📞

Hợp tác phòng chống Covid-19: Điểm sáng mới trong quan hệ Việt-Trung

Hải Yến 10:03 | 18/01/2022
Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định, hợp tác phòng chống dịch Covid-19 là một điểm sáng mới trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì đà phát triển ổn định, tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Đại sứ Phạm Sao Mai phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. (Ảnh: Quang Hòa)

Xin Đại sứ cho biết những nét nổi bật trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2021?

Năm 2021, tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực, nhiều chiều tới chính trị, kinh tế toàn cầu, nhưng với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tích cực, đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Một là, tin cậy chính trị được tăng cường; giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt. Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1/2021), Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội hai nước lần lượt có các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến, đưa ra những định hướng lớn quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh trên các lĩnh vực.

Hợp tác, giao lưu kênh Đảng, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và các địa phương biên giới hai nước tiếp tục được tăng cường. Hai bên tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc (tháng 9/2021).

Mới đây nhất, đầu tháng 12/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên đã điểm lại tình hình hợp tác hai Đảng, hai nước trong năm qua, thảo luận về các biện pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không ngừng phát triển đi vào chiều sâu và thực chất.

Hai là, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư tăng trưởng ấn tượng, mang lại lợi ích thiết thực cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân hai nước.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực, nhưng kim ngạch thương mại Việt - Trung vẫn tăng trưởng với tốc độ hai con số.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước; còn theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 220 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7%.

Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.

Về đầu tư, tính lũy kế đến 20/12/2021, Trung Quốc có 3.125 dự án đầu tư với tổng vốn đạt 21,34 tỷ USD, đứng thứ 7 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vướng mắc trong một số dự án hợp tác đang từng bước được tháo gỡ.

Ba là, hợp tác phòng chống Covid-19 trở thành điểm sáng mới trong hợp tác song phương. kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, hai bên dành cho nhau sự hỗ trợ, hợp tác kịp thời, hiệu quả ở các cấp, đóng góp tích cực cho công tác phòng chống dịch bệnh và khôi phục tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước.

Bốn là, trong vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới, xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì hòa bình, ổn định biên giới trên bộ.

Về vấn đề trên biển, hai bên duy trì thông suốt các kênh đối thoại, đàm phán, nỗ lực kiểm soát bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Năm là, tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Trung Quốc tích cực phối hợp nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, nhất là tại diễn đàn ASEAN và Liên hợp quốc; ủng hộ lẫn nhau tham gia các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc vẫn còn một số tồn tại như: nhập siêu của Việt Nam còn lớn; hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản, gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường Trung Quốc; thông quan hàng hóa tại cửa khẩu có lúc chưa thông suốt…

Với những vấn đề này, hai bên duy trì trao đổi thẳng thắn qua nhiều kênh nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Trung Quốc nhiều lần khẳng định không theo đuổi xuất siêu trong quan hệ thương mại với Việt Nam, bày tỏ sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa Việt Nam tại cửa khẩu biên giới.

Đại sứ Phạm Sao Mai (trái) thay mặt các địa phương Việt Nam tiếp nhận số hàng viện trợ phòng chống dịch Covid-19 từ Phó Chủ tịch Chính quyền Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây Hoàng Tuấn Hoa. (Ảnh: Mạnh Cường)

Thời gian qua, hai nước đã tích cực hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Xin Đại sứ cho biết một số kết quả cụ thể?

Như tôi đã nói ở trên, hợp tác phòng chống Covid-19 là điểm sáng mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong giai đoạn đầu khi Trung Quốc gặp khó khăn trong phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã kịp thời viện trợ cho Trung Quốc số vật tư, thiết bị y tế có tổng trị giá 600 nghìn USD. Một số bộ, ngành, các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam hỗ trợ hiệu quả vật tư y tế cho các bộ, ngành và địa phương biên giới Trung Quốc.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Trung Quốc đã chung tay viện trợ một lượng lớn vaccine và vật tư, thiết bị y tế hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch.

Tính đến ngày 30/12/2021, Trung Quốc đã cam kết viện trợ 7,3 triệu liều vaccine cho Việt Nam, trong đó 6,5 triệu liều đã bàn giao, 800 nghìn liều đang trong quá trình hoàn tất thủ tục.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đáp ứng tối đa nhu cầu của Việt Nam về việc mua thương mại và bàn giao một lượng lớn vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục; cam kết viện trợ cho Việt Nam số vật tư y tế có tổng giá trị hơn 10 triệu USD, trong đó nhiều lô hàng đã được chuyển giao cho phía Việt Nam.

Có thể nói, hợp tác Việt Nam và Trung Quốc về phòng, chống dịch bệnh là hình ảnh thu nhỏ, biểu hiện sinh động của quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn giữa hai Đảng, hai Chính phủ, nhân dân hai nước; góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, củng cố nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.

Xin Đại sứ chia sẻ thêm về những nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trong công tác ngoại giao vaccine?

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc rất coi trọng công tác ngoại giao vaccine, sớm thành lập Nhóm Taskforce về ngoại giao vaccine với nhiệm vụ chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng tất cả các kênh, vận động Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam lượng vaccine ngừa Covid-19 và thiết bị vật tư y tế nhiều nhất, nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Trên tinh thần đó, Đại sứ quán đã làm tốt công tác tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và các đơn vị chức năng trong nước; phối hợp với các Cơ quan đại diện của ta tại Trung Quốc tích cực vận động các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp Trung Quốc cùng tham gia hỗ trợ vaccine và vật tư y tế cho Việt Nam; giữ liên hệ 24/7 với các đầu mối trong nước và sở tại, tích cực thúc đẩy, theo sát tiến độ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình ký kết hợp đồng, vận chuyển và bàn giao vaccine.

Có thể nói, công tác ngoại giao vaccine thời gian qua đã được Đại sứ quán triển khai khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp trực tiếp cho công tác kiểm soát dịch bệnh ở trong nước.

Trong quá trình đó, Đại sứ quán luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vaccine, sự phối hợp nhiệt tình, hiệu quả của các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế…

Một nhân tố rất quan trọng khác đóng góp cho thành công của ngoại giao vaccine Việt Nam tại địa bàn Trung Quốc thời gian qua là sự quan tâm, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của phía Trung Quốc, từ trung ương tới các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc (ngày 1-10/10 hằng năm), các cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc vẫn túc trực 24/7, phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, bảo đảm việc vận chuyển, bàn giao vaccine diễn ra thuận lợi, suôn sẻ và trong thời gian sớm nhất.

Xin cảm ơn Đại sứ!