📞

Hội thảo toàn cầu Thế hệ kế tiếp: Hỗ trợ phụ nữ trước rủi ro mới

Minh Quân 14:35 | 22/11/2020
TGVN. Đây là chủ đề có tính thời sự khi đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới vai trò, đặt ra nhiều thách thức mới cho phụ nữ thế giới nói chung và châu Á nói riêng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xác định vai trò và thách thức của phụ nữ trong giai đoạn mới, Hội thảo toàn cầu Thế hệ kế tiếp lần thứ 13 với chủ đề “Các rủi ro và khả năng chống chịu trong các xã châu Á và thế giới” đã diễn ra từ ngày 21 – 22/11 tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Sự kiện được đồng tổ chức bởi tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Nghiên cứu Con người thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Trung tâm Nghiên cứu châu Á KUASU, Đại học Kyoto (Nhật Bản) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (VWU)

Toàn cảnh sự kiện. (Ảnh: Minh Quân)

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giáo sư Đặng Nguyên Anh cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến mọi quốc gia trên toàn thế giới. Hơn một nửa lực lượng lao động đã chịu tác động nặng nề, nền kinh tế suy giảm. Tỷ lệ thất nghiệp cao ở các khu vực, đặc biệt phụ nữ di cư gặp nhiều khó khăn, không thể tiếp cận được các dịch vụ bảo trợ xã hội, sự quan tâm chăm sóc. Đây là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới.

Về phần mình, Giáo sư Emiko Ochiai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học Kyoto Nhật Bản, ở các xã hội Nhật Bản, Hàn Quốc như Việt Nam, tình trạng già hóa đang thay đổi môi trường xã hội phản ứng thông qua các chính sách phù hợp. Vấn đề lão hóa có thể xảy ra trên toàn cầu khi gánh nặng chăm sóc người cao tuổi đang gia tăng. Đồng thời, tác động của bất bình đẳng, vấn đề di cư (bao gồm cả hôn nhân xuyên quốc gia) dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc gia đình và dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc và giá trị gia đình.

Ở cấp độ gia đình và xã hội, phụ nữ ngày càng có trình độ học vấn cao hơn tham gia rộng rãi vào thị trường lao động. Tuy nhiên, họ tiếp tục gặp bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe, trả lương, chất lượng việc làm và dịch vụ xã hội. Những điều này làm gia tăng các nguy cơ mới, thách thức cuộc sống gia đình nói riêng và xã hội nói chung, đòi hỏi khả năng ứng phó và giải pháp phù hợp.

Giáo sư Emiko Ochiai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học Kyoto Nhật Bản trao đổi trực tuyến. (Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch VWU, Tiến sỹ Bùi Thị Hòa nhấn mạnh đến một số vấn đề tác động đến giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Công việc chăm sóc không được trả lương càng tăng lên đối với phụ nữ khi trẻ em không đến trường, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tăng cao và các dịch vụ y tế quá tải. Trong thời gian cách ly xã hội, bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ cũng gia tăng theo cấp số nhân.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đề cập đến nhiều vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ Việt Nam như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai; già hóa dân số; xu hướng di cư nông thôn - đô thị; biến chuyển quan trọng trong gia đình những thập niên qua; bình đẳng giới.

Mặt khác, Báo cáo xu hướng nghề nghiệp tương lai cho thấy phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương hơn trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 khi đánh mất tới khoảng 3 triệu việc làm. Họ cũng chưa được trang bị sẵn sàng cho một nền kinh tế tri thức khi chỉ có 9% lực lượng lao động có trình độ đại học, còn 85% chỉ có trình độ trung học hoặc thấp hơn.

Điều này đặt ra thách thức nhằm đảm bảo cho phụ nữ được tiếp cận và hưởng lợi bình đẳng từ tiến bộ của khoa học công nghệ, giảm thiểu nguy cơ tổn thương do rủi ro và mặt trái của biến động xã hội. Để chống chịu và phục hồi trước các rủi ro này, việc có cái nhìn toàn cảnh, đa chiều về các thách thức hiện nay là đặc biệt quan trọng.

Phó Chủ tịch VWU, Tiến sỹ Bùi Thị Hòa phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa, VWU là một tổ chức chính trị-xã hội, thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, trong đó có tham mưu, đề xuất, xây dựng, giám sát và phản biện xã hội luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Thời gian qua, Hội đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ ở nhiều cấp độ, từ thực hiện chương trình, hoạt động tới vận động và hoạch địch chính sách, đóng góp quan trọng vào việc mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam.

Phó Chủ tịch VWU Bùi Thị Hòa nhấn mạnh: “Trong bối cảnh biến đổi xã hội hiện nay với nhiều vấn đề mới, thách thức mới đang đặt ra, hơn lúc nào hết, Hội rất cần các bằng chứng khoa học và thực tiễn cho quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức”.

VWU kỳ vọng thông qua Hội thảo, một bức tranh toàn cảnh về xã hội châu Á được mô tả sống động, giúp Hội có những đề xuất can thiệp từ thực tiễn và chính sách nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các nước châu Á.

Đáp ứng kỳ vọng đó, trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu đã tập trung khai thác nhiều mang tính thời sự và có tác động lớn đến phụ nữ biến đổi khí hậu, dân số, sự thay đổi trong các mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới, an ninh xã hội, quyền con người tại châu Á, dịch bệnh, di cư, thị trường lao động và phát triển kinh tế.

Các đại biểu và khách mời tham dự sự kiện chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Minh Quân)