📞

Hong Kong, Singapore lọt Top 4 thế giới về chỉ số tự do kinh tế

18:21 | 03/02/2016
Hong Kong, Singapore, New Zealand và Thụy Sỹ là Top 4 thế giới về chỉ số tự do kinh tế theo báo cáo Quỹ Heritage Foundation.

Hồng Kông tiếp tục là nền kinh tế “tự do nhất thế giới”. (Nguồn: AP)

Theo báo cáo "Chỉ số tự do kinh tế 2016" của Quỹ Heritage Foundation, Hong Kong tiếp tục là nền kinh tế “tự do nhất thế giới”. Hong Kong từ lâu vốn nổi tiếng về luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh, cánh cửa rộng mở đối với các dòng chảy thương mại và tài chính.

“Người Hong Kong có thể tiếp cận việc làm dễ dàng hơn với mức lương cao hơn, có tuổi thọ dài hơn, và được sống trong môi trường tốt hơn. Tất cả những điều này đi cùng với tự do kinh tế”, ông Ed Feulner, nhà sáng lập Heritage Foundation nói.

Theo The Straits Times, lần thứ 22 liên tiếp, Singapore được xếp thứ hai thế giới về mức độ tự do của nền kinh tế. Cụ thể, nước này đạt 87,8 điểm trong báo cáo Chỉ số Tự do kinh tế 2016, kém “quán quân” Hồng Kông 0,8 điểm. “Dù tăng trưởng có chậm đi nhưng sự cởi mở với thương mại và đầu tư toàn cầu, môi trường quản lý minh bạch cùng quyền sở hữu tài sản được đảm bảo chắc chắn đã giúp khu vực kinh tế tư nhân của Singapore hoạt động linh hoạt và đầy sáng tạo”, báo cáo nêu rõ.

Thụy Sỹ là đất nước tự do nhất về kinh tế ở châu Âu. Chỉ số này của Thụy Sỹ đã tăng 0,5 điểm, lên 81 điểm, và đứng thứ tư trong xếp hạng toàn cầu. Theo Heritage Foundation, mở cửa thương mại và đầu tư toàn cầu đã giúp Thụy Sỹ trở thành một trong những nền kinh tế cạnh tranh và sáng tạo nhất thế giới.

Cũng theo báo cáo trên, chỉ số tự do kinh tế 2016 của Việt Nam đã tăng tới 2,3 điểm - lên 54 điểm, đứng thứ 131 trên thế giới và đứng thứ 27 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế thị trường theo định hướng cởi mở hơn và dần dần hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu với những cải cách bao gồm tư nhân hóa một phần các doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa các cơ chế thương mại và đầu tư, hiện đại hóa ngành tài chính.

Trong khi đó, Anh được xếp thứ 10, Mỹ thứ 11, Đức thứ 17, Pháp đứng thứ 75, Italy đứng thứ 86 và một số nước Nam Mỹ rơi vào loại xếp hạng thấp. Đứng ở hai vị trí áp chót lần lượt là Cuba (thứ 177) và Triều Tiên (thứ 178). Chỉ số trên được tính toán dựa trên 10 yếu tố gồm: chỉ số tham nhũng trong chính phủ, các rào cản đối với thương mại quốc tế, thuế thu nhập và thuế suất doanh nghiệp, chi tiêu chính phủ, quy định của pháp luật và khả năng thực hiện hợp đồng, gánh nặng quản lý, hạn chế ngân hàng, nội quy lao động và các hoạt động thị trường chợ đen.

(Tổng hợp)