TIN LIÊN QUAN | |
Cây đại thiêng liêng | |
Vụ án “Cách mạng Pháp” |
Cô kỹ sư Nelsson 27 tuổi, tóc nâu vàng, mắt xanh, điển hình một cô gái Thụy Điển tuy người không cao như đa số thiếu nữ ở đây. Cô thích độc lập trong cuộc sống. Cũng như các thanh niên đã đi làm, cô không ở với người mẹ mà ở một mình một biệt thự 6 buồng, chỉ cách Thủ đô 25 phút tàu điện. Tôi hỏi cô về hôn nhân và vấn đề nam nữ:
- Tôi được biết nam nữ ở đây ăn ở với nhau không cưới xin là chuyện bình thường?
- Hiện tượng ấy đã đi vào phong tục. Người ta cũng không để ý xem cặp nào chung sống tự do hay đã làm lễ cưới vì đó là chuyện riêng của mỗi gia đình.
- Về phần cô thì thế nào?
- Hẳn là tôi cũng chung sống tự do khi gặp người hợp. Sau đó độ hai năm, thấy ổn, mới làm lễ cưới, nhất là nếu có con. Mấy năm gần đây, lễ cưới và gia đình lại được đề cao.
Ở thành phố Gooteborg, tôi trọ tại một gia đình mà ông bà chủ khoảng 40 tuổi, bà Amita là một nhà giáo Thụy Điển, suốt ngày bận hoạt động nghề nghiệp và xã hội, tối mới về. Ông Gachon là người Pháp, làm nấu bếp, mới học hết sơ học. Năm 1978, nhân nghỉ hè ở Tây Ban Nha, họ gặp nhau và yêu nhau - bà 24, ông 28 tuổi. Bà bảo ông sau khi học xong một khóa học ở Pháp: “Nếu anh muốn biết nước tôi thì sang với tôi!”. Thế là ông theo bà sang Thụy Điển, họ ở với nhau chả cưới xin gì đã hơn chục năm nay, vẫn thấy hạnh phúc. “Thế hệ tôi - bà nói - quan niệm sống không cưới xin là lẽ tự nhiên, cần gì lễ nhà thờ hay đăng ký chính quyền. Bà cho sống như vậy đỡ nhàm và tôn trọng nhau hơn. Tôi hỏi riêng ông: “Sự khác biệt văn hóa có cản trở tình cảm giữa ông bà không?”.
- Không! Chúng tôi bổ sung cho nhau!
Phong trào chung sống không cưới xin không phải chỉ đặc trưng cho Thụy Điển mà là nét sống chung của Tây Âu và Mỹ độ mấy chục năm nay. Đây là kết quả một quá trình diễn biến bao gồm nhiều yếu tố phức tạp: sự giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng nội trợ. Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều vào công tác xã hội, kinh tế độc lập, sự phát triển cá nhân, cuộc cách mạng tình dục...
Không nên hiểu đơn giản “chung sống tự do” chỉ là do bừa bãi, thỏa mãn dục tình, vô trách nhiệm. Ở Thụy Điển, dường như lý luận về chủ trương này trên bình diện đạo đức xã hội đã xuất hiện cách đây một thế kỷ rưỡi trong một tác phẩm của nhà văn lãng mạn - hiện thực lớn của thế kỷ XIX: Almqvist (1793-1866) với cuốn tiểu thuyết Được, thế là ổn! là một bản tham luận chống hôn nhân, chủ trương quan hệ nam nữ tự do, xây dựng trên thông cảm về mặt tâm hồn, ăn ở và kinh tế độc lập.
Tiểu thuyết kể về một cuộc gặp gỡ trên tàu thủy giữa hạ sĩ quan Albert và Sara, một cô gái đảm đang. Do thấy mẹ bị khổ vì bố, cô không muốn cưới xin để giữ tính độc lập. Hai người yêu nhau trong chuyến đi và trao đổi ý kiến về tình yêu, hôn nhân. Sara nói: “Anh yêu em, em yêu anh, điều đó là thật. Được thế là nhiều lắm! Nhưng nếu chúng ta lại muốn có chung một mớ điều không cần thiết, thì điều gì sẽ xảy ra…Thường thì những điều thề thốt yêu đương chỉ là những từ trống rỗng khi không ai giữ được điều không ai giữ nổi! Từ nãy, em đã nói em sẽ khiến cho anh không chịu nổi em, nhưng cũng có thể là anh sẽ làm cho em không chịu nổi anh. Vậy thì những lời thề vàng do lễ cưới mang lại sự an ủi gì? Đó chẳng qua chỉ là tấm biển quảng cáo ở cửa hiệu. Khách hàng vào hỏi mua thứ hàng quảng cáo, nhưng trong không có bán. Khách sẽ tức giận bỏ đi và nhổ vào biển... Em cũng từng thấy một hai cặp sống hạnh phúc với nhau, nhưng đấy không phải do được ban phước trong lễ cưới mà vì họ toàn tâm toàn ý với nhau, hay ít nhất là toàn tâm tới mức cần thiết, cái đó mới hiệu nghiệm. Em tin là đàn ông, đàn bà không bao giờ nên sống cái gì cũng dính với nhau, vì những người yêu nhau, quá chú ý đến nhau thường hay bắt ne bắt nét nhau nên dễ gây tổn thương hơn là người chịu nhìn sự việc một cách khách quan.
Mà còn điều này nữa: Công việc của anh thường phải đi nhiều phải không?
Đúng! Anh phải đi, không tránh được!
Em sẽ rất vui nghĩ về anh khi anh không có nhà... Rồi anh sẽ về và mỗi lần về sẽ được hoan nghênh gấp đôi!
Bằng cách ấy, tình yêu sẽ bền mãi. Anh sẽ đỡ thấy em rầu rĩ đủ kiểu, khó chịu... Vâng, vào những lúc hoàn toàn không cần thiết gặp nhau. Và cả anh nữa, cũng sẽ có những lúc như vậy, vì anh Albert ạ, anh cũng là một con người, em cũng khỏi gặp anh những lúc đó!
Nếu em ốm, anh sẽ ngồi bên giường em!
Điều đó còn tùy theo tính chất bệnh, anh Albert thân mến ạ! Em thích cô hầu Mary bên em hơn. Mary thông thạo hơn... Chỉ khi nào... em sắp chết, em muốn anh xuống buồng em, đến với em, vì em muốn bàn tay anh là cái cuối cùng em sẽ hôn trong cõi đời này!...”.
Quan niệm hôn nhân của Almqvist cuối thế kỷ XIX nghe ra có vẻ hợp tình hợp lý. Nó được áp dụng không ít ở Bắc Âu nhưng hẳn chưa thích hợp với phong tục các nước trên thế giới, nhất là ở phương đông mà gia đình vẫn còn là trụ cột kinh tế và tình cảm của xã hội.
Gặp nhà văn hóa tuổi bách niên Chạm đến mốc 100 tuổi đã thuộc hàng "xưa nay hiếm", nhưng bách niên mà vẫn đều tay cho ra lò những tác phẩm báo ... |
Hội ngộ văn hóa trong “ngôi nhà đối ngoại” ngày Xuân Ngày 15/1, tại Hà Nội, Quỹ Từ thiện Văn hóa Hà Nội, NXB Thế giới và Hội những người bạn di sản Việt Nam (FVH) ... |
Không khí thiền môn Cách trung tâm Hà Nội chục cây số, có chùa Bảo Tháp bên dòng sông Nhuệ, nằm trên đất hoa sen (Liên Hoa) trải dài ... |