Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn báo chí ngày 15/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Quyết tâm và cam kết chính trị ở cấp cao nhất
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, kết quả Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 có ý nghĩa quan trọng, vì:
Một là, đứng trước nhu cầu cấp bách cần hợp tác quốc tế chặt chẽ chống lại dịch bệnh Covid-19, “kẻ thù chung” của toàn nhân loại mà không một quốc gia nào, dù mạnh hay giàu đến đâu có thể một mình ứng phó, Hội nghị đã khẳng định sự đồng lòng và cam kết ở cấp cao nhất về sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các nước, thống nhất các ưu tiên chính sách và phối hợp hành động cụ thể.
Hai là, các Hội nghị đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của các Nhà Lãnh đạo gửi tới nhân dân và doanh nghiệp rằng người dân các nước nhận được sự quan tâm, chăm sóc về sức khỏe, cuộc sống và bảo hộ quyền lợi chính đáng dù họ ở bất cứ đâu; các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, tạo điều kiện để vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động và tiếp tục phát triển.
Ba là, qua Hội nghị, các nước có được thêm kinh nghiệm, cách thức và nguồn lực để tự tin ứng phó với dịch Covid-19.
Bốn là, Hội nghị cũng chuyển tải thông điệp ra thế giới rằng các nước ASEAN và ASEAN +3 ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, đầu tư và quyết tâm để khu vực Đông Á tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Thứ trưởng cho biết, tại hai Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này, các Nhà Lãnh đạo đã trao đổi các biện pháp cụ thể liên quan đến 3 nội dung chính: đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ lợi ích của người dân, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh và các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu dich bệnh.
Hợp tác chống Covid-19 trong ASEAN và ASEAN+3 thời gian tới ► Chia sẻ kịp thời và minh bạch thông tin và kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao năng lực và tăng cường nguồn lực thông qua các sáng kiến lập Quỹ hợp tác ứng phó Covid-19, hình thành kho dự phòng vật tư y tế, tổ chức diễn tập mô phỏng về ứng phó dịch bệnh, lập mạng lưới các chuyên gia y tế công; ► Đặt người dân ở vị trí trung tâm trong mọi nỗ lực ứng phó dịch, bảo đảm người dân được chăm sóc sức khỏe, điều trị, hỗ trợ lãnh sự và đối xử công bằng, không bị kỳ thị; ► Kịp thời hỗ trợ cho các nhóm yếu thế trong xã hội, đảm bảo sinh kế cho người dân, đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng, duy trì các hoạt động giao thương, triển khai các gói hỗ trợ kinh tế, tài chính để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; ► Duy trì thị trường mở, nâng cao khả năng sẵn sàng và tự cường trong ứng phó với tình huống khẩn cấp trong tương lai, tăng cường thương mại nội khối ASEAN, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế đang trong quá trình đàm phán, tận dụng và phát huy vai trò của các cơ chế hiện có như Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3, Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai… |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: BC) |
Ba từ khóa quan trọng
Vai trò và đóng góp của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020 đối với nỗ lực hợp tác chung của khu vực chống dịch Covid-19 được Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khái quát qua 3 từ khóa: thích ứng, chủ động và linh hoạt.
Thích ứng thể hiện ở khía cạnh trong tình hình khẩn cấp xảy ra, Việt Nam nhanh chóng xác định cần chuyển trọng tâm hoạt động trong ASEAN, theo đó Việt Nam phối hợp với các nước ASEAN tập trung vào hợp tác ứng phó dịch bệnh, coi đây là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam chủ động đề xuất và điều phối các nỗ lực hợp tác trong ASEAN và với các đối tác. Trong nội bộ ASEAN, trước khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch, Việt Nam đã chủ động và kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch bệnh Covid-19, sớm triệu tập Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (1), đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Nhóm công tác đã họp và đề xuất các khuyến nghị trình lên các Bộ trưởng (2) và Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 ngày 14/4. Việt Nam đã rất nỗ lực dự thảo, điều phối, điều hòa để đạt được 2 Tuyên bố chung của hai hội nghị Cấp cao này.
Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác của ASEAN với các nước và tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp của ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới và sắp tới sẽ còn nhiều cuộc họp khác nữa.
Trước việc không thể áp dụng phương thức truyền thống là gặp gỡ và họp trực tiếp do dịch bệnh, Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc điện đàm giữa các nhà Lãnh đạo và tận dụng nền tảng công nghệ thông tin, linh hoạt thúc đẩy tổ chức nhiều cuộc họp bằng hình thức trực tuyến trong ASEAN cũng như với các đối tác, góp phần duy trì kết nối, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phản ứng nhanh và kịp thời để giải quyết vấn đề cấp thiết chung của khu vực.
Những điều chỉnh cần thiết và kịp thời
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều hoạt động, chương trình đã được ASEAN nhất trí và đưa vào kế hoạch, trong đó có các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Tiến độ triển khai các ưu tiên hợp tác cũng bị ảnh hưởng.
“Trong bối cảnh đó, Việt Nam, trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đã linh hoạt chuyển hướng, đồng thời có những điều chỉnh cần thiết và kịp thời đối với kế hoạch tổ chức các hoạt động nói trên. Phải nói rằng, việc điều chỉnh này là quyết định hết sức khó khăn nhưng chúng ta quyết tâm làm và được các nước ủng hộ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN tổ chức các Hội nghị cấp cao theo hình thức trực tuyến. Điểm thuận lợi của hình thức họp trực tuyến là tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tổ chức và đi lại.
Tuy nhiên, hình thức họp mới này cũng đặt ra một số khó khăn, thách thức, đặc biệt là đòi hỏi nền tảng công nghệ cao và đồng bộ giữa các nước, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; hay như không dễ để hài hòa về mặt thời gian do sự khác nhau về múi giờ giữa các nước.
Họp trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn phương thức họp truyền thống. Mặc dù vậy, trong hoàn cảnh hiện nay với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và tình hình cấp bách, đây là hình thức tối ưu và cũng có thể coi như một đợt thử nghiệm về cách thức họp mới, có thể phát huy đối với một số cuộc họp của ASEAN trong tương lai.
“Thực tế là, các Hội nghị Cấp cao theo hình thức trực tuyến vừa qua đã diễn ra rất thành công với hình ảnh và âm thanh rõ nét, đường truyền thông suốt. Mặc dù còn vài điểm có thể khắc phục để làm tốt hơn, tôi tin rằng đây là cách làm hiệu quả, thể hiện sự chủ động, linh hoạt của nước Chủ tịch và rất kịp thời, phù hợp với tình hình hiện nay. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc, do đó, chúng ta chưa thể khẳng định ngay sẽ tổ chức các cuộc họp sắp tới của ASEAN theo hình thức nào. Tuy nhiên, nhu cầu hợp tác vẫn tiếp tục, và chúng ta đang chuẩn bị mọi mặt để dù bằng phương cách nào, các cuộc họp sẽ được tổ chức chu đáo, và thuận lợi nhất cho tất cả các nước tham gia”. (Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020) |
(1) Gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
(2) Ngoại giao, Y tế, Kinh tế, Lao động, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông