Giọng ca người Hà Nội vào miền đất phương Nam từ khi tròn 20 tuổi mang theo nỗi nhớ cồn cào mỗi khi thu sang, đông về. Và nỗi nhớ đã gọi thành tên khi gió lạnh về, nhắc nhớ nhung thêm nhiều nữ pa Hồng Nhung lại về trở về với vòng tay yêu thương của khán giả Hà thành. Chị hát bằng tất cả cảm xúc của người Hà Nội xa xứ khát cháy yêu thương, nồng nàn nỗi nhớ.
“Mỗi khi thu sang, đông về tôi lại nhớ cái lạnh của sáng sớm Hà Nội đến cồn cào. Nỗi nhớ ấy khiến tôi muốn trở về nhà, trở về vòng tay yêu thương”, nữ pa chia sẻ.
Là một trong những “nàng thơ” của cố nhạc sỹ tài ba Trịnh Công Sơn, gắn bó với nhạc của ông nên pa đã hát nhạc Trịnh bằng tất cả những gì đắm say, yêu thương nhất, với những ca khúc bất hủ như Ru em từng ngón xuân nồng, Tuổi đá buồn, Bống không là bống, Cuối cùng cho một tình yêu… Có lẽ chính bởi sự gắn bó thân thiết, đã khiến Hồng Nhung cảm nhận được sâu xa từng câu từ trong âm nhạc mang đầy tính tự sự của vị nhạc sỹ tài ba.
Nhạc Trịnh đã thành một phần trong kho nghệ thuật riêng của Hồng Nhung. Đa phần ở sân khấu nào, Hồng Nhung xuất hiện cũng cùng với một hoặc hai nhạc phẩm của Trịnh. Đó là cách để Bống Hồng Nhung nhắc nhớ đến một người anh, một người bạn thân đến nỗi “không biết gọi là gì”.
Còn với Phú Quang, Hồng Nhung cũng là một giọng ca được sự ưu ái, một giọng ca có vị trí trong những đêm nhạc của ông. Hồng Nhung một người Hà Nội đi xa khi trở về với nỗi khắc khoải nhớ những ngõ nhỏ, phố nhỏ đều gửi gắm tình cảm trong từng ca từ. Hồng Nhung hát nhạc Phú Quang bằng tất cả xúc cảm nhớ nhung, da diết nhất. Đó là nỗi nhớ Hà Nội được gọi thành tên luôn thân quen mà mới lạ, xúc cảm trong từng sự chuyển động của ca từ.
“Khúc tình xưa” còn có sự tham gia của các ca sỹ nổi tiếng đang được khán giả Thủ đô yêu mến như Lệ Quyên, Quang Dũng, Lê Hiếu hứa hẹn sẽ là món quà đặc biệt ý nghĩa chào đón năm mới 2015.
A.L