Lệnh cấm vận từ EU sẽ khiến Nga thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Một nhà máy lọc dầu ở vùng Irkutsk, Nga. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 30/5, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay, như một phần của gói trừng phạt thứ sáu của khối đối với Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng RBC Capital Markets nhận định: “Phản ứng của Nga rõ ràng là sẽ được theo dõi chặt chẽ".
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau, Mỹ và Arab Saudi.
Theo ước tính của Bloomberg, về lâu dài, lệnh cấm vận từ EU sẽ khiến Nga thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Vậy, Moscow sẽ làm gì để giảm bớt tác động đến "túi tiền" của nền kinh tế?
"Săn lùng" khách hàng thay thế EU
Theo ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), Moscow sẽ tìm kiếm những nhà nhập khẩu dầu mỏ khác.
Ở thời điểm hiện tại, Moscow đã có hai khách hàng tiềm năng mua dầu thô, đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia này đã mua dầu Nga với giá ưu đãi.
Theo các nhà quan sát thị trường năng lượng, trước đây, Ấn Độ nhập khẩu rất ít dầu thô từ Nga - chỉ từ 2% đến 5% một năm. Tuy nhiên, những tháng gần đây, quốc gia này đã mua dầu Nga với số lượng tăng vọt.
Cụ thể, từ tháng 2 đến nay, Ấn Độ nhận 34 triệu thùng dầu giá khuyến mãi từ Nga, gấp hơn 10 lần so với tổng lượng nhập khẩu cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ trong tháng 5/2022, Ấn Độ nhập 24 triệu thùng dầu thô của Nga, tăng mạnh so với 7,2 triệu thùng hồi tháng 4/2022 và 3 triệu thùng hồi tháng 3/2022. Con số này trong tháng 6/2022 dự kiến là 28 triệu thùng.
Năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu dầu của Nga trung bình 960.000 thùng/tháng, thấp hơn lượng nhập khẩu của riêng tháng 5/2022 gần 25 lần.
Còn với Trung Quốc, dữ liệu của Kpler, một công ty theo dõi vận chuyển xăng dầu cho thấy, từ tháng 3/2022 đến tháng 5/2022, quốc gia này đã mua 14,5 triệu thùng dầu từ Nga, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cắt giảm sản lượng
Nga cũng có thể cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu thô để giảm bớt tác động đến "túi tiền" của nền kinh tế.
Phó chủ tịch công ty dầu mỏ Lukoil (Nga) Leonid Fedun cho hay, Moscow nên cắt giảm sản lượng dầu tới 30% để đẩy giá lên cao hơn và tránh bán dầu với giá chiết khấu.
Theo nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics Edward Gardner, đối với Nga, tác động của khối lượng xuất khẩu giảm trong năm nay sẽ được bù đắp bởi giá dầu tăng cao. Sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm khoảng 20% vào cuối năm nay.
Nhà kinh tế này nhấn mạnh: "Dầu thô Urals - hỗn hợp dầu chính mà Moscow xuất khẩu đang được giao dịch với mức chiết khấu so với các tiêu chuẩn toàn cầu. Hiện tại, dầu thô Urals có giá 95 USD/thùng - vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm một năm trước".
Tuy nhiên, nếu sản lượng dầu của Nga giảm, các "đối thủ" khác có thể can thiệp để "hạ nhiệt" giá dầu.
Ngày 2/6, tờ Financial Times trích dẫn các nguồn tin cho hay, Arab Saudi chuẩn bị tăng sản lượng dầu thô nếu sản lượng của Moscow giảm.