📞

Hội vật cầu nước làng Vân - lễ hội ‘độc nhất vô nhị’ miền Kinh Bắc

Hoàng Trung Hiếu 14:04 | 13/05/2022
Chiều 12/5, tại xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đại diện Cục Di sản Văn hóa-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao chứng nhận Lễ hội vật cầu nước làng Vân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội vật cầu nước làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) được tổ chức vào các ngày 12,13 và 14 tháng Tư âm lịch. Lễ hội là nét tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của người dân làm nông nghiệp từ thời cổ xưa, mang tính lịch sử, độc đáo, vui vẻ, kịch tính và "độc nhất vô nhị".

Với giá trị "độc bản", lễ hội vật cầu nước làng Vân vừa được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Trung Hiếu)

Lễ hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức trong 3 ngày liên tiếp (từ ngày 12 đến 15/5). Theo các cụ già trong làng, đây là một trong những giá trị văn hóa tâm linh mang đặc trưng của nền văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trước khi các trận cầu nước được diễn ra, nhà đền tổ chức lễ xin Ngài chuyển đồ tế rước từ đền thờ Thánh Tam Giang (xóm 4, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) lên đền Trung. (Ảnh: Trung Hiếu)
Sau đó làm lễ xin rước sắc phong của Vua ban cho đức Thánh và dân làng về lại đền thờ Thánh Tam Giang để chính thức khai hội. (Ảnh: Trung Hiếu)
Ông Đỗ Viết Thành, chủ lễ đền Vân Hà cho biết: “Lễ xin rước sắc phong của Vua là một phần không thể thiếu của Lễ hội vật cầu nước làng Vân, qua đó thể hiện sự trân trọng và lòng biết ơn của nhân dân”.
Tương truyền rằng, khi xưa có bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy đi theo Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương. Khi họ đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm ra quấy phá. Bọn quỷ ra điều kiện nếu chúng thắng, chúng phải được thưởng còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà thánh. (Ảnh: Trung Hiếu)
Trận chiến nổ ra quyết liệt giữa quân nhà thánh và bọn quỷ. Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, chịu quy phục Đức thánh Tam Giang (danh hiệu chung chỉ bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy). Từ đó, tại đền chính của làng Vân, nơi thờ Đức thánh Tam Giang, người dân tổ chức lễ vật cầu nước nhằm ca ngợi công lao đánh giặc, thu phục quỷ đen của Đức thánh Tam Giang. (Ảnh: Trung Hiếu)
Màn trống hội tại Lễ công bố Quyết định công nhận Lễ hội vật cầu nước làng Vân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Trung Hiếu)

Lễ hội vật cầu nước được tổ chức trên sân chính của đền thờ Thánh Tam Giang, có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống.

Lễ hội là nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội “độc nhất vô nhị” này thu hút rất đông du khách.

Các thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật cầu được gọi là "quan cầu". Họ được chia làm hai giáp (mỗi giáp tám người), gọi là giáp trên và giáp dưới. Trước khi ra sân đấu, các "quan cầu" phải vào đền Thánh làm lễ, họ được uống bát rượu trắng và ăn dưa hấu, theo phong tục cổ truyền.

Các "quan cầu" làm nghi lễ bái lạy về đền Thánh trước khi thi đấu. (Ảnh: Trung Hiếu)
Sau đó, các thành viên của hai giáp lần lượt lên đấu vật với nhau theo từng đôi, trước khi quả cầu được đưa ra sân đấu. (Ảnh: Trung Hiếu)
Các đấu thủ của hai giáp tranh cướp rất quyết liệt quả cầu lớn được làm bằng gỗ mít trên mặt sân bùn nhão. Mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp. (Ảnh: Trung Hiếu)
Theo thông lệ xưa, hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức thường xuyên theo điều lệ và quy ước của làng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954, lễ hội vật cầu nước ít được tổ chức. (Ảnh: Trung Hiếu)
Tranh đấu rất quyết liệt trong tiếng reo hò cổ vũ của đông đảo khán giả. (Ảnh: Trung Hiếu)
Phải rất vất vả mới đưa được quả cầu xuống hố do sự ngăn cản quyết liệt của "đội bạn". (Ảnh: Trung Hiếu)

Năm 2002, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức, lễ hội đã được khôi phục.

Hương ước của làng hiện nay quy định, 4 năm sẽ tổ chức lễ hội vật cầu nước một lần. Nhưng sắp tới làng sẽ tổ chức lễ hội này 2 năm một lần, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương và đông đảo du khách.