📞

Hong Kong áp dụng trí thông minh nhân tạo nhận biết cảm xúc của học sinh

Châu Khánh Tâm 09:04 | 26/02/2021
TGVN. Nhận biết cảm xúc, thái độ, hành vi của học sinh trong giờ học là một trong những yếu tố quan trọng để giáo viên đánh giá được chất lượng bài giảng của mình. Tuy nhiên, điều này gặp khó khăn trong bối cảnh học trực tuyến để ngăn chặn sự lây lan của virus SAR-CoV-2. Trí thông minh nhân tạo sẽ giúp giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, ông Ka Tim Chu, giáo viên và là Hiệu phó của trường Trung học True Light tại Hong Kong (Trung Quốc) thường quan sát nét mặt của học sinh để nhận biết phản ứng của các em với bài giảng trên lớp.

Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh khiến cho các lớp học phải diễn ra trực tuyến, công nghệ mới đang giúp Chu và những giáo viên khác có thể theo dõi học sinh từ xa.

Trí tuệ nhân tạo theo dõi chuyển động của các cơ trên khuôn mặt của học sinh để đánh giá cảm xúc. (Nguồn: CNN)

Công nghệ tiềm năng

Công nghệ mới này có tên là 4 Little Trees và được phát triển bởi Find Solution AI, một công ty khởi nghiệp tại Hong Kong.

Trong khi việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện cảm xúc của học sinh tại các trường học đã và đang dấy lên nhiều nghi ngại, nhà sáng lập Viola Lam của Find Solution AI tuyên bố công nghệ này có thể biến “lớp học ảo” tốt bằng – hoặc thậm chí là tốt hơn – lớp học truyền thống.

Theo đó, học sinh sẽ làm bài kiểm tra và bài tập trên nền tảng này dựa trên chương trình học của nhà trường. Và trong quá trình học, trí tuệ nhân tạo sẽ ghi nhận cử động gương mặt của học sinh thông qua camera trên máy vi tính hoặc máy tính bảng, từ đó xác định những cảm xúc như hạnh phúc, buồn bã, tức giận, ngạc nhiên hoặc sợ hãi...

Ngoài ra, nền tảng này cũng đo lường khoảng thời gian học sinh cần để hoàn thành bài tập, chấm điểm; truy xuất báo cáo về điểm mạnh, điểm yếu và mức độ hứng thú của học sinh cũng như dự đoán thành tích của các em.

Chương trình này có thể đáp ứng nhu cầu của từng học sinh và tập trung vào những lỗ hổng kiến thức, từ đó thiết kế bài kiểm tra theo hình thức trò chơi nhằm biến việc học trở nên vui vẻ và thú vị hơn.

Theo bà Viola Lam, học sinh sẽ đạt thành tích học tập tốt hơn 10% nếu sử dụng phần mềm 4 Little Trees.

Bà Viola Lam, trước đây từng là một giáo viên, nhớ lại bà đã từng phát hiện ra rằng một số học sinh chỉ phát hiện ra lỗ hổng kiến thức của bản thân khi nhận được kết quả thi – nhưng lúc đó thì đã “quá trễ”.

Bà đã triển khai 4 Little Trees vào năm 2017 với nguồn tài trợ 5 triệu USD nhằm tạo điều kiện cho các giáo viên “can thiệp sớm hơn”. Trong năm vừa qua, số lượng trường học tại Hong Kong sử dụng phần mềm này đã tăng lên từ 34 lên 83 và chi phí cho mỗi học sinh là từ 10 đến 49 USD mỗi học kỳ.

Bà Viola Lam nhấn mạnh, công nghệ này đặc biệt hữu ích với giáo viên trong thời kỳ dịch Covid-19 bởi nó cho phép giám sát cảm xúc của học sinh trong quá trình học từ xa.

Ông Ka Tim Chu tin rằng, những lợi ích của công nghệ này sẽ tiếp tục được ứng dụng ngay cả khi đại dịch được kiểm soát bởi nó hỗ trợ giáo viên biên soạn các bài tập và bài thi phù hợp với từng học sinh. Bên cạnh đó, phần mềm này có thể chú ý đến cảm xúc của từng học sinh, thậm chí trong một lớp có sĩ số đông.

Nhiều trở ngại

Tích cực là vậy, nhưng công nghệ giám sát khuôn mặt của học sinh lại dấy lên những mối quan ngại về quyền riêng tư.

Tại Trung Quốc, công nghệ phân tích dữ liệu sinh trắc với mục đích giám sát tại các trường học và nơi công cộng đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Theo nhà sáng lập 4 Little Trees, công nghệ này giải mã cảm xúc bằng cách ghi nhận những dữ liệu về cử động của gương mặt, nhưng nó không quay phim gương mặt của học sinh.

Pascale Fung, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong khẳng định, "sự minh bạch" chính là chìa khóa đảm bảo quyền riêng tư của học sinh.

Bà cho rằng, các nhà phát triển ứng dụng cần phải xin ý kiến từ phụ huynh trước khi thu thập dữ liệu của học sinh cũng như việc xử lý dữ liệu này.

Vấn đề chủng tộc cũng được đặt ra khi một số công nghệ phân tích cảm xúc gặp vấn đề trong việc xác định cảm xúc của những gương mặt có làn da sẫm màu hơn. Một phần lý do của tình trạng này xuất phát từ thuật toán bị ảnh hưởng bởi người viết,

Theo bà Viola Lam, 4 Little Trees được xây dựng phù hợp với đặc điểm nhân khẩu của học sinh Hong Kong. Cho đến nay, phần mềm này hoạt động khá tốt tại đặc khu này với thành phần chủ yếu là người Hoa, nhưng những cộng đồng đa văn hóa, đa sắc tộc hơn sẽ là một thử thách lớn đối với ứng dụng này.

Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo dần cải tiến, bà Viola Lam hy vọng sẽ phát triển ứng dụng cho các doanh nghiệp và trường học nhằm hiểu rõ hơn nhu cầu của người tham gia, từ đó gia tăng hiệu quả của những cuộc họp và hội thảo trực tuyến...

(theo CNN)