📞

Hội thảo khoa học 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khẳng định ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới

Hà Anh 13:30 | 27/02/2023
Sáng 27/2, Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội và trực tuyến tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" được Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Trần Huấn)

Chủ trì Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), hội thảo tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, hội thảo là hoạt động ý nghĩa để tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hoá, con người Việt Nam trong Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, quán triệt sâu sắc bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị này.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hoá cho nhân dân, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới. Đề cương tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hoá cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trần Huấn)

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã toả sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh.

Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021: “Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất”, xây dựng một nền văn hóa mới “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”... trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hoà bình, thống nhất”.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nêu rõ, từ chỗ chỉ tập trung vào phạm vi ba lĩnh vực trọng yếu của văn hóa nước nhà mà bản Đề cương nêu ra là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, chúng ta đã đặt ra yêu cầu mới về xây dựng đồng bộ và toàn diện các yếu tố cấu thành nên nền văn hóa, các thành tố, các lĩnh vực văn hóa, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống đến môi trường và đời sống văn hóa; từ di sản văn hóa, văn học nghệ thuật đến thể chế và thiết chế văn hóa, xây dựng và phát triển hệ giá trị mới của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và mục tiêu phấn đấu vì hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị hội thảo tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các nội dung chính: Khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với phát triển; hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo trung tâm tại hội thảo. (Ảnh: Trần Huấn)

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) nhấn mạnh rằng ta đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa). Thời điểm và bối cảnh ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa.

Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua:

Một là, hệ thống văn bản do Đảng, Nhà nước ban hành đã từng bước tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý nhất quán, hình thành môi trường thể chế có khả năng điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa theo hướng hài hòa, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân.

Hai là, ngay từ khi Đề cương ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hoá đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau.

Ba là, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, trong suốt những thập niên qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế đã từng bước được xác lập và vận hành trên thực tế góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Bốn là, việc gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động.

Trên cơ sở nhìn lại giá trị lý luận, giá trị thực tiễn và những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện Đề cương, tiếp cận dưới góc độ cơ quan đồng chủ trì Hội thảo, lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng đề xuất một số định hướng và giải pháp phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Huấn)

Với ý thức trách nhiệm cao và niềm tin chắc chắn vào thành công của sự nghiệp chấn hưng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những tham luận và thảo luận từ Hội thảo sẽ góp phần làm sâu sắc hơn, lan tỏa và phát huy giá trị của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh của Đảng về văn hóa trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 173 bản tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước. Trong tổng số các bài tham luận, có 66 tham luận thuộc nội dung 1 và 107 tham luận thuộc nội dung 2.

Các tham luận được Ban tổ chức và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tuyển chọn để in thành bộ tài liệu phục vụ Hội thảo. Sau khi hội thảo kết thúc, trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận trong các phiên họp, các tác giả sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện tham luận của mình để xuất bản sách kỷ yếu giới thiệu rộng rãi đến độc giả.