📞
Ngoại giao phục vụ công cuộc chống dịch Covid-19:

Hợp tác ứng phó Covid-19 của ASEAN: Chung tay vượt qua đại dịch!

MỘC TRÀ 18:47 | 10/06/2021
Ngay từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát, bên cạnh tầm quan trọng của việc phát huy nội lực, ngành Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của hợp tác đa phương trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4 tại thủ đô Jakarta, Indonesia (Nguồn: TTXVN)

Phản ứng mau lẹ, gắn kết hành động

Ngay từ đầu năm 2020, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm là “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cho thấy phương châm đoàn kết và chung tay đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống trở nên càng ý nghĩa và hợp thời.

Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về Covid-19 diễn ra ngày 14/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam đã cùng ASEAN thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời với đại dịch cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên.

Trước đó, ngày 14/2, khi dịch Covid-19 đang ở giai đoạn khởi phát và lúc này Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu (Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020), ASEAN đã sớm ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với Covid-19. Tiếp sau đó là một loạt những cuộc họp cấp Bộ trưởng quan trọng trên các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng…, nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Đồng thời, ASEAN tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác đối thoại như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế quan trọng như WHO để cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh.

Ngày 14/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước), trong vai trò Chủ tịch ASEAN, đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Đánh giá cao các nước thành viên ASEAN đã chung tay cùng Việt Nam ứng phó đại dịch ngay từ những ngày đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các nước ủng hộ các đề xuất của Việt Nam như lập Quỹ hợp tác ứng phó Covid-19 của ASEAN, lập kho dự phòng vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khẩn cấp khi có dịch bệnh, sáng kiến tổ chức diễn tập trực tuyến của quốc phòng về ứng phó dịch bệnh khẩn cấp, xây dựng quy trình ứng phó khẩn cấp chung của ASEAN khi có dịch bệnh, lập Nhóm công tác đặc trách của các quan chức cao cấp thông tin ASEAN về chống tin giả…

Chủ động tìm nguồn cung vaccine Covid-19 từ giai đoạn manh nha

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị ráo riết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện chiến lược vaccine Covid-19 thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Thật thú vị khi nhìn lại năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và cả cho đến nay, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã luôn chủ động trong việc vận động các đối tác để tiếp cận thêm các nguồn vaccine Covid-19.

Vào tháng 3, tháng 4/2020, khi cuộc đua nghiên cứu, sản xuất vaccine mới giai đoạn manh nha, trong các cuộc làm việc với các đối tác nước ngoài, trên cả phương diện đa phương và song phương, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao luôn khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống bệnh dịch toàn cầu.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tham dự ăn tối làm việc của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 24/4.

Ngày 3/4/2020, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (nay là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) có cuộc điện đàm lần thứ ba với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand về tình hình dịch bệnh Covid-19.

Điều đặt biệt là trong các cuộc điện đàm, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Chính phủ các nước tiếp tục có các cam kết chính trị để bảo đảm rằng các nước được tiếp cận và đáp ứng nhu cầu sử dụng vaccine và thuốc chữa trị Covid-19 nếu nghiên cứu thành công.

Điểm lại lịch sử sáng chế vaccine ngừa Covid-19 để thấy sự nhạy bén của ngành đối ngoại trong công tác tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine. Cuối tháng 2/2020, WHO bày tỏ sự lo ngại về triển vọng sản xuất thành công một loại vaccine Covid-19 trong vòng 18 tháng. Tuy vậy, trước nhu cầu cấp thiết về vaccine để đối phó với đại dịch toàn cầu, tháng 10/2020, có hơn 320 ứng viên tham gia cuộc đua nghiên cứu và thử nghiệm vaccine Covid-19.

Đến tháng 11/2020, 56 ứng cử viên vaccine đang trong quá trình nghiên cứu lâm sàng. Thời điểm đó, vaccine AstraZeneca vươn lên dẫn đầu cuộc đua khi nhà sản xuất công bố kết quả khả quan từ các phân tích của thử nghiệm lâm sàng.

Thúc đẩy mua vaccine Covid-19 hỗ trợ người dân

Năm 2021, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc xây dựng và triển khai hiệu quả các sáng kiến ứng phó Covid-19 trong ASEAN.

Tại Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) trực tuyến ngày 19/1, hoạt động đầu tiên trong năm 2021 do Brunei chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đề nghị sử dụng Quỹ ASEAN về ứng phó Covid-19 để mua vaccine, trước mắt để phục vụ nhân viên y tế ở tuyến đầu, đồng thời kêu gọi ASEAN vận hành đầy đủ Kho dự phòng vật tư y tế khu vực (RRMS).

Một tháng sau, ngày 18/2, trong cuộc họp lần thứ 6 Nhóm Công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng một lần nữa bày tỏ ủng hộ sử dụng Quỹ Covid-19 phục vụ nhu cầu cấp thiết là cung cấp vaccine cho người dân các nước thành viên ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, mỗi nước cần xác định nhu cầu về số lượng, chủng loại và đối tượng được tiêm chủng để xây dựng kế hoạch cung cấp vaccine hiệu quả, thiết thực chung của ASEAN. Thứ trưởng hoan nghênh đề xuất của nước Chủ tịch Brunei về sử dụng các cơ chế cung cấp vaccine đa phương toàn cầu như COVAX để đáp ứng nhu cầu của ASEAN.

Các nước ASEAN đã thống nhất quyết định có ý nghĩa quan trọng là sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 để mua vaccine hỗ trợ người dân các nước thành viên, trên cơ sở phân bổ đồng đều cho cả 10 nước. Tới tháng 2/2021, Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 đã nhận được cam kết hỗ trợ ở mức trên 15 triệu USD từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác.

Ngày 24/4, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia, tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ về các ưu tiên hợp tác sắp tới của ASEAN, đề nghị trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, cần triển khai ngay kế hoạch và có cách tiếp cận bình đẳng để mua và phân phối vaccine cho người dân; phối hợp chặt với WHO và các đối tác của ASEAN để bảo đảm nguồn cung vaccine đồng đều, ổn định cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Có thể thấy, trong thời gian qua, những nỗ lực của Việt Nam trong ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến; tích cực phối hợp với các quốc gia thành viên khác thảo luận, thông qua nhiều Nghị quyết, văn kiện nhằm tăng cường hợp tác trong ứng phó với Covid-19, đặc biệt là phối hợp bảo đảm cung ứng và phân phối vaccine ngừa Covid-19 đồng đều, trong hợp tác ASEAN và trong khuôn khổ chương trình COVAX.