Tham dự Hội thảo có Đại sứ và đại biện của 07 nước thành viên AAC (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), Trưởng khoa Kinh tế và Khoa học Hành chính GS.TS Ramazan Sari, Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương - Bộ Ngoại giao Namik Guner Erpul, đại diện Quốc hội, các tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, các cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, giảng viên đại học METU, hơn 150 sinh viên Đại học METU và báo giới. Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Trần Quang Tuyến - Chủ tịch AAC đương nhiệm là một trong hai diễn giả chính của hội thảo.
Đại sứ Trần Quang Tuyến - Chủ tịch Ủy ban ASEAN Ankara thuyết trình về quan hệ ASEAN - Thổ Nhĩ Kỳ tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ramazan Sari chào mừng các Trưởng cơ quan đại diện AAC đã đến phát biểu và chia sẻ về ASEAN với sinh viên Đại học METU - một trong những đại học hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Sari khẳng định vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn của ASEAN trong khu vực và toàn cầu, nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trở thành Đối tác Đối thoại lĩnh vực (SDP) của ASEAN vào tháng 8/2017.
Đại sứ Thái Lan Iamsudha Phantipha Ekarohit đã có bài trình bày giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành ASEAN, quá trình hình thành, tầm nhìn và ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
Tiếp đó, Đại sứ Trần Quang Tuyến đã điểm lại mối quan hệ tốt đẹp giữa ASEAN và Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1999 đến nay trên tất cả các lĩnh vực. Đại sứ cho rằng các thành quả hợp tác về kinh tế, văn hóa… thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên; khẳng định hai phía còn rất nhiều dư địa để tăng cường hợp tác, nhất là sau khi Ủy ban hỗn hợp về hợp tác lĩnh vực ASEAN - Thổ Nhĩ Kỳ (AT-JSCC) hình thành và có kỳ họp đầu tiên vào tháng 5/2018 tại Indonesia mang lại nhiều cơ hội để hiện thực hóa chương trình hành động toàn diện do Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất trong khuôn khổ SDP.
Các Trưởng cơ quan đại diện ASEAN, giáo sư Khoa khoa học kinh tế và hành chính - Đại học METU cùng một số sinh viên chụp ảnh lưu niệm. |
Mặc dù quan hệ hai bên còn một số thách thức khách quan và chủ quan như khoảng cách địa lý, sự hiểu biết chưa đầy đủ về môi trường đầu tư - kinh doanh, bối cảnh địa chính trị…; nhưng Đại sứ Trần Quang Tuyến cho rằng hai bên nên tiếp tục tăng cường hợp tác, nhất là trong trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa và nhân dân… để nâng quan hệ ASEAN - Thổ Nhĩ Kỳ lên một tầm cao mới. Đại sứ khẳng định ASEAN chính là điểm đến hấp dẫn của Thổ Nhĩ Kỳ và là cầu nối để Thổ Nhĩ Kỳ vươn xa tới toàn châu Á và ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là cánh cửa mở đường tới châu Âu cho các nước ASEAN.
Trong phần trao đổi và thảo luận, các sinh viên rất quan tâm tới tới các nét đặc trưng và bản sắc của ASEAN (sự đa dạng, sự đồng nhất, sự đồng thuận), tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các đối tác, cách xử lý của ASEAN trước một số thách thức trong khu vực, chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ASEAN…
Triển lãm thông tin về ASEAN thu hút sự quan tâm của giảng viên và sinh viên Đại học METU. |
Hội thảo được các giáo sư đại học và học giả đánh giả cao, tăng cường sự hiểu biết về ASEAN trong cộng đồng sinh viên sở tại và thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa AAC và các trường đại học, viện nghiên cứu sở tại.
Bên lề hội thảo, AAC đã tổ chức triển lãm thông tin giới thiệu tổng quan về ASEAN và từng nước thành viên ASEAN, thu hút sự quan tâm của các giảng viên và sinh viên Đại học METU.
Đại sứ Trần Quang Tuyến đại diện Ủy ban ASEAN Ankara trao bộ sách về ASEAN và các nước thành viên AAC cho Hiệu trưởng Đại học METU GS.TS. Mustafa Versan Kok trong cuộc gặp xã giao. |
Trước hội thảo, các Trưởng cơ quan đại diện của AAC đã có cuộc gặp xã giao Hiệu trưởng Đại học METU GS.TS. Mustafa Versan Kok trao đổi về phương hướng hợp tác giữa AAC và METU trong tương lai nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước ASEAN. Nhân dịp này AAC đã tặng Đại học METU bộ sách giới thiệu về ASEAN và bảy nước thành viên AAC để sử dụng tại thư viện cho sinh viên.