Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh". |
Hội thảo là hoạt động chính thức đầu tiên nhằm triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp năm 2022 giữa hai Chính phủ, nhân kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (11/9/1973-11/9/2023).
Chính phủ Anh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đối với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam thông qua các hoạt động thuộc dự án Chương trình EU VET Toolbox; các chương trình đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho giáo viên dạy nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN; liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức cấp phát bằng của Anh…
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew chia sẻ tại Hội thảo. |
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nêu rõ, hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Vương quốc Anh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đây là dấu mốc quan trọng và có ý nghĩa đối với hai quốc gia, thể hiện tầm vóc mới của quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh - cường quốc phát triển toàn cầu với Việt Nam - một quốc gia ASEAN đang phát triển năng động tại khu vực chiến lược Đông Nam Á. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được thực thi, mang lại những kết quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế, thương mại của hai quốc gia.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế và hội nhập quốc tế vẫn là một thách thức đối với Việt Nam.
Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực châu Á-Thái Bình Dương trao Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hiệp hội Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc. |
Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động chất lượng cao của Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với tương quan chung trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, tại trụ cột 6 về nhân lực, kỹ năng của lao động Việt Nam chỉ đứng thứ 93 so với 140 nền kinh tế được đánh giá.
Vì thế, việc hợp tác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các nước trong khu vực và trên thế giới được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm.
Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam chia sẻ: "Là một đối tác đối thoại gần đây của ASEAN, Anh lựa chọn Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong chiến lược giáo dục ASEAN. Vương quốc Anh mong muốn xây dựng danh tiếng của mình cả trong khu vực rộng lớn hơn và song phương với những người bạn như Việt Nam, với tư cách là một đối tác lâu dài, đáng tin cậy".
Các chuyên gia tại Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh". |
Với 3 phiên làm việc: tối đa hóa sự tham gia của ngành trong việc phát triển kỹ năng; đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo kỹ năng; và kỹ năng mới cần thiết để thích nghi với Nền công nghiệp 4.0, hội thảo là cơ hội để các đối tác, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Anh chia sẻ về thế mạnh, ưu tiên hợp tác với Việt Nam. Từ đó, hai bên cùng thống nhất các hoạt động, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Trước mắt, Vương quốc Anh sẽ tập trung vào việc hỗ trợ chính sách cấp vĩ mô thông qua chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong giáo dục nghề nghiệp của Anh trong việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy công nghệ số trong đào tạo trực tuyến; phát triển các kỹ năng liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; phát triển hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ phát triển các chương trình tiếng Anh; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của hai nước…
Trong khuôn khổ hội thảo, Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hiệp hội Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) đã diễn ra.
Theo Biên bản ghi nhớ, phía Anh sẽ hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng, phát triển Chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho giảng viên ngành, nghề kế toán và kinh doanh của các trường cao đẳng đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế; trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng làm việc ở trình độ cao trong lĩnh vực kế toán, quản trị, tài chính; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc nâng cao kỹ năng trong đào tạo nghề, đào tạo gắn với với nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực kế toán, kinh doanh nói riêng.
Đồng thời, Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ các trường cao đẳng tại Việt Nam triển khai đào tạo chương trình học và thi để cấp Chứng chỉ quốc tế Diploma về Kế toán và Kinh doanh theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực kế toán, tài chính, kinh doanh.
| Điều chỉnh phụ cấp nhà giáo cần gắn với Chương trình cải cách chính sách tiền lương Về điều chỉnh phụ cấp nhà giáo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần có một cách ... |
| Chương trình phổ thông mới 'mở' hơn, giáo viên chuyển từ truyền thụ kiến thức sang định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mang tính "mở", giáo viên chuyển mạnh từ vai trò người truyền thụ kiến thức sang định hướng. |
| Kết quả bất ngờ khi khảo sát chọn môn thi lớp 10 tại Hà Nội Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết sau khảo sát lấy ý kiến thầy cô giáo về nội dung kỳ thi tuyển sinh vào ... |
| Mức học phí mới nhất của Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh vừa điều chỉnh mức học phí cho sinh viên chính quy với các mức cụ thể như ... |
| Năm 2023, phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải có gì mới? Năm 2023, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải dự kiến tuyển 4.000 chỉ tiêu bằng 5 phương thức tuyển sinh. |