Ảnh Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cùng thành viên Đoàn và bìa cuốn sách do ông viết trong cuốn album kỷ niệm của gia đình. |
Chúng tôi đến thăm gia đình cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến vào những ngày đầu Xuân Giáp Thìn – một năm đặc biệt, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva (20/7/1954 - 20/7/2024).
Trong không khí những ngày hào hùng ấy, bà Lê Phương - phu nhân cố Thứ trưởng, cùng các con của ông, xúc động đưa chúng tôi cuốn sách mang tên Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954 - Góc nhìn của người trong cuộc được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phát hành năm 2022.
Cuốn sách là hồi ký được ông viết tay chi tiết, tỉ mỉ từ năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 40 năm Hội nghị Geneva.
Gia đình ông cho biết, thời điểm ấy, dù tuổi cao bệnh nặng, nhưng với tâm nguyện lưu lại các hoạt động của Hội nghị, tổng kết những bài học quý giá trong nghệ thuật đánh-đàm để bổ sung thêm nguồn tư liệu vào kho tàng đấu tranh chính trị, ngoại của đất nước, ông vẫn miệt mài viết và đã hoàn thành vào cuối năm 1994.
Nhiệm vụ đặc biệt
Cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến được cử làm cán bộ bảo vệ cho Phái đoàn Chính phủ ta dự Hội nghị Geneva vào năm 1954. Thực hiện chỉ thị của Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã giao cho ông cùng người đồng chí là ông Lê Hữu Qua một nhiệm vụ rất quan trọng là “bảo vệ an toàn, bảo vệ bí mật của phái đoàn”.
Đối với bảo vệ an toàn, cấp trên chỉ đạo họ phải điều tra, ngăn ngừa mọi âm mưu phá hoại, đầu độc của địch; phải luôn kiểm soát đề phòng mọi sự rủi ro; phải bảo đảm thực hiện chế độ làm việc, nghỉ ngơi cho phái đoàn.
Cuốn hộ chiếu Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến dùng trong thời gian hoạt động tại Hội nghị Geneva. |
Về bảo vệ bí mật, họ phải bảo vệ cho được bí mật chủ trương, chính sách của ta; phải chống âm mưu đánh cắp tài liệu, nghe trộm của địch; phải đề phòng mọi sơ hở; phải thực hiện chế độ giữ bí mật về ăn nói, đi lại, giao dịch.
Các công tác bảo vệ được phân chia cụ thể từ việc bảo đảm sự thuần khiết nội bộ (lý lịch trong sạch, đề phòng kẻ gian móc nối, xâm nhập…), khi đi đường (nghiên cứu các chặng đường, giao thông, nơi đi qua, nơi nghỉ chân…), đến việc bảo vệ ở nhà (xem xét nơi ở, cách thức ăn uống), bảo vệ khi thăm, gặp…
Chế độ giữ bí mật được Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng duyệt trong bản Nội quy về ăn ở, đi lại, làm việc, nói năng, hội họp, giao dịch…
Với tính chất quan trọng của nhiệm vụ này, trước khi lên đường, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn cẩn thận ghi vào sổ tay của ông ngày 25/3: “Hãy nhận rõ nhiệm vụ, tìm hiểu tình hình, vận dụng khéo léo phương châm, chính sách, luôn luôn rút kinh nghiệm và điều chủ yếu là quyết tâm vượt khó khăn thì nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang”.
Vào những ngày đầu lên đường công tác, ông tự ý thức: “Lời Bác dặn, lời anh Tô dặn, lời anh Hoàn dặn, bản thân tự nhắc nhở ngày ra đi, luôn luôn văng vẳng bên tai: Làm thế nào cho tròn nhiệm vụ? Việc mới chưa làm bao giờ nên tôi luôn luôn lo lắng, nhưng lại tự thấy mình cứ tích cực và quyết tâm là làm tròn được nhiệm vụ. Đảng đã bảo như thế thì cứ làm như thế là khắc được”.
Từ niềm tin và trách nhiệm ấy, cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến cùng các cán bộ phái đoàn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Ông ghi lại những ngày mới đến Geneva: “Riêng tổ bảo vệ chúng tôi thì ngoài việc nhắc các tổ khác thực hiện đúng nội quy, chúng tôi bắt tay ngay vào việc kiểm tra nơi làm việc, nơi ở của phái đoàn một cách hết sức tỉ mỉ, kỹ lưỡng”.
Thẻ ra vào Quảng trường Đỏ của đồng chí Nguyễn Minh Tiến. |
Về bảo vệ an ninh nơi ở, nơi làm việc thì trong khi Liên Xô, Trung Quốc có cả một lực lượng chuyên trách bảo vệ đêm ngày nhưng Việt Nam chỉ có hai người [1]. Bởi vậy, ông đề nghị với cấp trên huy động tất cả anh em cán bộ nhân viên giúp việc phái đoàn luân phiên nhau ngày đêm canh gác bên trong nhà.
Trong thực hiện nhiệm vụ, ông kể: “Việc lái xe cho phái đoàn thì đã có Liên Xô làm giúp. Ở ngoài cổng thì cảnh sát Thụy Sỹ gác. Để họ làm tốt nhiệm vụ này, chúng tôi ra sức gây cảm tình với họ. Thỉnh thoảng, anh Tô lại tặng quà nên họ rất có cảm tình với ta. Thấy ta làm công tác đối ngoại rất khéo, có lần số anh em cảnh sát bên này đã hỏi tôi (vốn đóng vai là cán bộ ngoại giao) là các ông học trường ngoại giao nào mà làm ngoại giao giỏi thế? Tôi liền trả lời là: Chúng tôi học trong thực tế công tác…”.
Để bảo vệ an toàn trong đi lại, phái đoàn khi cần đi lại thường bố trí ít nhất hai người đi để bảo vệ lẫn nhau. Về bảo vệ bí mật tài liệu, công văn giấy tờ. Họ luôn nhắc nhở anh em thực hiện đúng nội quy, giấy tờ bí mật luôn luôn mang trong người; khi cần chuyển công văn, thư từ đều phải có người bảo vệ đi kèm; các tài liệu đánh máy, kể cả giấy than cũng không được lọt ra ngoài.
Trong giao thiệp, ông cho biết, các anh em trong bộ phận báo chí và tiếp tân luôn luôn thực hiện đúng nội quy nên giữ được bí mật ý đồ phía ta. Nhờ vậy, không có phần tử địch nào xâm nhập, cũng như đối phó được với sự tấn công của gián điệp ở khách sạn D’Angleterre.
Ông viết trong hồi ký: “Nhìn chung các bộ phận giúp việc phái đoàn, từ bộ phận văn phòng, bộ phận phiên dịch, bộ phận quân sự, bộ phận bảo vệ đến bộ phận báo chí, tiếp tân, quản trị đều hết sức cố gắng làm tốt phần công việc của mình, đồng thời hết sức đoàn kết, tương trợ lẫn nhau nên đã góp phần giúp cho phái đoàn làm việc thuận lợi và an toàn, góp phần vào chiến thắng của Hội nghị”.
Nhân dân cắm cờ Tổ quốc chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô. (Nguồn: TTXVN) |
Những bài học từ góc nhìn người trong cuộc
Không chỉ kể chi tiết về công tác bảo vệ, trong tập hồi ký, cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến ghi lại một cách rất chân thực, sống động về quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneva từ bối cảnh lịch sử, diễn biến đến những kết quả của Hội nghị. Với góc nhìn của người trong cuộc, ông đúc rút và đưa ra ba bài học quan trọng.
Bài học thứ nhất là trong mọi cuộc đấu tranh phải biết địch, biết mình, biết bạn, biết ta để có thể đề ra mục tiêu, biện pháp phù hợp với điều kiện chủ quan, khách quan và khôn khéo, kín đáo, linh hoạt tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn.
Bài học thứ hai là phải xuất phát từ tình hình thực tế của nước mình, của khu vực và của thế giới để định ra đường lối, chủ trương, chính sách, biện pháp đúng với quy luật khách quan.
Bài học thứ ba là trong điều kiện ta chấp nhận vừa đánh vừa đàm thì phải kết hợp chặt chẽ đánh và đàm cho thật nhịp nhàng, khôn khéo, làm sao đánh hỗ trợ được đàm và đàm lại hỗ trợ được đánh. Đó là vừa là khoa học vừa là nghệ thuật trong đấu tranh.
Khi viết cuốn hối ký này, cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến đã sử dụng tài liệu của những cán bộ trong các nhóm phục vụ đoàn phái đoàn góp ý, ông bổ sung, sửa chữa và hoàn chỉnh lần cuối vào tháng 11/1998. Tuy nhiên, khi cuốn hồi ký chưa kịp xuất bản thì ông đã ra đi trên gường bệnh vào năm 1998.
Dù tái hiện sự kiện cách đây 70 năm, nhưng bài học về vị trí địa chính trị và quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc vẫn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Hồi ký của ông giúp cho các thế hệ cán bộ đối ngoại hôm nay và mai sau có thêm kiến thức, bản lĩnh và kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó trong thời kỳ mới.
Cố Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến (1922-1998) tên thật là Nguyễn Công Trân, sinh tại Phúc Xá, thôn Trung Hà, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khi tham gia kháng chiến, ông lấy tên là Nguyễn Minh Tiến và bí danh này được sử dụng lâu dài cho đến khi nghỉ hưu. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia Ủy ban giải phóng dân tộc Phúc Xá rồi làm Bí thư Việt Minh khu Phúc Xá, kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ, sau là Ủy ban kháng chiến - hành chính Đặc khu Phúc Xá, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc Liên khu I, Hà Nội. Đầu năm 1947, khi được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến quận 4, Hà Nội, ông liên tục tham gia cách mạng, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông từng là Chánh Văn phòng Thành uỷ Hà Nội từ 1950-1952, sau đó được cử làm cán bộ bảo vệ cho Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự Hội nghị Geneva năm 1954. Ông Nguyễn Minh Tiến làm Phó Văn phòng Bộ Công an (1958-1960; Cục trưởng Cục Trinh sát kỹ thuật, Bộ Công an (1967-1974); Trợ lý Bộ trưởng, biệt phái đi tiếp quản miền Nam giải phóng (1974-1976); Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) từ 1976-1991 rồi nghỉ hưu. |
[1] . Đoàn Trung Quốc có một trung đội bảo vệ có vũ trang. Các đoàn khác có số lượng bảo vệ tương tự, hoặc lớn hơn.
| 70 năm Hiệp định Geneva: Nghệ thuật chiến thắng từng bước Hội nghị Geneva 1954 về Đông Dương khẳng định đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng, biết dừng, biết tiến và tiến vững chắc ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam "...Hiệp định Geneva là một cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được Đảng ta kế ... |
| Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva Sáng nay, 25/4, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024) chính ... |
| Vai trò của lực lượng vũ trang đối với thành công của Hiệp định Geneva Cách đây 70 năm, thành công của Hội nghị Geneva khẳng định vai trò của lực lượng vũ trang, không chỉ trên mặt trận quân ... |
| Hiệp định Geneva và triết lý đối ngoại mang đậm bản sắc ‘cây tre Việt Nam’ Thắng lợi của Hiệp định Geneva 1954 là một trong những thực tiễn sinh động cùng với truyền thống lâu đời của ngoại giao Việt ... |