📞

Họp Đại sứ EAS tại Jakarta đề cập vấn đề Biển Đông

Hà Anh 08:50 | 18/10/2019
TGVN. Tại Cuộc họp Đại sứ các nước thành viên Cấp cao Đông Á (EAS), ngày 17/10 tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia), các nước cho rằng diễn biến phức tạp tại Biển Đông có nguy cơ làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến COC.
Các Đại sứ EAS chụp ảnh tại sự kiện. (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN)

Đây là cuộc họp lần thứ hai của năm 2019, kiểm điểm tiến trình hợp tác trong các lĩnh vực thuộc khuôn khổ Cấp cao Đông Á (EAS) và chuẩn bị cho EAS lần thứ 14 tại Bangkok vào ngày 4/11.

Tại cuộc họp, các nước đánh giá cao kết quả các hoạt động hợp tác đã được triển khai nhằm thực hiện Tuyên bố của các EAS từ năm 2005 đến nay và các lĩnh vực ưu tiên thuộc Chương trình Hành động Manila 2017 về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường kết nối ASEAN, hợp tác biển, công nghệ thông tin và truyền thông (ICTs), hợp tác năng lượng, môi trường, các vấn đề liên quan sức khoẻ toàn cầu và quản lý thiên tai…

Các nước đối tác của ASEAN khẳng định cam kết tiếp tục cùng các nước ASEAN triển khai hiệu quả hợp tác trong khuôn khổ EAS.

Cuộc họp cũng ghi nhận công tác chuẩn bị về hậu cần và nội dung các dự thảo văn kiện trình để thông qua tại EAS-14 tại Bangkok ngày 4/11 sắp tới đã cơ bản hoàn tất. Dự kiến Lãnh đạo các nước tham gia EAS sẽ thông qua 3 Tuyên bố quan trọng làm cơ sở cho tăng cường hợp tác ở khu vực, bao gồm Tuyên bố về việc ngăn chặn sản xuất trái phép, buôn lậu và sử dụng ma túy, Tuyên bố về hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia và Tuyên bố về quan hệ đối tác vì phát triển bền vững.

Các nước đối tác đánh giá cao việc các Lãnh đạo ASEAN thông qua Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và làm cầu nối cho hợp tác hiệu quả.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các nước cũng khẳng định quyết tâm hoàn tất đàm phán RCEP trong năm 2019.

Các nước đối tác của ASEAN cũng chia sẻ các đánh giá tích cực về quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời, bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông, các hoạt động quân sự, cản trở các hoạt động khai thác hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển theo luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982… có nguy cơ làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC. Các nước cũng nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không quân sự hoá, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, các nước bày tỏ quan ngại về các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan duy trì đối thoại về phi hạt nhân hóa, góp phần bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN)