📞

Hun đúc 'tinh thần khởi nghiệp gara' trong người trẻ

Đỗ Cao Bảo 08:30 | 20/01/2021
TGVN. Nếu người trẻ không thay đổi sẽ dễ thua ngay trên 'sân nhà'. Muốn đuổi kịp và vượt các nước láng giềng thì nhất định giới trẻ phải có 'tinh thần khởi nghiệp gara'.
Muốn đuổi kịp và vượt các nước láng giềng thì nhất định lớp trẻ phải có 'tinh thần khởi nghiệp gara'. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Thất nghiệp, ai chịu trách nhiệm?

Nhiều năm nay, không ít ý kiến lo ngại vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và một trong những lý do đưa ra là tình trạng thất nghiệp của cử nhân, kỹ sư mới ra trường khá cao. Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 300.000 bạn trẻ, được đào tạo, có bằng cấp thất nghiệp. Đây là một vấn đề nhức nhối của những người có trách nhiệm.

Câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm về vấn đề lớn này của xã hội? Nhà trường hay doanh nghiệp? Hình như không ai cả, bởi chúng ta đã thừa nhận và đang theo mô hình kinh tế thị trường, không còn thời bao cấp.

Vậy các bạn trẻ, cha mẹ và gia đình họ phải tự chịu trách nhiệm về việc thất nghiệp của mình. Các bạn tự chọn đi học đại học, học cao đẳng hay đi làm công nhân, học nghề, tự chọn ngành học, trường học. Các bạn tự chịu trách nhiệm về kiến thức và kỹ năng mình tích luỹ được sau 3-4 năm ngồi trên ghế nhà trường cũng như tự chịu trách nhiệm về các quyết định của chính mình.

Tôi muốn đặt câu hỏi cho các cử nhân, kỹ sư trẻ: tại sao các bạn không tự khởi nghiệp, tự mở công ty, tự mở nhà máy, tự mở xí nghiệp để tự tạo ra công ăn việc làm cho chính mình và cho bạn bè mình? Nhiều người sẽ đưa ra các lý do như thiếu vốn, thiếu kỹ năng, không có thị trường, không có nguồn tiêu thụ, rồi cơ chế, chính sách…

Bài học khởi nghiệp từ "gara ô tô"

Tuy nhiên, không ít công ty nổi tiếng trên thế giới đã khởi nghiệp từ gara ô tô. Họ không có vốn, không tài sản, nên họ phải khởi nghiệp và lấy chính gara ô tô của cha mẹ mình làm trụ sở công ty.

Là người trẻ, không ít người có mong ước được sở hữu chiếc mô tô phân khối lớn Harley Davidson. Bởi Harley Davidson là thương hiệu mô tô nổi tiếng nhất thế giới, biểu tượng cho phong cách sống cá tính. Nhưng không nhiều bạn biết Harley và người bạn của mình, Authur Davidson đã thành lập công ty mang tên Harley-Davidson vào năm 1903 từ chính chiếc gara ô tô xấu xí của gia đình.

Trẻ em khá thích thú và say mê những bộ phim hoạt hình Walt Disney, mơ ước được đặt chân đến công viên giải trí Disney Land. Chính Walt Disney năm 1924 đã khởi nghiệp từ một gara của Robert Disney, chú của Walt Disney.

Hãng máy tính khổng lồ HP (Hewlett-Packard) có doanh thu 138 tỷ USD, 315.000 nhân viên cũng được Hewlett và Packard khởi nghiệp từ gara ô tô với số vốn vẻn vẹn 538 USD vào năm 1938. Tương tự, Amazon và Google cũng được Jeff Bezos, Larry Page và Sergey Brin khởi nghiệp từ gara ô tô.

Hiện nay, không chỉ lớp trẻ mà cả người già trên toàn thế giới đều say đắm với những chiếc iPhone, iPad, Macbook của Apple. Chính Steve Jobs, Steve Wozniak cùng một đồng sự nữa đã thành lập nên Apple ngay trong gara căn nhà của bố mẹ nuôi Steve Jobs vào năm 1976. Chính trong chiếc gara này, Steve, Wozniak đã lắp ráp 50 chiếc máy tính trong một hợp đồng đầu tiên của Apple.

