📞

Hợp tác khoa học Việt – Pháp: Lĩnh vực không biên giới

14:12 | 01/09/2016
Chúng ta đang cùng đi trên một con tàu trong một thế giới “phẳng”. Việc hợp tác nghiên cứu khoa học để tìm ra chìa khóa cho các vấn đề toàn cầu là vô cùng cần thiết.

Đó là thông điệp của ông Jean-Marc Châtaigner, Tổng Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu vì sự Phát triển (IRD) và ông Michel Eddi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự Phát triển (Cirad) tại buổi trả lời phỏng vấn báo giới trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vừa qua.

Lãnh đạo IRD và Cirad trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Phạm Hằng/TGVN)

Giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu

Ông Michel Eddi cho biết, lý do lãnh đạo IRD và Cirad cùng nhau thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam trước hết bởi vì quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam là mối quan hệ hợp tác lâu đời. Hợp tác khoa học giữa các viện nghiên cứu của Pháp và Việt Nam, mà cụ thể là giữa IRD, Cirad và các viện nghiên cứu Việt Nam là một tiến trình mà các bên đã cùng nhau thúc đẩy trong suốt 25 năm qua. “Chúng tôi mong muốn tiến trình này còn tiếp tục trong 25 năm tới”.

Chuyến thăm của hai nhà khoa học cũng nằm trong khuôn khổ chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Pháp vào đầu tháng 9, đánh dấu sự phát triển đáng kể trong quan hệ hợp tác lâu đời giữa hai nước.

Nhà khoa học Michel Eddi nhận định các nước phát triển, trong đó có Pháp, đang phải nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đưa ra chính sách phù hợp và đồng thời hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam có một nền nông nghiệp thích nghi với biến đổi khí hậu. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nền khoa học và công nghệ Pháp. Do đó, việc hợp tác giữa Pháp và Việt Nam nói riêng, cũng như việc hợp tác giữa các nước trên thế giới nói chung trở nên hết sức cần thiết.

“Chúng ta chỉ có 30 năm để giải quyết vấn đề, tìm ra các phương tiện, giải pháp thích hợp để Việt Nam không những tiếp tục phát triển mà còn sản xuất được nguồn lương thực, thực phẩm chất lượng cao. IRD và Cirad có mặt để cùng Việt Nam tìm ra ‘chìa khóa’ cho vấn đề này”, ông khẳng định.

Với mục tiêu đó, theo ông Jean-Marc Châtaigner, hiện nay, IRD phát triển một chương trình nghiên cứu tại Việt Nam về mối tương quan giữa biến đổi khí hậu và một số lĩnh vực quan trọng.

Đầu tiên là lĩnh vực y tế. Biến đổi khí hậu làm thay đổi tự nhiên và môi trường. Sự thay đổi này sẽ tạo ra nhiều loại bệnh mới, cũng như nhiều cách thức lây lan bệnh tật. Thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Đây là ấn đề cốt lõi, vì vậy, các nhà khoa học Pháp đang hợp tác, nghiên cứu thực nghiệm cùng với các nhà khoa học Việt Nam về sản xuất lúa gạo nhằm tìm hiểu xem biến đổi khí hậu có ảnh hưởng như thế nào tới ngành sản xuất này. Thứ ba là nghiên cứu về môi trường biển và đại dương cũng như các vấn đề bờ biển. Biến đổi khí hậu tất yếu sẽ gây ra nhiều tác động tới đại dương và chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những trường hợp rủi ro có thể xảy ra.

Ảnh minh họa: Hợp tác giữa hai bên sẽ tập trung vào chủ đề biến đổi khí hậu, nông nghiệp và phát triển bền vững. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Năng lượng tái tạo-giải pháp tương lai

Hiện nay Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi mô hình năng lượng. Vị Tổng Giám đốc IRD cho rằng nỗ lực này thực sự cần thiết để Việt Nam đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Việt Nam nên đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo rất quan trọng đối với Pháp cũng như đối với các nước khác trong đó có Việt Nam.

Ông Jean-Marc Châtaigner chia sẻ, nếu Việt Nam có thể trực tiếp sản xuất được năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng hóa thạch thì đây sẽ là một bước tiến lớn, góp phần vào thành công của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris vừa qua. “5% năng lượng chúng tôi đang sử dụng là năng lượng tái tạo và con số này được kỳ vọng tăng lên 10% trong thời gian tới”, ông cho biết. Hàng năm, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam tăng từ 10-15% trong khi tăng trưởng kinh tế thấp hơn 10%. Do vậy, đa dạng hóa nguồn năng lượng là một chiến lược đúng đắn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải dựa vào nguồn năng lược hóa thạch trong khoảng từ 10 đến 20 năm tới.

Về lĩnh vực này, ông Michel Eddi đưa ra lập luận rằng việc Việt Nam lựa chọn nguồn năng lượng thay thế đang bị hạn chế vì lý do kỹ thuật. Ở Việt Nam chưa có năng lượng hạt nhân. Dù vấn đề kiểm soát nguồn năng lượng này khá khó khăn và đòi hỏi kỹ thuật cao song nhà khoa học Michel Eddi đề xuất Việt Nam có thể cân nhắc phát triển loại năng lượng đặc thù này khi ông đưa ra dẫn chứng ở Pháp, lượng điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân chiếm 75%. 

Pháp sẵn sàng cộng tác với Việt Nam cũng như các nước khác để chuyển sang sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo, giảm một phần phát thải khí đốt gây ô nhiễm. “Chúng ta phải sát cánh bên nhau trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Chúng ta chỉ có duy nhất một hành tinh Trái đất, nếu không chiến thắng trong cuộc chiến này thì tất cả sẽ phải đối mặt với đại họa”, ông Michel Eddi nói.

Cả hai nhà khoa học đều khẳng định IRD cũng như Cirad không bao giờ nghiên cứu độc lập mà luôn làm việc cùng nhau và sát cánh cùng với Việt Nam. Hai tổ chức nỗ lực làm việc với các trường đại học và thiết lập quan hệ đối tác khoa học với đối tác Việt Nam. Hiện nay không chỉ các chuyên gia Pháp sang Việt Nam nghiên cứu, mà các sinh viên Việt cũng có cơ hội tới Pháp để học tập, sau đó quay trở lại đóng góp cho đất nước. IRD và Cirad đang tiến hành thiết lập các mối liên kết toàn cầu, tổ chức các cuộc gặp gỡ mang tính quốc tế và mời những chuyên gia từ Việt Nam tới cùng thảo, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về các vấn đề chung  như lũ lụt, hạn hán, bệnh dịch… Đây đều là những vấn đề chung của các nước trong khu vực nhiệt đới.

Tóm lại, hợp tác nghiên cứu khoa học có thể góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu. “Tất cả chúng ta, những người dân Pháp, Việt Nam và toàn thế giới không phân biệt giai cấp, giàu nghèo,… đang cùng đi trên một con tàu trong một thế giới ‘phẳng’. Nếu chúng ta đều tỏ ra thờ ơ với những nguy cơ đang diễn ra thì con tàu sẽ đi tới thảm họa. Vì vậy, việc hợp tác nghiên cứu khoa học là điều cần thiết. Các nước phải sát cánh cùng nhau để hướng tới một tương lai bền vững và tốt đẹp cho tất cả mọi người”, ông Jean-Marc Châtaigner kết lại sau cuộc trả lời phỏng vấn.