📞

Hợp tác Việt Nam - Campuchia: Phát triển mạnh trên nền tảng lịch sử

07:00 | 22/12/2016
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen (từ ngày 20-21/12) đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị mà hai nước đã thiết lập trong gần 5 thập kỷ qua.

Việt Nam đã dành sự đón tiếp nồng hậu và trang trọng cho người đứng đầu Chính phủ Vương quốc Campuchia. Bốn nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có các cuộc gặp, hội đàm với Thủ tướng Hun Sen ngay trong ngày đầu ông đến Việt Nam.

Tại các cuộc tiếp thắm tình đoàn kết hữu nghị, chân thành và hiểu biết lẫn nhau, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đều bày tỏ vui mừng đón vị khách quý từ nước láng giềng thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai kể từ khi ông tái đắc cử Thủ tướng Campuchia năm 2013. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự sâu sắc trong quan hệ hai nước, đồng thời tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác láng giềng tốt đẹp vốn có giữa Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về phần mình, Thủ tướng Hun Sen cho biết chuyến thăm tới Việt Nam lần này là dịp bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với những giúp đỡ to lớn và quý báu mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cứu nước và đưa nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, cũng như  xây dựng và phát triển đất nước sau này. Thủ tướng Hun Sen khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước không thể đổi thay dù tình hình thế giới có biến động.

Những kết quả nổi bật

Các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được đồng thuận cao trong nhiều vấn đề quan trọng. Đáng chú ý, tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục duy trì nguyên tắc không cho thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ nước này để gây phương hại đến an ninh của nước kia và tăng cường hợp tác chống buôn lậu, vượt biên trái phép và trong phòng chống các loại tội phạm (ma tuý, buôn bán người, vũ khí, xuyên biên giới, công nghệ cao…).

Hai Thủ tướng khẳng định sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền cũng như giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên toàn tuyến biên giới theo các cơ chế hiện có và trên tinh thần láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

Về vấn đề Việt kiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong rằng Thủ tướng Hun Sen tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành của Campuchia đẩy nhanh tiến độ giải quyết giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt ở Campuchia để họ an tâm ổn định cuộc sống và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Campuchia và quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Hai bên nhất trí duy trì trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như giữa các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Chính phủ Việt Nam tại buổi hội đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)...

Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên giao Bộ Thương mại Campuchia và Bộ Công Thương Việt Nam đàm phán, sớm thống nhất các nội dung còn vướng mắc để ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên thúc đẩy và khai thác mạnh hơn nữa việc kết nối tuyến giao thông vận tải, kết nối điện, du lịch, viễn thông, ngân hàng..., những lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực trong khuôn khổ kế hoạch tổng thể kết nối ba nền kinh tế Campuchia - Lào - Việt Nam.

Hai bên nhất trí đôn đốc Bộ Giao thông Vận tải của hai nước chủ trì đàm phán Thỏa thuận cấp Chính phủ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải như đã nêu tại Biên bản thỏa thuận Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học kỹ thuật; trao đổi để đi đến ký kết Thỏa thuận về việc thúc đẩy nghiên cứu đầu tư xây dựng đường cao tốc Hồ Chí Minh - Phnom Penh để có thể ký nhân dịp hai Thủ tướng gặp nhau trong năm 2017; chủ trì khảo sát mô hình “một cửa, một lần dừng” hợp lý để sớm áp dụng đối với cặp cửa khẩu Mộc Bài - Bà Vét.

Nhân chuyến thăm, hai nước đã ký kết 3 văn kiện hợp tác gồm Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù và Thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc Việt Nam và Bộ Lễ nghi - Tôn giáo Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen và thành viên Chính phủ Vương quốc Campuchia tại buổi hội đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Mối quan hệ giàu truyền thống

Ngược dòng thời gian 50 năm trước, ngày 24/6/1967 đã đánh dấu sự kiện quan trọng Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao khi nhân dân Việt Nam còn đang trong giai đoạn đấu tranh khốc liệt chống giặc ngoại xâm. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhân dân hai nước đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh.

Những năm qua, việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo tiền đề và đường lối đúng đắn vun đắp quan hệ giữa các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân hai nước. Các cơ chế hợp tác song phương phát huy hiệu quả như: Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật đã họp được 14 kỳ; Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam ­ Campuchia đã họp được 8 lần. Thời gian tổ chức Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia trong năm 2017 sẽ sớm được thống nhất.

Là láng giềng có chung hơn 1.000 km đường biên giới trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, cùng chung dòng Mekong đỏ hồng phù sa, những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực tiếp tục phát triển, đơm hoa thơm và kết trái ngọt. Trong đó, lĩnh vực thương mại và đầu tư đã đạt được những con số ấn tượng. Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu và Malaysia) và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia. Việt Nam có 183 dự án đầu tư tại Campuchia  với tổng vốn đăng ký là 2,86 tỷ USD trải khắp 15 lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, viễn thông, y tế, xây dựng… Campuchia có 12 dự án đầu tư  còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 54 triệu USD, đứng thứ 49 trên tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương 10 tháng đầu năm nay đạt 2,382 tỷ USD.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước nhân chuyến thăm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nền văn hóa đặc sắc được cho là động lực mạnh mẽ thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước. Năm 2015, số du khách Việt Nam sang Campuchia đạt khoảng 1 triệu lượt (tăng 9,9%), trong khi du khách Campuchia tới Việt Nam đạt 210.000 lượt. Trong 10 tháng đầu năm 2016, có hơn 172.000 lượt khách Campuchia đến Việt Nam. Đến hết tháng 9/2016, lượt khách du lịch Việt Nam sang Campuchia đạt trên 695.000 người.

Có thể nhận thấy, mối quan hệ Việt Nam – Campuchia đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ trên nền tảng lịch sử giàu truyền thống đoàn kết, sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế cũng như khu vực, cùng quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân hai nước. Sự phát triển này mang lại những “quả ngọt” cho nhân dân hai nước, đồng thời góp phần tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Từ năm 2012 đến nay, GDP của Campuchia tăng trưởng trung bình trên 7%/năm. Năm 2016 dự kiến đạt 6,9%.Thu nhập bình quân đầu người của Campuchia đạt hơn 1.228 USD/năm (số liệu năm 2015).Hiện Campuchia có quan hệ thương mại với 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.Kim ngạch thương mại giữa Campuchia và các nước đạt khoảng 18 tỷ USD (năm 2014).Nông nghiệp, dệt may, du lịch và xây dựng là những lĩnh vực trụ cột chính của nền kinh tế nước này. Năm 2015, Campuchia đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

 

 

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước nhân chuyến thăm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)