📞

Hơn 600 tác phẩm dự thi Chương trình truyền thông 'Những cống hiến thầm lặng' 2024

09:56 | 19/11/2024
Sau hơn 8 tháng triển khai, Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" đã tổ chức được 8 hoạt động truyền thông, với nhiều nội dung mới mẻ, thu hút được hơn 600 tác phẩm của tác giả và nhóm tác giả gửi dự thi. Chương trình trở thành sân chơi uy tín, chuyên biệt của chủ đề đảm bảo an sinh xã hội cho lao động nữ và người yếu thế.

Ngày 3/12 sắp tới, sẽ diễn ra Lễ tổng kết và Trao giải Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024, trong đó điểm nhấn là trao giải cuộc thi cho hơn 30 tác giả chuyên và không chuyên. Chương trình dự kiến diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Chương trình do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức.

Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024 nhằm mục đích tôn vinh sự đóng góp quan trọng của những cá nhân, tập thể trong việc thực hiện công tác chăm lo, đãi ngộ và những điều kiện tốt nhất cho lao động nữ, nhất là lao động nữ nhập cư phải đi thuê nhà.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi -Tổng Biên tập Báo Kinh tế &Đô thị, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khởi động Chương trình. (Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị)

Nâng cao hiểu biết của các bên liên quan, bao gồm người lao động (nhất là lao động nữ), người sử dụng lao động, cộng đồng về những thách thức trong thực hiện việc làm thỏa đáng ở khu vực chính thức và phi chính thức trong điều kiện phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi số, với nhiều khó khăn và thách thức.

Trong đó, Cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024 nằm trong chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024. Đây là năm đầu tiên Ban tổ chức quyết định phân tách hệ thống giải thưởng dành cho tác giả chuyên nghiệp (cho nhà báo công tác và các tác phẩm đăng tải trên các cơ quan báo đài) và không chuyên nghiệp (mọi công dân Việt Nam có các sản phẩm thông tin về vấn đề an sinh xã hội đăng tải trên các diễn dàn, mạng xã hội).

Sau hơn 8 tháng phát động Cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 651 tác phẩm dự thi của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên (trong đó 514 tác phẩm chuyên nghiệp và 137 tác phẩm không chuyên). Các tác phẩm dự cuộc thi năm nay được Ban tổ chức đánh giá đa dạng ở đủ thể loại truyền thông: Báo in, Báo điện tử, Báo hình, Báo chí đa phương tiện như: Podcast, Video ngắn, Emagazine…

Cụ thể, các bài viết của tác giả chuyên nghiệp có sự phong phú hơn về đề tài, đặc biệt là đi sâu vào phản ánh câu chuyện an sinh xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều tỉnh thành của cả nước như: Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Đăk Lăk, Hà Nội…

Đối với tác phẩm của các tác giả không chuyên nghiệp, được đăng tải đa dạng trên các nền tảng như tiktok, facebook, youtube và các diễn đàn. Đặc biệt, các tác giả không chuyên năm nay rất nhiều cây viết trẻ đến từ các trường đại học như: Đại học Văn hóa, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… Hoặc các bạn trẻ tự do tham gia trong nhóm cộng đồng GÁC, chủ yếu thuộc thế hệ 2K. Nhóm GÁC đến từ nhiều tỉnh thành nhưng thông qua Internet để kết nối thành nhóm cộng đồng, quan tâm đầu tư các video ngắn đăng tải trên nền tảng tiktok về chủ đề quấy rối tình dục, quấy rối tâm lý trên môi trường mạng…

Tại lễ tổng kết và trao giải, đối với tác giải chuyên nghiệp, Ban tổ chức sẽ trao 12 giải cho tác giả/ nhóm tác giả (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba, 7 giải Khuyến khích); 10 giải các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Riêng đối với sân thi dành cho tác giả không chuyên, Ban Giám khảo sẽ trao giải cho 7 tác giả/nhóm tác giả (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích).

Ngoài ra, Ban tổ chức trao giải thưởng phụ cho 1 tập thể tích cực tham gia cuộc thi và 5 giải các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024 lên tới 225 triệu đồng, tăng 6 giải và 30 triệu đồng tiền giải so với năm 2023.

Lễ phát động Chương trình hợp tác sản xuất "Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số" dành cho người viết không chuyên. (Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị)

Bên cạnh việc tổ chức cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng", Ban tổ chức đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông để hướng đến mục tiêu khuyến khích các bên. Đặc biệt là người sử dụng lao động và cộng đồng về việc cần chăm lo, đãi ngộ, tạo động lực cho lao động nữ, đóng góp vào thực hiện Chương trình khôi phục phát triển kinh tế xã hội, hướng đến mục tiêu tạo việc làm thỏa đáng để phát triển bền vững của Việt Nam.

Điển hình là 2 Tọa đàm chuyên môn có nội dung: Tọa đàm Giảm nguy cơ "lọt lưới an sinh" được tổ chức trước thềm kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Tọa đàm "Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội".

Ban Tổ chức đã tổ chức chuyến đi thực tế tìm hiểu về môi trường và vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội của lao động tại làng nghề Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) và Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) cho 15 nhà báo. Sau sự kiện đã có hơn 30 bài viết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lần đầu tiên, Ban Tổ chức đã mở chuyên mục: Cẩm nang giải đáp pháp luật về an sinh xã hội. Chuyên mục đã sản xuất ra 30 sản phẩm podcast; tổ chức tư vấn pháp lý trực tiếp cho tới hơn bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.

Đây cũng là năm đầu tiên Ban Tổ chức phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức chương trình bầu chọn podcast cho sinh viên Học viện. Ban tổ chức không chỉ phát động chương trình sản xuất mà còn đồng hành cùng với hơn 60 sinh viên báo chí khi mời các chuyên gia tập huấn cho sinh viên về cách thức sản xuất sản phẩm báo chí số…

(theo Báo Kinh tế & Đô thị)