📞

Homestay - Trải nghiệm để hiểu nhau hơn

14:37 | 21/01/2016
Hình thức du lịch homestay (du lịch tại nhà dân) sẽ trở thành xu hướng trong Cộng đồng ASEAN, để kết nối con người cộng đồng với nhau một cách giản dị nhất.

Tại một ngôi làng hẻo lánh ở bang Selangor (Malaysia), 20 sinh viên Hàn Quốc đã ăn ở, sinh hoạt và làm việc cùng người dân địa phương nơi đây. Đây là một trong chuỗi chương trình homestay do Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) tổ chức nhằm giới thiệu một góc nhìn mới mẻ và gần gũi về cuộc sống của các cộng đồng dân tộc ASEAN.

Các sinh viên tham gia Chương trình Homestay ASEAN tại Malaysia từ ngày 20/12/2015 đến 4/1/2016.

Trải nghiệm cuộc sống làng quê

Ngay khi vừa đến nơi, các bạn sinh viên Hàn Quốc không khỏi bất ngờ và ngỡ ngàng trước màn chào đón đặc biệt của một nhóm người dân địa phương với các bản nhạc truyền thống.

“Trải nghiệm sẽ thực sự bắt đầu ngay từ khi các bạn bước chân xuống xe”, Muhamad Daud Muhamad Arif, người đứng đầu bộ phận văn hóa và du lịch tại Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc cho biết.

Đặc biệt, trong Chương trình Homestay ASEAN, việc tìm hiểu về văn hóa nước ngoài không chỉ giới hạn riêng cho sinh viên Hàn Quốc mà còn mở rộng với cả sinh viên nước sở tại. Vào ngày thứ hai của chuyến đi, sinh viên Hàn Quốc đã có cơ hội giao lưu, hòa nhập với các sinh viên Đại học Kuala Lumpur và chia sẻ niềm đam mê chung của họ về nhiều thứ, bao gồm cả âm nhạc K-pop đang ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, trong chương trình này, sinh viên hai nước còn cùng nhau trồng cây, khai thác mủ cao su, đánh bắt thủy sản và thậm chí dựng một đám cưới giả theo phong tục truyền thống của Malaysia.

Với nền văn hóa phong phú, truyền thống độc đáo và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Malaysia thu hút khoảng 27,4 triệu lượt khách du lịch trong năm 2014. Đất nước Đông Nam Á này cũng từng được Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc xếp vào top 10 quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất trong năm 2012.

Tuy nhiên, theo ông Daud, một người gốc Malaysia, chương trình này không đơn giản chỉ là du lịch mà còn mang nhiều ý nghĩa khác.

“Ý nghĩa của chương trình này không phải việc du lịch tiện nghi thế nào hay tham quan cảnh đẹp ra sao mà chính là những gì bạn trải nghiệm trong suốt quãng thời gian ở đây”, ông Daud nhấn mạnh.

Hướng phát triển tiềm năng

Tổng Thư ký AKC Kim Young-sun cho biết mục tiêu của chương trình này là tạo cơ hội cho sinh viên Hàn Quốc tương tác với các sản phẩm “du lịch cộng đồng bền vững” trong ASEAN. Thông qua chương trình, họ có thể khám phá, giao lưu và học hỏi những kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp du lịch địa phương của các nước ASEAN.

Sinh viên Hàn Quốc học về nghệ thuật họa tiết của Malaysia - một phần trong Chương trình Homestay ASEAN.

Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc thành lập Cộng đồng ASEAN là khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực. Theo ông Kim, đó là lý do Malaysia và AKC tổ chức chương trình này với mục đích thúc đẩy tăng trưởng của các ngành công nghiệp và du lịch trong khu vực.

“Tôi tin chắc rằng chương trình ASEAN Homestay sẽ là một nền tảng tuyệt vời để bổ sung cho tầm nhìn của ASEAN bằng cách thúc đẩy nhận thức về văn hóa ASEAN và tăng cường sự hiểu biết của các bạn trẻ Hàn Quốc về sự đa dạng và độc đáo của bản sắc văn hóa ASEAN”, ông Kim nhấn mạnh.

Chương trình homestay của Malaysia được Chính phủ quan tâm và thúc đẩy phát triển rất mạnh mẽ. Trong tổng cộng 181 chương trình homestay ở Malaysia có hơn 3.600 gia đình tham gia, thu hút gần 300.000 lượt du khách mỗi năm.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Malaysia Datuk Mas Ermieyati Samsudin cho biết loại hình kinh doanh homestay hiện nay chiếm khoảng 1% tổng doanh thu du lịch trong nước.

Dự kiến, nếu chương trình này diễn ra tốt đẹp, AKC sẽ lên kế hoạch mở rộng dự án homestay ở tất cả các nước ASEAN.

Cơ hội trở thành công dân toàn cầu

Ông Kim Young-sun, nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Indonesia, cho rằng sự giao lưu, thấu hiểu về văn hóa, lịch sử và lối sống là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Theo ông, không thể nhìn nhận các nền văn hóa nước ngoài chỉ dựa trên quan điểm riêng của những nhà ngoại giao. Bằng cách tham gia các hoạt động giao lưu tôn vinh các nền văn hóa khác như thế này, sinh viên sẽ có cơ hội để trở thành một công dân toàn cầu thực sự.

Chương trình ASEAN Homestay nhằm cung cấp cho sinh viên hiểu biết tốt hơn về du lịch cộng đồng thông qua các kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến văn hóa địa phương, bảo tồn môi trường và phát triển chính sách du lịch bền vững. Những sinh viên đã tham gia chương trình cho biết, điều ấn tượng nhất đối với họ là việc được sống như một người dân địa phương thực thụ.

“Trước đây, khi đi du học ở Mỹ, tôi được phân vào một ký túc xá sinh viên toàn các sinh viên Hàn Quốc. Điều này thực ra là một bất lợi đối với tôi vì tôi không có cơ hội làm bạn và hòa đồng với nhiều bạn sinh viên Mỹ. Nhưng ở đây, tôi cảm thấy rất gần gũi với người dân địa phương bởi vì tôi được ở chung nhà với họ”, Choi Eun-ji, một sinh viên 23 tuổi đến từ Đại học Dongseo, chia sẻ.

Là một trong những sinh viên Hàn Quốc tham gia chương trình, Jung Jeon Hee-won bày tỏ mong muốn rằng chương trình sẽ phát triển hơn nữa để sinh viên Hàn Quốc có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nền văn hóa ASEAN và kết bạn chứ không chỉ đơn giản là những người được sắp xếp tham gia các hoạt động cùng nhau.

(tổng hợp)