc cũng trở thành quốc gia công nghiệp hóa thành công nhất.  

Còn Trung Quốc hiện nay đang cải cách thể chế hóa khoa học và xây dựng hệ thống nhà nước sáng tạo. Trong đó, họ tập trung hoàn thiện cơ chế phát triển nhân tài, khuyến khích nhà khoa học tích cực sáng tạo, thu hút các nhà khoa học Hoa kiều về nước làm việc với mức lương cao không kém mức lương của họ ở các nước phát triển…

Nhìn vào thực trạng hoạt động KH&CN Việt Nam, mặc dù có những điểm sáng tích cực nhưng vẫn còn nhiều mảng màu trầm lắng, thể hiện ở các chỉ số về tiềm lực, năng lực và kết quả đạt được còn khiêm tốn.

Số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu và phát triển có khoảng trên 62 nghìn người.  Tính đến hết năm 2012, cả nước có 2.202 tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký hoạt động (công lập chiếm hơn 80%) và 419 trường đại học và cao đẳng.

Số lượng cán bộ nghiên cứu và phát triển của Việt Nam dù đã gia tăng nhưng còn rất khiêm tốn so với các nước như Hoa Kỳ (hơn 1,4 triệu người), Trung Quốc (1,2 triệu người), Nhật Bản (656 nghìn người), Nga (442 nghìn người), Đức (327 nghìn người), Hàn Quốc (264 nghìn người ), Pháp (234 nghìn người).

Hàng năm, nhà nước luôn ưu tiên bố trí đủ 2% tổng chi ngân sách nhà nước dành cho KH&CN. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng lực của đội ngũ nhân lực KH&CN nhìn chung còn nhiều tồn tại. Trong khi đó, cán bộ KH&CN trong nước vẫn chưa được trọng dụng, chưa có chính sách hợp lý về thu hút trí thức Việt Kiều.

Chất lượng và hiệu quả nghiên cứu của các tổ chức KH&CN chưa cao. Chức năng nghiên cứu khoa học chưa được coi trọng trong các trường đại học. Đồng thời, nước ta vẫn thiếu các đại học nghiên cứu trình độ quốc tế. Không chỉ vậy, việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm.

Cụ thể, số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm (2008-2012) là 6.356 ( kém Thái Lan 4 lần, kém Singapore 7 lần, kém Nhật Bản 57 lần và kém Hoa Kỳ 256 lần). Số lượng đơn sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2001-2010 ở Việt Nam là 1.665 đơn, trong khi có 20.057 đơn của người nước ngoài. Số bằng độc quyền sáng chế được cấp của người Việt Nam còn thấp hơn nhiều, chỉ đạt 257 văn bằng, kém 27 lần so với số văn bằng được cấp của người nước ngoài (là 6.997).

Về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, năm 2013, Việt Nam xếp thứ 70/148 quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 76/141 quốc gia. Trong khi Singapore ở top 3 thế giới và các nước Malaysia, Thái Lan đều đứng trên Việt Nam. 

Vì đâu nên nỗi?

Thứ nhất, nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN, đặc biệt là về đổi mới sáng tạo còn hạn chế ở Việt Nam. KH&CN chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Thay vào đó, tính cạnh tranh của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào phát triển theo chiều rộng, thâm dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có và tăng vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, sự duy trì bao cấp của nhà nước và độc quyền thực tế của doanh nghiệp nhà nước không tạo động lực đủ mạnh để các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ. Ngoài ra, việc chưa có chính sách đồng bộ, hiệu quả để phát triển nhanh lực lượng doanh nghiệp KH&CN cũng là một cản trở lớn đối với nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

Thiếu quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên. Số lượng các nhà khoa học đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao và hiện đang tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính chuyên nghiệp ít và ngày càng suy giảm. Trong khi đó, các cán bộ khoa học trẻ không được tạo động lực để phấn đấu theo đuổi và gắn bó với sự nghiệp khoa học lâu dài. Số lượng cán bộ KH&CN đông, số tổ chức KH&CN nhiều nhưng không có các tập thể khoa học mạnh, các tổ chức KH&CN đạt trình độ quốc tế.

Các giảng viên, cán bộ nghiên cứu KH&CN gặp khó khăn do chưa có kinh phí và sử dụng nghiên cứu khoa học. Vướng mắc không phải vì không có tiền mà các đề tài, nhiệm vụ khoa học phải qua rất nhiều khâu, từ lựa chọn, thẩm định cho đến phê duyệt đề tài. Các thủ tục thanh, quyết toán đề tài rườm rà, làm nản lòng nhiều nhà khoa học chân chính.

Nhà nước nên tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ. (Nguồn: Khoa học & Phát triển)

Thứ hai, hệ thống giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao. Thực tế, đời sống của các giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu còn rất nhiều khó khăn, lương không đủ sống. Kinh phí dành cho bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức KH&CN hạn hẹp.

Ở các trường đại học tiên tiến trên thế giới, cứ làm việc liên tục 3 năm thì giảng viên có chế độ được nghỉ giảng dạy 6 tháng hoặc 1 năm để bồi dưỡng và nghiên cứu, nhưng Việt Nam lại chưa áp dụng.

Điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ và trang thiết bị nghiên cứu của nhiều tổ chức KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu cho hoạt động nghiên cứu ở trình độ quốc tế.

Tìm lối ra

Làm sao để đến năm 2020, Việt Nam có một nền KH&CN phát triển, nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN? Làm gì để đến năm 2030, một số lĩnh vực của nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới?

Quy hoạch phát triển nhân lực KH&CN phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước tới năm 2020 và tầm nhìn năm 2030.

Một số thành viên Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia đã đưa ra những góp ý thẳng thắn về Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam. Trong đó, các chuyên gia cho rằng mục tiêu đến năm 2020, một số lĩnh vực KH&CN của Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN là hết sức khó khăn.

Để triển khai có hiệu quả chiến lược và 9 chương trình, đề án trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên tới năm 2020, Chính phủ cần đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN theo hướng quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN và các trường đại học. Cùng với đó, cần xây dựng thêm các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong các trường đại học. Đồng thời, cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ cần được đổi mới.

Cụ thể, nhà nước nên tập trung đầu tư phát triển một số Viện KH&CN, trường đại học cấp quốc gia theo mô hình tiên tiến thế giới. Phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, đẩy mạnh hình thành doanh nghiệp KH&CN.

Về phía các trường đại học, chúng ta nên tìm các nguồn tài trợ để từng bước tự chủ kinh phí cho bồi dưỡng cán bộ, hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu đủ lực, đủ sức đển thay đổi tư duy, tăng cường hội nhập và tham gia các chương trình nghiên cứu của khu vực và thế giới.

Trước khi nghĩ đến đãi ngộ về vật chất, nhà khoa học cần được tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm huyết cho đất nước. Trên cơ sở đó, nhà nước nên xây dựng cơ chế chính sách để nhà khoa học được hưởng thành quả từ lao động sáng tạo, tương xứng với giá trị đóng góp của họ.

Có thể nói, hoạt động nghiên cứu thẩm định và phản biện các đề tài, dự án KH&CN của các nhà khoa học nếu làm tốt sẽ giúp tiết kiệm cho quốc gia hàng nghìn tỷ đồng. Đó còn chưa kể đến những lợi ích trực tiếp khác cho xã hội và môi trường.