Steve Jobs, Steve Wozniak khởi nghiệp ngay tại gara căn nhà của bố mẹ nuôi Steve Jobs vào năm 1976. (Nguồn: Corbis)

Đại dịch Covid-19 đã làm cả thế giới chao đảo, suy thoái kinh tế trầm trọng, doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp hàng loạt. Trong khi đó, hãng Amazon phải tuyển dụng hơn 100.000 nhân viên mà vẫn không kịp phục vụ các đơn đặt hàng online của khách hàng.

Trong đại dịch Covid-19, doanh số, lợi nhuận của Amazon vẫn tăng trưởng chóng mặt, giá trị công ty lên đến 1.550 tỷ USD. Chính Jeff Bezos đã thành lập Amazon ngay trong cái gara của gia đình sau khi lập kế hoạch kinh doanh ngay trên chiếc xe ô tô tự lái xuyên nước Mỹ và chính những quyển sách đầu tiên ông bán cũng được bày trong gara ấy.

Khi khởi nghiệp, Jack Ma (ông chủ của Alibaba) không có vốn, doanh thu không đủ trả lương nhân viên. Ban ngày, ông đi tìm kiếm hợp đồng cho công ty, tối mang bao tải lên chợ đầu mối mua hàng tạp hoá về đi bộ bán dạo trên những con phố Hàng Châu. Ông chỉ bỏ nghề bán dạo khi số hợp đồng đủ chi phí cho công ty. Một ông giáo đại học không xấu hổ khi phải vác bao tải đi bộ bán đồ tạp hoá dạo trên phố, miễn là có tiền trả lương nhân viên, để nhân viên yên tâm làm việc, đấy là tinh thần khởi nghiệp.

Ngay ở Việt Nam, năm 1988 đất nước còn khó khăn gấp bội lần, chưa có luật công ty, kinh tế bị cấm vận, anh Trương Gia Bình và 12 cộng sự cũng đã khởi nghiệp từ chiếc gara ô tô cải tạo lại thành nhà ở.

Những cái tên khởi nghiệp từ gara ô tô còn kéo dài: Tỷ phú Bill Gates với Microsoft, hai tỷ phú Larry Page và Sergey Brin với Google, Mattel với LEGO, Michael Kittredge với Yankee Candle…

Cả Harley Davidson, Walt Disney, Hewlett, Packard, Bill Gates, Jeff Bezos, Larry Page, Sergey Brin, Steve Jobs, Steve Wozniak, Michael Kittredge, Jack Ma, Trương Gia Bình… đều không có vốn liếng, tiền bạc, tài sản. Họ chỉ có khát vọng, đam mê và quyết tâm khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp của họ gọi là "tinh thần khởi nghiệp gara".

Tôi từng chia sẻ, Việt Nam sẽ giảm thất nghiệp nếu chúng ta truyền cho lớp trẻ Việt Nam "tinh thần khởi nghiệp gara". Chỉ cần có 3.000 bạn trẻ có ý chí và dám khởi nghiệp từ "gara ô tô" sẽ có thêm 30.000 bạn trẻ có việc làm. Bằng cách nào đó chúng ta làm cho 30.000 bạn trẻ có ý chí và dám khởi nghiệp từ "gara ô tô" thì toàn bộ 300.000 bạn trẻ có bằng cấp thất nghiệp sẽ có việc làm.

Hơn hết, nếu người trẻ không thay đổi sẽ dễ thua ngay trên “sân nhà”. Muốn đuổi kịp và vượt các nước láng giềng thì nhất định lớp trẻ phải có "tinh thần khởi nghiệp gara" chứ không thể ngồi chờ có việc làm từ một "suất về hưu" của lớp cha ông.

(Đồng sáng lập, Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT)