Từ ngày 23 tháng 02 đến ngày 08 tháng 3 năm 2019, tai thủ đô Santiago, Chile đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất các Quan chức cao cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và 54 cuộc họp các ủy ban, nhóm công tác liên quan.
Đây là chuỗi các Hội nghị chính thức đầu tiên của APEC trong năm 2019, tập trung thảo luận chủ đề, ưu tiên và kế hoạch công tác của các ủy ban và nhóm công tác nhằm từng bước chuẩn bị cho các Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị Cấp cao APEC sẽ diễn ra trong năm nay.
Hội nghị lần thứ nhất các Quan chức cao cấp (SOM 1) APEC 2019 |
Tham dự Hội nghị có các Quan chức cao cấp (SOM) và đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC). Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện các bộ: Công Thương, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.
Tại Hội nghị, các thành viên APEC cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh thương mại gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với APEC, đánh dấu đúng 30 năm thành lập Diễn đàn, là thời điểm APEC cần đẩy nhanh nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 và xây dựng Tầm nhìn sau năm 2020.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (thứ 2, từ trái), đại diện Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG) tham dự cuộc họp lần thứ 3 Nhóm AVG. (ảnh KTĐP) |
Hội nghị nhất trí thông qua chủ đề của Năm APEC 2019 do Chile đề xuất“Kết nối con người, xây dựng tương lai” với bốn ưu tiên, gồm “Xã hội số”, “Liên kết 4.0”, “Phụ nữ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng trưởng bao trùm” và “Tăng trưởng bền vững”. Các thành viên khẳng định mạnh mẽ quyết tâm tiếp tục thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, triển khai các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ, tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy kinh tế mạng, kinh tế số, hướng tới mục tiêu xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Hội nghị cũng trao đổi nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, nổi bật là tăng trưởng bao trùm đối với phụ nữ, bảo vệ hệ sinh thái biển và đại dương, giảm rác thải nhựa ra đại dương, chống đánh bắt cá trái phép…
Triển khai chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 tại thành phố Đà Nẵng, xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 tiếp tục là một trong những trọng tâm thảo luận tại Hội nghị lần này. Tại Cuộc họp lần thứ ba Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG), các thành viên AVG trao đổi sâu sắc về định hướng và các mục tiêu dài hạn của APEC, đề xuất nhiều khuyến nghị cụ thể nhằm duy trì vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, là động lực của tăng trưởng và liên kết khu vực và toàn cầu. Với vai trò là nước khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 và Phó Chủ tịch Nhóm AVG, Việt Nam đã đóng góp tích cực và hiệu quả, tham gia điều hành Cuộc họp và đề xuất nhiều chính sách quan trọng về Tầm nhìn APEC sau năm 2020.
Các đại biểu tham dự Cuộc họp lần thứ ba Nhóm AVG (ảnh KTĐP) |
Đây là lần thứ hai Chile, nền kinh tế phát triển hàng đầu khu vực Mỹ La tinh và thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đăng cai Năm APEC sau 25 năm gia nhập Diễn đàn. Chile đã và đang nỗ lực hết sức, phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế chủ nhà những năm gần đây và sắp tới, gồm Việt Nam (2017), Papua New Guinea (2018), Malaysia (2020), New Zealand (2021) và các thành viên thúc đẩy quá trình chuẩn bị, hướng tới Tuần lễ Cấp cao đánh dấu 30 năm thành lập APEC vào tháng 11 sắp tới.