Một con tàu chở người di cư bị đắm ngoài khơi Libya hôm 26/5. Những người trên thuyền sau đó được hải quân Italy cứu. (Nguồn: Reuters) |
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, bà Sami nói rằng khoảng 100 người tị nạn đã mất tích sau khi một con thuyền chở những người vượt biên trái phép bị lật hôm thứ Tư 25/5.
Một vụ đắm tàu khác tiếp tục xảy ra chỉ một ngày sau đó khiến ít nhất 550 người tị nạn rơi xuống biển. Theo bà Sami, con tàu này chở khoảng 670 người, xuất phát từ cảng Sabratha (Libya) hôm 25/5 và do một con tàu khác kéo đi.
Được biết trong số khoảng 104 người sống sót trên con tàu có 25 người lên được một con tàu khác, 79 người được tàu tuần tra quốc tế cứu hộ. Trong khi đó, ít nhất 15 thi thể đã được tìm thấy. Hiện giới chức Italy đã bắt giữ chủ tàu là một người đàn ông Sudan 28 tuổi.
Một thảm họa chìm tàu khác xảy ra hôm 27/5. Trong vụ này, lực lượng cứu hộ Italy đã cứu sống được 135 người, trong khi tìm thấy khoảng 45 thi thể. Hiện chưa rõ số người mất tích.
Các vụ đắm tàu thường hay xảy ra ở Địa Trung Hải trong bối cảnh nhiều người từ các nước Trung Đông, Bắc Phi tìm cách nhập cư trái phép vào châu Âu bằng đường biển. Khủng hoảng nhập cư đang là một trong những vấn nạn khiến các nước châu Âu đau đầu trong những năm gần đây.
Đầu năm 2015, Ủy ban châu Âu (EC) đã phân bổ hạn ngạch người tị nạn cho các nước thành viên dựa trên dân số và GDP của mỗi nước. Tuy nhiên khi các nước vẫn còn đang tranh cãi thì đã nổ ra cuộc khủng hoảng tị nạn và nhập cư. Do vậy đầu tháng 3 năm nay, EC đã phải đưa ra dự thảo cải cách quy chế Dublin. Theo quy chế sửa đổi, quốc gia nào không muốn nhận lại người tị nạn bị trả về thì phải nộp tiền, mỗi đầu người là 250.000 Euro/năm, trả trực tiếp cho nước chứa người tị nạn. Nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã kịch liệt phản đối điều lệ mới này, đặc biệt là các nước Đông Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijarto đã gọi đó là hành vi “tống tiền”. |